Đề xuất mới về hoạt động thông tin tín dụng
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 10/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng (TTTD).
Theo NHNN, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 10 là cần thiết để tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý cũng như yêu cầu thực tiễn.
Cụ thể, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 10 có quy định về việc giữ bí mật, lưu trữ và hạn chế cung cấp TTTD. Tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh hơn cho Công ty TTTD, Tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với khách hàng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Nghị định thay thế Nghị định 10 quy định chặt hơn về điều kiện của đội ngũ quản lý, nhằm giảm thiểu rủi ro đạo đức trong quá trình thực hiện quản lý hoạt động tại Công ty TTTD.
Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 10 theo định hướng: Thứ nhất, bảo đảm việc giữ bí mật, lưu trữ thông tin khách hàng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; thứ hai, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, sử dụng TTTD của khách hàng phục vụ cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân; thứ ba, bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường hoạt động TTTD Việt Nam, đồng thời, nhằm bảo đảm Công ty TTTD hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững.
NHNN cũng đề xuất các giải pháp đối với chính sách về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động TTTD.
Theo NHNN, thị trường TTTD Việt Nam thời gian qua được đánh giá là chưa phát triển và tính cạnh tranh chưa cao. Cụ thể Việt Nam mới chỉ có 01 Công ty TTTD được thành lập (Công ty cổ phần TTTD Việt Nam – PCB) và 01 Trung tâm TTTD Quốc gia Việt Nam (CIC – tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc NHNN) theo Quyết định số 324/QĐ-NHNN ngày 26/2/2014 của NHNN hoạt động trong lĩnh vực TTTD. Trong khi đó nhu cầu TTTD lại lớn với số lượng 42 ngân hàng, 27 công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, các nguồn thông tin khác chưa nhiều hoặc khó tiếp cận, các yêu cầu về công khai, minh bạch thông tin chưa thực sự được coi trọng, khách hàng che giấu lịch sử TTTD của bản thân, làm ảnh hưởng đến chất lượng của các khoản cấp tín dụng. Thêm vào đó, thị trường mua bán nợ tại Việt Nam đang trong giai đoạn hình thành và phát triển nhằm đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của nền kinh tế cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về TTTD hợp pháp, phong phú, đáng tin cậy.
Từ các yêu cầu thực tiễn nêu trên, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý (Nghị định 10 và các văn bản hướng dẫn liên quan) việc để phát triển thị trường TTTD, bảo đảm hoạt động của Công ty TTTD hiệu quả, phát triển bền vững càng cần thiết và cấp bách hơn.
Từ những lý do trên, NHNN đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện theo hướng: Nới lỏng hơn quy định “Có tối thiểu 20 ngân hàng thương mại (NHTM) cam kết cung cấp TTTD và các ngân hàng này không có cam kết tương tự với công ty TTTD khác”. Quy định này nhằm bảo đảm các công ty TTTD có đủ nguồn thông tin để thực hiện đầy đủ, chính xác chức năng, nhiệm vụ của mình và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, tránh việc chia sẻ thông tin cho quá nhiều đối tượng, ảnh hưởng đến vấn đề bảo mật./.
|