Thứ Sáu, 04/08/2017 21:45

Để huy động vàng, ngoại tệ: Giải pháp trực tiếp là khôi phục niềm tin

Giả sử thay vì cất giữ vàng, ngoại tệ ở nhà, người dân đem gửi số tài sản tiết kiệm đó vào ngân hàng thì tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế vẫn không đổi, dẫn đến tổng đầu tư không tăng.

Trong một nền kinh tế thị trường, các chính sách kinh tế thường được chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất liên quan đến tăng trưởng dài hạn như các chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, dỡ bỏ các quy định, kiểm soát hoạt động kinh tế (deregulation), các thỏa thuận tự do thương mại, đầu tư, cải tổ hệ thống thuế và các chính sách công nghiệp. Một số chính sách thoạt nhìn ít liên quan đến kinh tế nhưng cũng có tác dụng đến tăng trưởng dài hạn như cải cách giáo dục, y tế, cải cách hệ thống pháp luật, hành chính, xóa bỏ chế độ hộ khẩu, chính sách nhập cư.

Nhóm thứ hai liên quan đến ổn định vĩ mô trong ngắn hạn, bao gồm hầu hết các chính sách tài khóa và tiền tệ. Trên nguyên tắc, một nền kinh tế thị trường sẽ tự điều chỉnh về trạng thái cân bằng. Tuy nhiên quá trình điều chỉnh có thể diễn ra quá chậm, quá nhanh hoặc quá đà gây ra những hậu quả xấu cho xã hội như lạm phát phi mã, thất nghiệp tràn lan, khủng hoảng tài chính... Bởi vậy nhà nước thường có những biện pháp can thiệp khi nhận thấy nền kinh tế đang lệch khỏi trạng thái cân bằng một cách thái quá.

Xét trên quan điểm này, ý tưởng huy động vàng, ngoại tệ trong dân để đẩy mạnh đầu tư thuộc nhóm thứ hai. Ở đây các nhà làm chính sách cho rằng người dân đã và đang tiết kiệm quá nhiều (dưới dạng vàng và ngoại tệ cất giữ tại gia) và/hoặc lòng tin của họ vào tiền đồng và các loại tài sản tài chính khác của Việt Nam quá thấp (so với độ tin cậy thực tế hoặc hợp lý với tiền đồng). Tình trạng này ảnh hưởng đến tổng đầu tư của toàn xã hội, dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp hơn mức tiềm năng. Do đó, thay vì để người dân tự điều chỉnh hành vi tiết kiệm và niềm tin vào nội tệ, Nhà nước cần đưa ra chính sách huy động vàng, ngoại tệ trong dân để quá trình này diễn ra nhanh hơn.

Khoan nói về tính đúng, sai, hiệu quả của các chính sách này, có thật người dân tiết kiệm quá cao hay không và có thật niềm tin vào nội tệ quá thấp so với mức hợp lý hay không?

Người dân Việt Nam không tiết kiệm quá cao

Câu hỏi thứ nhất có thể dễ dàng trả lời từ thống kê vĩ mô của nền kinh tế. Thực ra tỷ lệ tiết kiệm trên GDP của Việt Nam khá thấp so với các nước trong khu vực và các nước có cùng trình độ phát triển. Năm 2015, tỷ lệ này của Việt Nam chỉ là 27,3% so với 48,3% của Trung Quốc, 44% của Philippines, 32% của Indonesia. Do vậy, có thể nói tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam không cần hay không nên giảm xuống, có chăng là giảm phần tiết kiệm bằng vàng và ngoại tệ bên ngoài hệ thống tài chính.

Nhưng có thực số tiết kiệm giữ tại gia này làm giảm tổng đầu tư hay không? Nhiều người lập luận rằng khi tiết kiệm ngoại tệ được gửi ở ngân hàng, số tiết kiệm đó sẽ được ngân hàng cho vay giúp tăng đầu tư trong khi nếu nó được giữ ở nhà thì đó là đồng vốn “chết”. Cách hiểu này sai về mặt vĩ mô vì bất kể người dân giữ tiết kiệm dưới hình thức nào, phần năng lực sản xuất của toàn bộ nền kinh tế mà họ không “tiêu dùng” sẽ phải được ai đó sử dụng.

Hãy cứ để người dân tự đánh giá rủi ro và phòng tránh theo cách của họ, nếu sai họ sẽ tự điều chỉnh chứ Nhà nước không nên can thiệp để họ rời khỏi nơi trú ẩn là vàng, ngoại tệ chỉ vì muốn đẩy mạnh đầu tư nhằm chạy theo một mục tiêu tăng trưởng.

Nói nôm na là khi một người mua vàng, ngoại tệ về cất trong tủ để tiết kiệm, người bán số vàng, ngoại tệ đó sẽ phải sử dụng số tiền nhận được cho việc đầu tư hay tiêu dùng. Giả sử thay vì cất giữ vàng, ngoại tệ ở nhà, người dân đem gửi số tài sản tiết kiệm đó vào ngân hàng thì tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế vẫn không đổi, dẫn đến tổng đầu tư không tăng.

Điều thay đổi duy nhất là vòng quay của lượng vàng, ngoại tệ đó tăng lên, nói theo ngôn ngữ kinh tế học là tốc độ luân chuyển tiền tệ (velocity) tăng lên từ zero (giữ ở nhà) đến một con số dương nào đó (gửi ở ngân hàng và được cho vay). Tốc độ luân chuyển tiền tệ chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu vay của doanh nghiệp cho đầu tư (và người dân vay tiêu dùng) chứ không phụ thuộc vào người gửi tiền tiết kiệm. Đầu tư, và do đó GDP sẽ chỉ tăng khi doanh nghiệp nhận thấy tổng cầu đang gia tăng nên họ “đón đầu” bằng cách vay ngân hàng để mở rộng sản xuất. Thanh khoản của nền kinh tế sẽ tăng lên bất kể doanh nghiệp vay ngân hàng tiền đồng, vàng, ngoại tệ hay bất kỳ một loại tài sản nào khác.

Tất nhiên việc người dân gửi tiền đồng, vàng, ngoại tệ vào ngân hàng sẽ giúp các ngân hàng dễ dàng cho vay hơn khi nhu cầu tín dụng tăng lên vì các ngân hàng phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn tài chính. Tuy nhiên, một ngân hàng trung ương hiện đại có thể luôn đảm bảo thanh khoản đầy đủ cho nền kinh tế thông qua các biện pháp thị trường khi nhu cầu tăng. Thế giới đã chuyển từ chế độ bản vị vàng sang tiền giấy (fiat money) để giải phóng các ngân hàng trung ương khỏi ràng buộc dự trữ vàng cứng nhắc giúp nâng năng lực điều phối thanh khoản cho nền kinh tế. Hành vi tiết kiệm của người dân (bằng cách giữ vàng, ngoại tệ ở nhà) không phải là trở ngại quan trọng cho các chính sách nới lỏng hay thu hẹp tiền tệ mà ngân hàng trung ương sử dụng cho mục đích ổn định vĩ mô, bao gồm cả kích thích đầu tư nếu cần.

Thanh khoản bằng tiền đồng, vàng hay ngoại tệ đều như nhau cho các hoạt động đầu tư, tiêu dùng trong nước. Sự khác biệt chỉ xuất hiện khi nhu cầu thanh khoản ngoại tệ với nước ngoài gia tăng, nhưng ngay cả trong trường hợp này, ngân hàng trung ương có thể điều chỉnh tỷ giá để quân bình cung, cầu ngoại tệ. Với các quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn, ngân hàng trung ương có thể can thiệp trực tiếp vào thị trường này để giảm bớt sức ép lên tỷ giá. Nếu tin vào những gì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tuyên bố về tình hình thị trường và dự trữ ngoại hối quốc gia trong sáu tháng đầu năm, Việt Nam không hoặc chưa bị sức ép nào đáng kể về tỷ giá đến mức phải tìm cách huy động ngoại tệ trong dân để bù đắp.

Niềm tin vào nội tệ có quá thấp so với mức hợp lý hay không?

Câu hỏi thứ hai, liệu người dân có quá bi quan (hơn mức cần thiết) đối với độ ổn định của tiền đồng hay không, sẽ khó trả lời hơn. Tuy nhiên nếu nhớ rằng NHNN đã từng “tuyên chiến” với tình trạng vàng hóa, đô la hóa trong mấy năm qua và đã khẳng định rằng họ thắng thì có thể ngầm hiểu rằng người dân hiện tại đã tin tưởng vào đồng nội tệ. Nếu kết luận đó không đúng và người dân vẫn chưa tin nhưng NHNN phải thay đổi lập trường cho phép các ngân hàng huy động vàng, ngoại tệ trở lại để cho vay thì hoặc NHNN chấp nhận thua hoặc họ thấy cuộc chiến đó sai lầm và bây giờ phải dừng lại.

Dù là với lý do nào đi nữa, có thể thấy quan điểm cho rằng người dân đang sai khi không đặt trọn niềm tin vào đồng nội tệ không có cơ sở. Ngay cả nếu người dân bi quan thái quá thì giải pháp trực tiếp phải là tìm cách khôi phục lại niềm tin chứ không phải dụ dỗ hay cưỡng ép họ không được tích trữ tiết kiệm dưới dạng vàng hay ngoại tệ. Có gì đảm bảo Nhà nước nhận định đúng hơn dân?

Hãy để người dân tự đánh giá rủi ro và phòng tránh theo cách của họ

Một số người chỉ ra tình hình lạm phát thấp và tỷ giá tương đối ổn định trong vài năm gần đây như là bằng chứng cho thấy tiền đồng đã lấy lại vai trò của nó. Không phủ nhận những kết quả của các chính sách ổn định vĩ mô mà Chính phủ theo đuổi trong thời gian qua, chắc chắn những thành tựu đó đã củng cố phần nào niềm tin của người dân vào đồng nội tệ.

Nhưng không thể không nhận ra rất nhiều rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Từ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đến thâm hụt ngân sách, nợ công ngày càng lớn. Nền kinh tế có độ mở rất lớn, nghĩa là phụ thuộc ngày càng nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu, trong khi tình hình bất ổn địa chính trị trên thế giới và trong khu vực đang gia tăng.

Cho nên, việc người dân cho rằng các loại tài sản tài chính và bản thân tiền đồng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro là hoàn toàn có cơ sở. Trong bối cảnh đó, vàng và ngoại tệ là những công cụ phòng tránh, phân tán rủi ro tương đối khả dĩ, dễ tiếp cận và quen thuộc với đa số dân thường.

Hãy cứ để người dân tự đánh giá rủi ro và phòng tránh theo cách của họ, nếu sai họ sẽ tự điều chỉnh chứ Nhà nước không nên can thiệp để họ rời khỏi nơi trú ẩn chỉ vì muốn đẩy mạnh đầu tư nhằm chạy theo một mục tiêu tăng trưởng.

http://www.thesaigontimes.vn/163207/De-huy-dong-vang-ngoai-te-Giai-phap-truc-tiep-la-khoi-phuc-niem-tin.html

Các tin tức khác

>   Vàng trong nước bất ngờ tăng khá mạnh (04/08/2017)

>   Vàng thế giới giảm 2 phiên liên tiếp chờ tin từ báo cáo việc làm (04/08/2017)

>   Vàng SJC giảm nhẹ 20,000 đồng/lượng (03/08/2017)

>   Vàng thế giới suy yếu do tâm lý thận trọng trước khả năng Fed sẽ nâng lãi suất (03/08/2017)

>   Vàng trong nước tăng nhẹ trở lại (02/08/2017)

>   Vàng thế giới quay đầu tăng lên mức cao nhất trong gần 8 tuần (02/08/2017)

>   Các chuyên viên giao dịch vàng bàn luận về kế hoạch thành lập sàn vàng ở Myanmar (01/08/2017)

>   Vàng SJC tiếp tục giảm nhẹ (01/08/2017)

>   Vàng vọt hơn 2%/tháng bất chấp đà suy yếu trong phiên (01/08/2017)

>   Khởi đầu tuần mới, vàng trong nước nhích nhẹ (31/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật