Thứ Ba, 29/08/2017 10:04

Đấu thầu đường sắt: Có hay không chuyện ưu ái “gà nhà”?

Thời gian qua, Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) lựa chọn một số công ty con trúng thầu trong lĩnh vực xây dựng, sửa chữa, bảo trì đường sắt. Tuy nhiên, do các đơn vị này VNR vẫn chiếm tới 50% phần vốn nên vi phạm luật đấu thầu. Vậy, có hay không sự ưu ái của VNR với “gà nhà”?

Hiện VNR có 20 đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc (mà VNR nắm giữ trên 50% cổ phần) thực hiện nhiệm vụ quản lý gác chắn, đường ngang, tuần đường sắt ngày đêm.

Trong tháng 7/2017, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có ý kiến về những tồn tại trong trình tự, thủ tục mua sắm, đấu thầu đối với chủng loại ray đường sắt trong kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia 2016 của VNR và các công ty cổ phần đường sắt. Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu VNR nghiêm túc xem xét lại khâu đấu thầu tại các gói thầu sửa chữa đường sắt.

Ông Trần Thiện Cảnh, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết: việc thi công xây dựng, sửa chữa định kỳ đường sắt có tính đặc thù rất cao, đó là vừa phải phục vụ chạy tàu với mật độ cao, vừa phải đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, an toàn về người, máy móc thiết bị trong quá trình thi công cơ giới kết hợp thủ công.

Để thực hiện nhiệm vụ này, hiện VNR có 20 đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc (mà VNR nắm giữ trên 50% cổ phần) thực hiện nhiệm vụ quản lý gác chắn, đường ngang, tuần đường sắt ngày đêm. Trong đó, có 5 công ty thông tin tín hiệu đường sắt đảm bảo an toàn chạy tàu và 15 đơn vị xây lắp khác.

Việc cho phép 20 công ty con này tham gia đấu thầu các gói thầu sửa chữa đường sắt do VNR làm chủ đầu tư sẽ góp phần tạo cơ hội việc làm, đảm bảo thu nhập cho một khối lượng lớn người lao động làm nhiệm vụ công ích tại đây (khoảng 14.000 người).

Mặt khác, các gói thầu sửa chữa, bảo trì đường sắt được đấu thầu rộng rãi, các tiêu chí mời thầu được công khai và áp dụng bình đẳng với mọi nhà thầu tham dự nên việc cho phép 20 công ty này tham gia đấu thầu sẽ mở rộng đối tượng tham dự thầu, tăng tính cạnh tranh cho gói thầu, giúp VNR lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu và có giá dự thầu cạnh tranh nhất.

“Để đảm báo tính minh bạch trong đấu thầu, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 713/TTg-KTN ngày 19/5/2015 cho phép các doanh nghiệp quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc VNR tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt và dự án sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt do VNR làm chủ đầu tư. Điều này là hoàn toàn hợp lý, bởi ngay cả khi các đơn vị ngoài ngành trúng thầu, nhiều hạng mục đặc thù họ phải đi thuê lại các công ty con của VNR”, ông Cảnh nói.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia giao thông, Văn bản số 713/TTg-KTN chỉ áp dụng cho các công ty TNHH MTV, công ty có 100% vốn của VNR mà không có hiệu lực với các công ty thuộc VNR đã hoàn thành cổ phần hóa. Mặt khác, theo Điều 6 Luật Đấu thầu 2013 và Điều 2 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì các công ty đường sắt có trên 30% vốn góp của VNR sẽ không được tham gia đấu thầu các gói thầu do chính VNR làm chủ đầu tư.

Vậy, liệu có sự ưu ái với “gà nhà”, hay “sân sau” tại các dự án đấu thầu đường sắt?Về vấn đề này, ông Cảnh cho biết: theo quy định tại Điều 1 của Điều lệ tổ chức hoạt động của VNR ban hành kèm theo Nghị định số 175/2013/NĐ-CP thì các công ty dù đã cổ phần hóa nhưng VNR có vốn góp chi phối (trên 50%) vẫn là công ty con của VNR.

Do đó, 20 công ty nói trên (bao gồm 15 công ty bảo trì đường sắt và 5 công ty thông tin tín hiệu) vẫn được xác định là công ty con của VNR, là những công ty nằm trong phạm vi áp dụng của Văn bản số 713/TTg-KTN. Và hiện tại VNR không có công ty TNHH MTV nào, không đầu tư và nắm giữ 100% vốn điều lệ của bất kỳ công ty con nào.

“Còn nếu tính theo Luật Đấu thầu 2013, như vậy, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đường sắt sẽ không được đấu thầu chính lĩnh vực mà họ am hiểu nhất, mạnh nhất (bởi lẽ ngay cả khi các doanh nghiệp khác trúng thầu lại phải thuê lại các đơn vị này). Điều đó tạo ra sự “không bình đẳng” với các doanh nghiệp đường sắt đã thực hiện cổ phần hóa”, ông Cảnh nói

Tuy nhiên, ông Cảnh chia sẻ, để tháo gỡ những vướng mắc trên, VNR sẽ đẩy nhanh việc thoái hết vốn, đảm bảo các công ty này có đủ tư cách hợp lệ để tham gia đấu thầu các gói thầu của VNR. Mục tiêu và mong muốn của VNR là có thật nhiều nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thầu sửa chữa, bảo dưỡng đường sắt để VNR có nhiều sự lựa chọn và lựa chọn được các nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm, có giá dự thầu hợp lý để đảm bảo mục tiêu, hiệu quả của các gói thầu.

http://vneconomy.vn/thoi-su/dau-thau-duong-sat-co-hay-khong-chuyen-uu-ai-ga-nha-2017082909038760.htm

Các tin tức khác

>   Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam (29/08/2017)

>   Việt Nam trở thành nước đầu tiên bán thanh long vào Úc (29/08/2017)

>   Mù mờ thông tin dễ mất thị trường (29/08/2017)

>   Thị trường ô tô cũ đã khó lại thêm khó (28/08/2017)

>   Hà Nội sẽ kiểm soát được xuất xứ trái cây (28/08/2017)

>   Khởi tố nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin (28/08/2017)

>   PVN muốn bán nhà máy lỗ nghìn tỉ, không được sẽ cho phá sản (28/08/2017)

>   Dự án sân golf Tân Sơn Nhất: Bán cơm đĩa sao giàu được (28/08/2017)

>   'Sẵn sàng bàn giao sân golf Tân Sơn Nhất, nhưng phải bồi thường' (28/08/2017)

>   Du lịch hao tổn do hàng không hủy chuyến (28/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật