Thứ Hai, 28/08/2017 21:54

Thị trường ô tô cũ đã khó lại thêm khó

Đang bị ảnh hưởng nặng do giá ô tô mới liên tục giảm, thị trường ô tô đã qua sử dụng (xe cũ) sắp tới có thể sẽ còn khó khăn hơn khi mới đây các bộ đề xuất tăng thuế nhập khẩu loại xe này cũng như áp dụng quy định nhập khẩu loại xe này không khác nào xe mới.

Đề xuất tăng thuế nhập khẩu rất cao

Bộ Tài chính đã công bố dự thảo tăng thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng, trong đó có những đề xuất tăng thuế lên rất cao so với mức áp hiện hành. Động thái được cho là nhằm hạn chế xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu để kiểm soát chất lượng, mức độ ảnh hưởng môi trường và cao hơn là bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Bộ Tài chính cho rằng mức thuế hiện nay đang áp thấp hơn mức cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nên cần nâng lên tương đương.

Cụ thể, đối với xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xi-lanh dưới 1.000cc, mức thuế nhập khẩu hiện nay là 5.000 đô la Mỹ/chiếc. Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ô tô loại xe này lên thành 10.000 đô la Mỹ/chiếc, tức tăng đến 5.000 đô la Mỹ/chiếc, khoảng 115 triệu đồng/xe.

Xe từ 1.000cc đến dưới 1.500cc, mức thuế nhập khẩu hiện hành là 10.000 đô la Mỹ/chiếc. Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế suất loại xe này bằng mức cam kết WTO là 200% hoặc 150% + 10.000 đô la Mỹ, và lấy theo mức thấp nhất.

Xe ô tô có dung tích xi lanh từ 1.500cc đến dưới 2.500cc, mức thuế nhập khẩu hiện hành: X + 5.000 đô la Mỹ. Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế nhập khẩu ô tô bằng mức cam kết là 200% hoặc 150% + 10.000 đô la Mỹ, lấy theo mức thấp nhất.

Xe ô tô có dung tích xi lanh từ 2.500cc trở lên, có thuế nhập khẩu hiện hành: X + 15.000 đô la Mỹ. Bộ Tài chính đề xuất: tăng thuế nhập khẩu ô tô bằng mức cam kết là 200% hoặc 150% + 10.000 đô la Mỹ, lấy theo mức thấp nhất.

Trong đó, X là khoản thuế tính theo mức thuế suất của xe mới cùng chủng loại. Như vậy, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng công thức 150% + 10.000 đô la Mỹ. Ở đây, 150% được hiểu là 150% của mức thuế suất xe mới cùng loại, chứ không phải 150% của giá tính thuế xe cũ.

Với cách đề xuất đánh thuế mới, giới kinh doanh xe ô tô đã qua sử dụng cho rằng giá xe đã qua sử dụng nhập khẩu sẽ bị đẩy lên nhiều so với hiện tại và do vậy rất khó thu hút được người mua và khả năng giá bán một số loại xe đã qua sử dụng còn cao hơn cả xe mới. Đơn cử như ở phân khúc dưới 1.000 cc, một chiếc Kia Morning cũ đời 2016 nhập khẩu có giá tính thuế là 5.000 đô la Mỹ, theo cách cũ giá sau thuế là 10.000 đô la Mỹ, nhưng theo cách mới giá sau thuế sẽ là 15.000 đô la Mỹ. Nếu cộng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt 40%, thuế VAT 10%, mức giá sẽ bị đẩy lên là hơn 23.000 đô la Mỹ/xe. Giá này chưa tính các chi phí khác như vận chuyển, bán đến tay người tiêu dùng.

Nếu là xe cao cấp, có dung tích xi-lanh lớn hơn, thì chắc chắn giá xe sẽ bị đẩy lên khá cao so với xe mới.

Đối với xe từ 10 chỗ đến 15 chỗ, mức thuế nhập khẩu ô tô hiện hành 9.500 đô la Mỹ quy định cho xe có dung tích xi lanh từ 2.000cc trở xuống; mức 13.000 đô la Mỹ quy định cho xe có dung tích xi lanh trên 2.000cc đến 3.000cc; mức 17.000 đô la Mỹ quy định cho xe có dung tích xi lanh trên 3.000cc.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi lại bằng đúng mức cam kết WTO. Cụ thể, mức X + 10.000 đô la Mỹ quy định cho xe có dung tích xi lanh dưới 2.500cc; mức X + 15.000 đô la Mỹ quy định cho xe có dung tích xi lanh từ 2.500cc trở lên. X là mức thuế suất của xe mới cùng chủng loại hàng năm.

"Cửa" nhập ô tô cũ về cũng khó

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi lên Chính phủ đưa ra những điều kiện ràng buộc các doanh nghiệp nhập xe ô tô cũ vào Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Bộ Công Thương đã đưa ra hai phương án lựa chọn. Thứ nhất, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũ cũng sẽ phải có giấy xác nhận của nhà sản xuất ở nước ngoài về việc chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu và thay mặt nhà sản xuất triệu hồi khi xảy ra lỗi.

Phương án 2, các điều kiện về giấy ủy quyền nhập khẩu và triệu hồi khi có lỗi chỉ áp dụng với xe mới, còn xe cũ được loại trừ.

Bộ Công Thương đã đề xuất chọn phương án 1 vì cho rằng ô tô cũ nhập khẩu phải được quản lý chặt chẽ như đối với ô tô mới nhập khẩu nhằm hạn chế khả năng gây ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng và môi trường.

Theo các chuyên gia trong ngành, nếu đề xuất này thành hiện thực gần như ô tô cũ không còn đường về Việt Nam. Bởi, vào năm 2011, khi Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20 quy định xe mới nhập về Việt Nam phải do các công ty hoặc đại lý chính hãng thực hiện, thì hàng loạt nhà nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ cũng phải rời thị trường. Nếu đề xuất này được thông qua, xem như các doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ lẻ chỉ còn cách kinh doanh ô tô cũ ở thị trường trong nước.

Phải bán nhanh xe đã thâu vào

Việc rượt đuổi, dòm ngó nhau giảm giá bán của các hãng ô tô, đại lý trong những tháng gần đây khiến cho các nhà kinh doanh ô tô đã qua sử dụng vốn đã rất khó khăn giờ lại càng thêm khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng. Trao đổi với TBKTSG Online, hầu hết các chủ cửa hàng kinh doanh ô tô đã qua sử dụng tại TPHCM đều thốt lên rằng quá ế ẩm, thua lỗ, nguy cơ phá sản, đóng cửa nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài.

Trên thực tế từ đầu năm đến nay, thị trường ô tô mới trong nước đã chứng kiến ít nhất bốn đợt giảm giá lớn và khuyến mãi của các hãng ô tô, khiến giới kinh doanh xe cũ trở tay không kịp. Cá biệt một số mẫu xe các hãng giảm lên đến 200 triệu đồng, điều mà thị trường ô tô trong nước trước đây chưa hề có. Đó là chưa kể những đợt giảm giá quy mô nhỏ thường xuyên 5-20 triệu đồng/xe của các đại lý hoặc nhân viên bán hàng vì chạy doanh số đã khiến người tiêu dùng nghĩ rằng giá ô tô sẽ tiếp tục giảm nữa nên có tâm lý tiếp tục nghe ngóng thị trường mà chưa quyết định mua xe.

Ông Đức Toàn, chủ cửa hàng ô tô đã qua sử dụng trên đường Phạm Hùng, TPHCM, cho biết nếu như trước đây ô tô cũ được thâu vào để 3-4 tháng bán ra vẫn có lời thì hiện nay đã khác. “Bây giờ thâu xe vào phải tính toán thật kỹ và phải có chiến thuật kinh doanh, còn không thì khó mà trụ được”, ông Toàn nói, và cho biết: “Để tồn tại được, cửa hàng tôi phải “lướt sóng” thật nhanh để khi xe thâu vào phải bán được trong vòng 1-2 tuần, nếu lâu hơn thì chắc chắn bị lỗ”.

Dù biết vậy, nhưng do các hãng xe thay đổi và giảm giá bán xe mới quá nhanh, nên cửa hàng ông Toàn cũng phải chấp nhận bán lỗ một vài mẫu xe trong thời gian qua, vì không xoay xở kịp.

Ông Toàn nhẩm tính, từ đầu năm đến nay, cộng dồn các đợt giảm giá của các hãng xe và đại lý thì tổng mức giá bán ra của xe ô tô mới giảm cao nhất là khoảng 15%, nhưng những mẫu xe ô tô đã qua sử dụng của cùng thời gian trên lại giảm lên đến khoảng 30%. Do đó, nếu không đẩy nhanh những xe đã thâu vào thì chắc chắn bị lỗ nặng.

So với cùng kỳ năm ngoái, từ đầu năm đến nay lượng ô tô ở cửa hàng ông Toàn bán ra giảm đến 30%. Ông Toàn cho biết, năm ngoái, mỗi tháng cửa hàng ông bán ra được khoảng 15 xe thì hiện nay chỉ còn khoảng 9-10 xe. Tuy nhiên, kết quả này theo ông Toàn là tương đối còn khá tốt, bởi theo tìm hiểu của ông ở những cửa hàng kinh doanh ô tô khác thì bị sụt giảm đến 60-70%. Đáng chú ý là ở những tháng gần đây, tình hình kinh doanh cho thấy bị sụt giảm mạnh hơn, nhiều cửa hàng thậm chí không có giao dịch mà nguyên nhân theo ông Toàn là do các hãng lắp ráp ô tô trong nước liên tục điều chỉnh giá bán xe mới với mức giảm khá cao.

Tuy nhiên, điều nghịch lý của thị trường hiện nay là giá xe càng giảm thì thị trường càng vắng khách, theo các hãng kinh doanh, với việc giảm giá liên tục của các hãng xe trong thời gian qua và thông tin trên các phương tiện truyền thông chưa chính xác, dẫn đến việc người tiêu dùng có tâm lý nghĩ rằng giá xe sẽ còn giảm nữa nên chưa mua.

Xe thâu vào rồi bán ra chậm dẫn đến bán lỗ hoặc không bán được, trong khi tiền thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên, lãi vay ngân hàng,… lại chồng chất lên chi phí kinh doanh, dẫn đến một số cửa hàng phải đóng cửa, phá sản hoặc chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực khác.

... đọc tiếp tại đây

Các tin tức khác

>   Hà Nội sẽ kiểm soát được xuất xứ trái cây (28/08/2017)

>   Khởi tố nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin (28/08/2017)

>   PVN muốn bán nhà máy lỗ nghìn tỉ, không được sẽ cho phá sản (28/08/2017)

>   Dự án sân golf Tân Sơn Nhất: Bán cơm đĩa sao giàu được (28/08/2017)

>   'Sẵn sàng bàn giao sân golf Tân Sơn Nhất, nhưng phải bồi thường' (28/08/2017)

>   Du lịch hao tổn do hàng không hủy chuyến (28/08/2017)

>   TPHCM: Thúc đẩy nhanh dự án tại các khu công nghiệp (28/08/2017)

>   Mất ‘mỏ vàng’ du lịch trực tuyến (28/08/2017)

>   Cá tra vào Trung Quốc: Mừng một lo mười! (28/08/2017)

>   3 đặc khu sẽ có môi trường kinh doanh ‘đặc biệt thuận lợi’ (28/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật