Cơ hội để chọn nhà đầu tư BOT có năng lực
Việc siết lại hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), cộng với việc nhiều nhà đầu tư rút khỏi các dự án BOT là cơ hội để cơ quan chức năng thanh lọc các nhà đầu tư làm ăn “chụp giật” và chọn được các nhà đầu tư có năng lực thật sự.
Nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc chơi
Trước đây, trong các báo cáo tổng kết sáu tháng đầu năm, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thường đề cập đến số dự án BOT khởi công trong năm. Thế nhưng, báo cáo tổng kết sáu tháng đầu năm nay không nhắc đến việc này. Bởi lẽ, từ đầu năm đến nay, không có dự án BOT nào do Bộ GTVT làm chủ đầu tư được khởi công.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng cộng các nguồn vốn dự kiến giải ngân trong năm 2017 là 63.575 tỉ đồng, trong đó chỉ có 20.000 tỉ đồng vốn ngoài ngân sách nhà nước. Số vốn ngoài ngân sách này là của những dự án đang thi công dở dang từ những năm trước. Còn việc huy động để làm các dự án mới là hầu như không có.
Nhiều nhà đầu tư đang làm dở dang các dự án BOT còn có động thái tháo chạy khỏi dự án. Đầu tiên là dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Dự án này được đầu tư theo hình thức BOT do liên danh sáu nhà đầu tư góp vốn. Khi dự án đang thi công được một phần, hai nhà đầu tư xin rút khỏi dự án do không bố trí được vốn. Đến tháng 3-2017, bốn nhà đầu tư còn lại cũng đã thống nhất rút khỏi dự án cùng với lý do không thu xếp được nguồn vốn.
Một nhà đầu tư trước đây tham gia khá nhiều dự án BOT là Công ty cổ phần Tasco vừa lên tiếng có thể sẽ tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác tốt hơn thay vì đầu tư vào lĩnh vực BOT. Lý do Tasco đưa ra là tỷ suất sinh lời của các dự án BOT khoảng 11,5% là không cao, trong khi nguồn vốn chủ sở hữu bị “chôn” ở dự án quá lâu. Các nhà đầu tư tại dự án cầu Hạc Trì - Phú Thọ, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng đang muốn rút ra khỏi dự án.
Nếu như trước đây các nhà đầu tư xếp hàng xin đầu tư dự án BOT thì nay xu hướng này đang đảo ngược, khi các nhà đầu tư lại muốn xếp hàng để rời khỏi dự án.
Cơ hội để thanh lọc các nhà đầu tư chụp giật
Không khó để lý giải động thái bỏ cuộc chơi của các nhà đầu tư BOT. Đầu tiên là việc đầu tư các dự án BOT đã bộc lộ nhiều bất cập từ nhiều phía, đặc biệt là sau khi có kết quả kiểm toán 27 dự án BOT phải giảm đến gần 100 năm thu phí. Trong mắt các nhà đầu tư, khi dự án bị siết lại như vậy, lợi nhuận sẽ bị giảm, họ không còn mặn mà với việc đầu tư nữa.
Hơn nữa, thời gian qua, người dân và doanh nghiệp phản ứng rất mạnh việc đặt các trạm thu phí (vị trí đặt). Trong đó, có nhiều cuộc tụ tập, đưa xe đến trạm để phản đối dẫn đến ùn tắc giao thông. Việc đặt các trạm thu phí quá dày cũng khiến các dự án làm sau khó tìm được nơi để đặt trạm.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất đối với các dự án BOT là vốn. Trước đây các nhà đầu tư làm các dự án BOT bằng cách “lấy mỡ nó rán nó” - có nghĩa là chỉ bỏ ra một ít vốn, sau đó đi vay ngân hàng, mọi chi phí về lãi vay và các chi phí khác đều được tính vào tổng mức đầu tư và được hoàn vốn qua thu phí. Đến nay, các ngân hàng đã siết lại việc cho vay đối với các dự án BOT nên nhà đầu tư không thể tìm được nguồn vốn khác. Đây cũng là lý do nhiều nhà đầu tư đang đầu tư dở dang đành “bấm bụng” rút khỏi dự án.
Một nhà đầu tư BOT (đề nghị không nêu tên) nhận định, giai đoạn tới, thu hút đầu tư BOT giao thông sẽ rất khó khăn. Khi tham gia các dự án, ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro về tín dụng, thanh khoản và rủi ro hoạt động. Trong quá trình thực hiện dự án, nếu thấy không an tâm với việc cung ứng vốn, thấy khoản cho vay có khả năng dẫn đến nợ xấu, ngân hàng sẽ rút lại, không cho vay.
Hơn nữa, việc Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tuyên bố sẽ chỉ làm các dự án BOT trên tuyến đường mới để người dân có sự lựa chọn giữa đường thu phí và không thu phí cũng khiến các nhà đầu tư chùn bước. Hồi tháng 6-2017, trả lời cử tri ở Sơn La, ông Nghĩa cho biết sẽ không làm tuyến đường tránh qua thành phố Sơn La theo hình thức BOT vì một số người dân sẽ phải trả phí trong khi không sử dụng con đường. Ông đề nghị tỉnh Sơn La cùng với Bộ GTVT nghiên cứu phương án dùng vốn ngân sách và một phần thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng việc siết lại hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giao thông theo hình thức BOT là cần thiết. Khi kẽ hở trong việc này được bịt lại, đòi hỏi nhà đầu tư phải có vốn, có thực lực. Đồng thời, cơ quan chức năng có cơ hội sàng lọc được những nhà đầu tư có năng lực thực sự. Điều này đã lý giải vì sao từ đầu năm 2017 đến nay Bộ GTVT chưa triển khai dự án BOT giao thông nào
Theo ông Liên, đối với các dự án đường cao tốc, không nhất thiết phải làm theo “phong trào”, mà cần có sự tính toán kỹ về hiệu quả đầu tư trong bối cảnh nợ công tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô, cho rằng cần minh bạch các dự án đầu tư BOT giao thông. Càng minh bạch sẽ càng loại bỏ được những doanh nghiệp đầu tư “chụp giật”, loại bỏ được doanh nghiệp lợi dụng lỗ hổng của chính sách để làm lợi cho mình.
http://www.thesaigontimes.vn/163215/Co-hoi-de-chon-nha-dau-tu-BOT-co-nang-luc.html
|