Không quản lý dịch vụ đòi nợ bằng điều kiện vốn
Dự kiến, trong thời gian tới, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không còn phải đáp ứng các điều kiện về vốn pháp định, người quản lý cũng không cần phải có bằng cấp chuyên môn ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh... như hiện hành. Điều này sẽ trở thành hiện thực khi Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ được bãi bỏ.
Nhưng lúc này, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện khác về an ninh, trật tự do đây là 1 trong 28 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Nghị định 96/2016/NĐ-CP.
Thời điểm bãi bỏ Nghị định 104 kể trên chưa có cụ thể nhưng đang được Bộ Tài chính đề xuất. Bộ này cũng vừa kiến nghị Chính phủ không ban hành nghị định nào thay thế cho Nghị định 104 dù trước đó Bộ Tài chính đã thực hiện một dự thảo nghị định sửa đổi theo phân công.
Trong dự thảo tờ trình về dự thảo Nghị định của Chính phủ bãi bỏ Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ được Bộ Tài chính đăng tải trên website thì nguyên nhân chính khiến bộ đề xuất như trên là do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo dừng việc xây dựng nghị định thay thế.
Theo đó, “Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, báo cáo Chính phủ theo hướng chưa ban hành nghị định thay thế Nghị định số 104/2007/NĐ-CP để đảm bảo thực hiện theo đúng tinh thần của Hiến pháp về quyền con người, quyền tài sản của công dân, các quy định của pháp luật dân sự và các quy định khác có liên quan”.
Cũng theo Bộ Tài chính, việc không có nghị định thay thế dù Nghị định 104 được bãi bỏ sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý dịch vụ kinh doanh dịch vụ đòi nợ, không tạo lỗ hổng để xảy ra việc lạm dụng, xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của công dân; không tác động đến quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan vì nhiều lý do.
Thứ nhất, nguyên tắc của hoạt động dịch vụ đòi nợ là thực hiện theo hợp đồng ủy quyền được ký kết giữa chủ nợ hoặc khách nợ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Hợp đồng ủy quyền đã được quy định tại mục 13 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ hai, điều kiện về vốn được quy định tại Nghị định 104 (doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có vốn tối thiểu là 2 tỉ đồng) lại trái với Luật Doanh nghiệp năm 2014 (không còn có quy định về vốn pháp định, trừ một số ngành đặc biệt như ngân hàng, chứng khoán...).
Tương tự, quy định về tiêu chuẩn đối với người quản lý và người lao động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ như phải có năng lực chuyên môn (có trình độ học vấn từ đại học, trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh) tại Nghị định 104 là không còn cần thiết.
Bởi lẽ, năng lực chuyên môn của người quản lý và người lao động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của chính doanh nghiệp đó chứ không liên quan gì đến doanh nghiệp khác cũng như nền kinh tế.
Quan trọng hơn, các điều kiện về lý lịch tư pháp của người quản lý và người lao động; điều kiện về an ninh trật tự... của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng đã dược quy định cụ thể tại một nghị định khác là Nghị định 96/2016 và phạm vi quản lý trực tiếp thuộc Bộ Công an.
Quan điểm này của Bộ Tài chính cũng được hầu hết hết các bộ, ngành (Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: công văn số 4543/NHNN-PC ngày 12-6-2017) đồng tình.
Trước đó, như TBKTSG Online đã thông tin, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo nghị định nhằm thay thế cho Nghị định 104 và đưa ra nhiều bản dự thảo để người dân đóng góp ý kiến. Ở bản dự thảo gần nhất, Bộ Tài chính đề xuất bỏ một số quy định về điều kiện kinh doanh như điều kiện về vốn, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý, người lao động để phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ khi và chỉ khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ; hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và doanh nghiệp đã thông báo công khai về ngành, nghề kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giao trách nhiệm quản lý cho Bộ Công an.
http://www.thesaigontimes.vn/163361/Khong-quan-ly-dich-vu-doi-no-bang-dieu-kien-von.html
|