Thứ Ba, 25/07/2017 09:11

Vì sao ngân hàng ngại lên sàn?

Minh bạch thông tin, nâng cao năng lực điều hành, gia tăng thanh khoản và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các kênh huy động vốn là những lợi ích không thể phủ nhận khi niêm yết cổ phiếu lên sàn. Nhưng trên phương diện của ngân hàng, “chưa niêm yết chưa hẳn đã bất lợi” và có khá nhiều lý do được đưa ra để trì hoãn việc này.

Ngày 13/11/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 180/2015/TT-BTC thay thế Thông tư 01/2015/TT-BTC ngày 05/01/2015 hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM). Theo đó, tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 01/01/2016 mà không niêm yết trên HOSE, HNX thì sẽ phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 1 năm kể từ ngày 01/01/2016.

Cũng vì vậy mà thời gian qua thị trường chứng khoán chứng kiến những làn sóng đầu tiên đổ bộ lên UPCoM. Trong lĩnh vực ngân hàng, khởi đầu là VIB với hơn 564.4 triệu cổ phiếu được đưa vào giao dịch hồi đầu năm 2017 với giá tham chiếu 17,000 đồng/cp. Tới nay giá cổ phiếu VIB trên sàn UPCoM đang giao dịch quanh mức 22,500 đồng/cp, tăng trưởng hơn 32%.

Kế đến, cuối quý 2/2017, KienLongBank đưa 300 triệu cp lên UPCoM với mã chứng khoán KLB, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10,000 đồng/cp. Hiện cổ phiếu KLB đang giao dịch ở mức 10,400 đồng/cp.

Các khâu chuẩn bị lên sàn của LienVietPostBank cũng đã hoàn tất. Ngân hàng này thông báo ngày 17/07 là ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện các thủ tục đăng ký toàn bộ 6.46 triệu cp tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của ABBank, Ban lãnh đạo cũng chia sẻ rằng sẽ hoàn tất đăng ký chứng khoán tập trung tại VSD và giao dịch trên hệ thống UPCoM trong năm 2017.

Trong khi đó, VPBankTechcombank đều được thông qua kế hoạch niêm yết trên HOSE. Với VPBank, ngân hàng này vừa thông báo ngày 28/07/2017 là ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký, lưu ký tập trung chứng khoán tại VSD và niêm yết cổ phiếu trên HOSE. VPBank hiện có vốn điều lệ trên 14,059 tỷ đồng và thực hiện niêm yết khoảng 1.33 tỷ cổ phiếu. Trước đó, Ban lãnh đạo VPBank cho biết thời gian nhanh nhất dự kiến lên sàn là trong quý 3/2017.

Còn Techcombank, ngân hàng này đang trình cơ quan quản lý Nhà nước, sau khi được chấp thuận sẽ niêm yết. Tuy nhiên, HĐQT Techcombank sẽ quyết định niêm yết trên sàn nào có lợi hơn cho cổ đông.

“Chưa niêm yết chưa hẳn đã bất lợi”

Có thể thấy, ngoài câu chuyện cổ tức thì niêm yết cổ phiếu luôn là vấn đề “nóng” thường được cổ đông, nhất là nhóm cổ đông nhỏ lẻ, nhắc đến tại các kỳ ĐHĐCĐ thường niên ngân hàng. Nhiều năm gần đây, cổ đông các ngân hàng như HDBank, OCB, PVcomBank,…liên tục nhắc lại kế hoạch niêm yết đã bị “bỏ quên” khiến họ khó chuyển nhượng cổ phiếu, giá trị cổ phiếu giảm mạnh và đề nghị Ban lãnh đạo sớm thực hiện việc niêm yết trên sàn.

Những làn sóng đầu tiên đổ bộ lên sàn được đề cập bên trên đã thỏa mãn phần nào kỳ vọng của nhà đầu tư, nhưng vẫn còn không ít ngân hàng trì hoãn niêm yết và “trấn an” cổ đông với nhiều lý do như thị trường chưa thuận lợi, nội lực chưa đủ tốt,…

Sự trì hoãn này lại làm cho nhiều người đặt câu hỏi về "sức khỏe" nội tại của chính các ngân hàng. Thực tế, có ngân hàng ngại lên sàn do vướng mắc về nợ xấu, nhiều thông tin chưa thực sự minh bạch, tuy nhiên có ngân hàng tình hình tăng trưởng cũng như vấn đề minh bạch rất tốt nhưng vẫn chần chừ.

Còn nhớ tại ĐHĐCĐ 2017 của HDBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch HĐQT thường trực có chia sẻ với các cổ đông về vấn đề niêm yết. Bà cho rằng, thông tin giữa ngân hàng và các nhà đầu tư chưa hẳn minh bạch, thị trường chứng khoán bấp bênh; chưa niêm yết chưa hẳn đã bất lợi bởi vì giá trị thực của HDBank sẽ phải do thị trường đánh giá ở giai đoạn Ngân hàng đã khẳng định được vị thế, chiến lược phát triển và các triển vọng trong tương lai. Nếu HDBank niêm yết lên rồi giao dịch dưới mệnh giá như một số ngân hàng đang niêm yết thì điều này không có ý nghĩa.

Ngoài ra, HDBank vừa trải qua thời gian tái cơ cấu sau sáp nhập DaiABank và mua lại 100% vốn SGVF nên đã dời lại việc niêm yết nhiều năm nay. Ban lãnh đạo cho biết, nếu thị trường không tốt, bản thân HDBank chưa chuẩn bị tốt thì việc niêm yết sẽ mang lại nhiều bất lợi.

Cũng lo lắng về giá cổ phiếu, trước các cổ đông, Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn nhận định thời gian qua OCB không lên UPCoM bởi giá cổ phiếu “như mớ rau” thì không có ý nghĩa. Ông Tuấn cho rằng niêm yết cần thời gian phù hợp nhưng cũng “hứa” sẽ không để cổ đông đợi quá lâu.

Ở một phương diện hoàn toàn khác, mặc dù Ban lãnh đạo MaritimeBank đã trình cổ đông biểu quyết việc đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung. Tuy nhiên kết quả chỉ có hơn 3% số cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội đồng ý đưa cổ phiếu lên sàn.

Liên quan đến ý kiến về việc thị giá cổ phiếu khá thấp trên thị trường, Ban lãnh đạo MaritimeBank chia sẻ, thị giá cổ phiếu Ngân hàng chịu sự tác động của tình hình kinh tế và trong năm vừa qua đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Cổ phiếu của MSB hiện tại sau khi lên sàn thì mới xác định được giá trị chính thức.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc các ngân hàng không muốn giá cổ phiếu của mình dưới mệnh giá khi niêm yết nên phải chọn thời điểm giá cao để lên sàn cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, việc này gây trở ngại cho con đường lên sàn vì theo quy định hiện hành, sau khi cổ phần hóa trong vòng 12 tháng, các ngân hàng đại chúng bắt buộc phải lên sàn nhằm minh bạch thông tin. Đến nay, mục tiêu từ 01/01/2017, tất cả các ngân hàng phải lên sàn chứng khoán tập trung đã lỗi hẹn.

Nhiều ngân hàng khác có kế hoạch niêm yết và được ĐHĐCĐ chấp thuận cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn đang bỏ ngỏ.  Điển hình như DongABank, ngân hàng này đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE từ năm 2008. Tuy nhiên, khủng hoảng xảy ra, chứng khoán sụt giảm và những biến cố lớn về các vi phạm của dàn lãnh đạo khiến DongABank phải hoãn kế hoạch niêm yết vô thời hạn.

PVcomBank sau 3 năm rời sàn vì hợp nhất vẫn còn phụ thuộc đề án tái cơ cấu mà Chính phủ đang xem xét phê duyệt nên Ban lãnh đạo Ngân hàng cũng cho rằng đây chưa phải là lúc thích hợp để niêm yết cổ phiếu.

Còn SCB, nội dung niêm yết không được đề cập đến tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 vừa qua. Trước đó, bên lề ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, Tổng Giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn cho biết sau năm 2019 SCB mới lên niêm yết sau khi đã hoàn tất quá trình tái cấu trúc (được biết vào cuối năm 2011, NHNN đã chính thức chấp thuận hợp nhất tự nguyện 3 ngân hàng gồm SCB, FicomBank và TinNghiaBank; tên gọi sau hợp nhất là Ngân hàng TMCP Sài Gòn).

Hiện đang có 9 ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết cổ phiếu gồm VCB, BID, CTG, STB, EIB, MBB, ACB, SHBNVB.

2 ngân hàng có cổ phiếu đang giao dịch trên UPCoM gồm VIB và KLB.

Tổng hợp một số chỉ tiêu tài chính của các ngân hàng
(*) Với các ngân hàng mới lên sàn trong năm 2017 như KLB và VIB, các chỉ tiêu tài chính được tính từ thời điểm bắt đầu giao dịch
Các tin tức khác

>   Maritime Bank liên tiếp nhận giải thưởng Ngân hàng ngoại hối tốt nhất Việt Nam (24/07/2017)

>   Tỷ giá trung tâm giảm, nhiều nhà băng hạ giá USD (24/07/2017)

>   Chính sách tiền tệ vạ lây? (23/07/2017)

>   Sacombank: Chủ tịch Dương Công Minh đặt mục tiêu xử lý 20,000 tỷ đồng nợ xấu đến cuối 2017 (23/07/2017)

>   Ngân hàng hạ lãi suất, doanh nghiệp “khấp khởi” mừng (22/07/2017)

>   MBB: Lãi ròng hợp nhất nửa đầu năm chạm ngưỡng 2,000 tỷ đồng, nợ xấu giảm xuống 1.28% (22/07/2017)

>   Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị thực hiện Nghị quyết xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (22/07/2017)

>   Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu (22/07/2017)

>   Nới lỏng tiền tệ ư? Còn phải chờ xem (22/07/2017)

>   Toàn ngành ngân hàng chuẩn bị đẩy nhanh xử lý nợ xấu (21/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật