Thứ Năm, 27/07/2017 14:11

Venezuela: Hành trình từ đất nước giàu có cho đến gần bờ vực sụp đổ

Từng là quốc gia giàu "nứt vách", nay Venezuela đang dần cạn kiệt tiền và thực phẩm. Các bệnh viện thì chật ních những đứa trẻ bệnh tật, còn bác sĩ thì không có đủ thuốc men hoặc máy chụp X-quang. Điện thì không được đảm bảo, CNNMoney cho hay.

Chỉ có duy nhất một thứ đang tràn ngập ở Venezuela là sự hỗn loạn.

Nền kinh tế đang hướng tới bờ vực sụp đổ, và một cuộc khủng hoảng về con người đã dẫn tới nạn đói và bệnh tật.

Ngoài ra, quốc gia nay cũng đang trong vòng xoáy khủng hoảng chính trị. Tổng thống Nicolas Maduro đã kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý trong ngày Chủ Nhật mà theo giới phân tích điều này có thể bào mòn các tàn tích cuối cùng của chế độ dân chủ.

Cuộc trưng cầu dân ý cho phép ông viết lại hiến pháp và thay thế Quốc hội Venezuela – vốn đang bị kiểm soát bởi Đảng đối lập – bằng một cơ quan lập pháp được lấp đầy bởi các ứng cử viên được ông chọn lựa cẩn thận.

Venezuela đã từng là quốc gia giàu có nhất ở khu vực Mỹ Latin. Sau đây CNNMoney đã đưa ra những lý do tại sao nền kinh tế này lại tụt dốc đến vậy:

Nền kinh tế Venezuela: “Đang ở điểm không thể quay đầu”

Venezuela sở hữu nguồn cung dầu thô lớn nhất trên thế giới – từng được xem là quốc gia đang ngồi trên đống tiền. Vậy mà giờ Chính phủ Venezuela lại trong tình trạng cạn sạch tiền mặt, giá thì leo thang, và không ai biết được tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ tới mức nào.

Venezuela từng là một quốc gia tràn trề sinh khí của Nam Mỹ trong thập niên 1990. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đặt chân Venezuela trong chuyến đi tới khu vực Mỹ Latin trong năm 1997.

Thế nhưng, tình trạng bất bình đẳng ở quốc gia này đã tăng đến mức cùng cực. Chỉ có một tầng lớp ưu tú nhỏ kiểm soát mọi thứ, trong khi phần lớn người dân ngày càng đói khổ.

Quốc gia này đã chuyển sang chế độ Chủ nghĩa Xã hội trong năm 1999 và bầu cho Hugo Chavez làm Tổng thống Venezuela. Ông ủng hộ chủ nghĩa dân túy, cắt đứt quan hệ với Mỹ và kết thân với Trung Quốc và Nga – 2 quốc gia cho Venezuela vay hàng tỷ USD. Ông Chavez đã cai trị Venezuela cho đến khi ông mất trong năm 2013, và ngày nay vẫn được xem là anh hùng của những người nghèo.

Tuy nhiên, Chính phủ của ông Chavez lại chi tiêu quá nhiều cho các chương trình phúc lợi, và cố định giá mọi mặt hàng. Chính phủ đã tuyên bố đất nông nghiệp là bất động sản của Nhà nước rồi sau đó lại từ bỏ chúng. Và thay vào đó, họ đã từng bước biến đất nước này trở nên lệ thuộc vào thu nhập bán dầu ra nước ngoài.

Trước khi ông mất, Chavez đã chọn ông Maduro để thừa kế ngôi vị. Sau đó, ông Maduro lại tiếp tục cơ chế đó. Chính quyền ông Maduro cũng ngưng công bố bất kỳ số liệu thống kê đáng tin cậy nào, bao gồm tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Họ chấp nhận hàng triệu USD hối lộ cho các dự án xây dựng và gia tăng nợ.

Trong khi đó, hàng hóa duy nhất của Venezuela – dầu thô – lại bắt đầu tụt dốc về giá trị.

Trong năm 2014, giá dầu ở mức 100 USD/thùng. Sau đó, nhiều quốc gia bắt đầu bơm quá nhiều dầu với công nghệ khoan mới. Đồng thời, các doanh nghiệp trên toàn cầu lại không mua xăng nhiều hơn. Tình trạng quá nhiều dầu đã làm giá nhiên liệu này sụt xuống 26 USD/thùng trong năm 2016.

Hiện giá dầu đã trở lại quanh mức 50 USD/thùng, tức thu nhập của Venezuela đã giảm đi một nửa so với năm 2014.

Khi giá dầu ở mức thấp và lượng tiền mặt của Chính phủ cạn kiệt, việc kiểm soát giá trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Chính phủ vẫn hỗ trợ thực phẩm dưới mức giá bình thường để xoa dịu tâm lý của người nghèo. Trong khi đó, Maduro in tiền với tốc độ chóng mặt, và điều này khiến đồng Bolivar mất giá trầm trọng.

Cùng lúc đó, chính sự phản đối của ông Maduro đối với doanh nghiệp nước ngoài đã tạo ra một cuộc di cư của các tập đoàn lớn. Cụ thể, Pepsi, General Motors và United là một trong đó các công ty đã cắt giảm quy mô hoặc từ bỏ hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh ở Venezuela. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ thất nghiệp ở Venezuela trong năm nay có thể chạm mức 25%.

Lạm phát ngày càng tồi tệ hơn. Trong năm 2010, 1 đồng USD có thể đổi được 8 đồng Bolivar. Ngày nay, 1 đồng USD đáng giá tới 8,000 đồng Bolivar, theo tỷ giá không chính thức – mức tỷ giá được nhiều người Venezuela sử dụng vì tỷ giá của Chính phủ được xem là định giá quá cao. Giá có thể tăng vọt 2,000% trong năm tới.

“Nền kinh tế Venezuela thực sự rất hỗn độn. Nó hoàn toàn sụp đổ. Nền kinh tế đang ở điểm không thể quay đầu được nữa”, Alberto Ramos, Chuyên gia kinh tế đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực Mỹ Latin tại Goldman Sachs, cho hay.

Cùng với sự tụt dốc về kinh tế, nỗi đau của con người cũng ngày càng dâng cao.

Tình trạng tồi tệ của người dân Venezuela

Trong nhiều năm qua, ông Maduro đã phải lựa chọn giữa trả dần nợ cho Trung Quốc, Nga và nhà đầu tư nước ngoài hoặc mua thực phẩm và thuốc men từ bên ngoài.

Ông đã chọn thanh toán cho các chủ nợ. Kết quả là người dân Venezuela lâm vào tình trạng chết đói và số lượng người chết ở bệnh viện ngày càng tăng. Tình trạng thiếu thực phẩm là cực kỳ nghiêm trọng đến nỗi, một người dân Venezuela sống trong cảnh cực kỳ đói khổ mất trung bình tới hơn 8 kg, kết quả của một cuộc thăm dò quốc gia cho thấy.

Eric Farnsworth, Phó Chủ tịch tại Hội đồng châu Mỹ –một tổ chức doanh nghiệp, cho hay: “Có những người ở Venezuela đang chết đói đúng nghĩa. Đây là điều chỉ xảy ra trong sách khải huyền”.

Lượng thực phẩm nhập khẩu của Venezuela chủ yếu đến từ Brazil, Colombia và Mexico vì Chính phủ đã ngưng canh tác đất nông nghiệp cách đây nhiều năm.

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Panjiva cho thấy trong 5 tháng đầu tiên của năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thực phẩm từ những quốc gia trên tới Venezuela đã giảm 61% so với cùng kỳ năm 2015.

Tình trạng thiếu hụt thuốc men còn tồi tệ hơn: 756 người phụ nữ đã mất trong và ngay sau khi sinh trong năm 2016, tăng 76% so với năm 2015, dựa vào số liệu ghi nhận bởi Chính phủ Venezuela.

Gần 11,500 đứa trẻ sơ sinh đã chết trong năm 2016, tức tăng 30% so với năm trước đó. Số ca bệnh sốt rét nhảy vọt lên 240,000 trường hợp, tăng 76% so với năm 2015.

Huniades Urbina-Medinam, bác sĩ tại bệnh viện de Niños J.M. de los Rios, lên tiếng: “Thậm chí, bệnh viện cũng không có thực phẩm cho bệnh nhân. Chúng tôi cũng không có thuốc men, máy chụp X-quang và máy chụp CT – không có gì cả”.

Không chỉ có thực phẩm và thuốc men. Người Venezuela đôi khi còn thiếu điện và nước trong mùa hạn hán.

Các cuộc khủng hoảng trên là nguyên nhân khiến tầng lớp thượng và trung lưu đội mũ ra đi, qua đó tạo ra sự rò rỉ chất xám nghiêm trọng. Gần 2 triệu người Venezuela đã rời khỏi quê hương kể từ năm 1999, theo nghiên cứu của Tomas Paez, Giáo sư xã hội học tại Đại học Trung ương Venezuela ở Caracas. Venezuela giờ chỉ còn là quốc gia của 30 triệu dân./.

Các tin tức khác

>   Đâu là các ngưỡng quan trọng đối với giá dầu thô? (27/07/2017)

>   Chỉ số đồng USD chạm đáy 13 tháng sau tuyên bố của Fed (27/07/2017)

>   Vàng thế giới giảm liền 3 phiên xuống đáy 1 tuần  (27/07/2017)

>   Dầu lên đỉnh 2 tháng khi dự trữ tại Mỹ giảm 4 tuần liền (27/07/2017)

>   Fed giữ nguyên lãi suất (27/07/2017)

>   Trung Quốc đã kích thích kinh tế sai cách? (26/07/2017)

>   Nỗ lực của OPEC liên tục thất bại vì giá dầu… không thể bị kiểm soát (26/07/2017)

>   Nhà đầu tư đang mất lòng tin vào các ngân hàng trung ương? (26/07/2017)

>   Vàng thế giới giảm phiên thứ 2 liên tiếp chờ tin từ Fed (26/07/2017)

>   Dầu vọt hơn 3% lên cao nhất trong 7 tuần (26/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật