Thứ Tư, 26/07/2017 10:15

Nhà đầu tư đang mất lòng tin vào các ngân hàng trung ương?

Nhà đầu tư dường như ngày càng lo ngại rằng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu vẫn còn trong trạng thái “quá nới lỏng”, CNBC đưa tin.

 

Theo khảo sát dành cho các giám đốc quỹ toàn cầu do Bank of America Merrill Lynch tiến hành trong tháng này, số lượng giám đốc quỹ toàn cầu tin rằng các ngân hàng trung ương “quá nới lỏng” trong chính sách tiền tệ của họ đã đạt tới mức cao nhất trong vòng 6 năm qua: 48%.

Cuộc khảo sát trên cho thấy một quan điểm ngày càng lo lắng về các ngân hàng trung ương trên toàn cầu và vai trò của họ trong chính sách tiền tệ và kích thích kinh tế, trong đó nổi bật lên một kết quả rất quan trọng: quá nhiều giám đốc quỹ xem Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là một chất xúc tác rất có thể mang tính tiêu cực cho các thị trường, trong khi sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế và ước tính lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu “đang bị phớt lờ”.

Ngoài ra, những rủi ro đuôi (tail risk) lớn nhất được các giám đốc quỹ chú ý là: một cuộc sụp đổ trên các thị trường trái phiếu và một “sai lầm” đến từ Fed hoặc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo các cuộc khảo sát hàng tháng trước đây, rủi ro đuôi hàng đầu chưa bao giờ là một cuộc sụp đổ trên thị trường trái phiếu kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay.

Những ai lo ngại về chính sách tiền rẻ của các ngân hàng trung ương cũng có lý của họ. Tuy nhiên, những chính sách này là hợp lý nếu xét đến tình hình lạm phát thấp hiện vẫn tiếp tục diễn ra ở các quốc gia phát triển trên khắp thế giới.

“Các ngân hàng trung ương chắc chắn muốn tăng lãi suất. Họ muốn bình thường hóa chính sách sớm hơn thay vì là trễ hơn, nhưng họ đang bị ngăn cản bởi những nguyên tắc kinh tế cơ bản vào lúc này, và tôi nghĩ rằng đó là vấn đề mà chúng ta thấy chính mình trong đó”, Boris Schlossberg, giám đốc điều hành bộ phận chiến lược ngoại hối của BK Asset Management, nói trong chương trình "Trading Nation" của CNBC vào hôm thứ Tư tuần trước.

“Ở Mỹ, tôi nghĩ rằng 12 nhân vật quyền lực nhất của Fed hiện vẫn chưa quyết định về việc sẽ nên có thêm một đợt tăng lãi suất vào tháng 12 tới hay không. Tôi cho rằng Fed rất muốn thực hiện điều đó vì họ rất muốn tiếp tục với chủ đề bình thường hóa của mình, nhưng chuyện đó sẽ phụ thuộc nhiều vào người tiêu dùng Mỹ. Chúng ta thật sự cần một trở lại mạnh mẽ trong nửa sau năm 2007. Cho tới lúc này, mọi chuyện vẫn chưa có gì ngoài sự thất vọng”, Schlossberg nói.

“Doanh số bán lẻ của thứ Sáu vừa qua là một thảm họa và tôi nghĩ rằng nếu chúng ta thấy thêm bất kỳ con số nào như thế thì việc Fed tăng lãi suất thêm nữa trong năm nay là điều khó có thể xảy ra”, ông nói thêm, khi đề cập tới những con số bán lẻ đáng thất vọng được báo cáo trong tuần trước.

Khảo sát của Bank of America Merrill Lynch được tiến hành từ ngày 07/07 đến 13/07, suốt thời gian mà các ngân hàng trung ương và giám đốc quỹ thảo luận công khai về tình trạng chính sách lãi suất trên toàn thế giới.

Tuần trước, Janet Yellen, Chủ tịch Fed, đã có những nhận định “bồ câu” hơn dự báo trước Quốc hội Mỹ, khi tỏ dấu hiệu cho thấy rằng không cần phải tăng lãi suất nhiều để đạt được một tình trạng chính sách tiền tệ “bình thường hóa”.

Thứ Năm vừa qua, ECB đã giữ nguyên lãi suất chủ chốt của họ, và Chủ tịch Mario Draghi thể hiện sự thận trọng trong việc tiến xa hơn vào giai đoạn tháo gỡ chương trình nới lỏng định lượng.

Cũng vào hôm thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã hạ mục tiêu lạm phát của họ xuống lần thứ 6 và giữ nguyên lãi suất. Chính sách tiền tệ của ngân hàng này đã “hoàn toàn trật đường ray”, như lời của Peter Boockvar, chuyên gia trưởng về phân tích thị trường tại tập đoàn Lindsey, viết trong một thông báo gửi các khách hàng của mình.

Trong khi đó, từ quan điểm đầu tư, một số người khuyên rằng chuẩn bị cho nhiều lần tăng lãi suất hơn mong đợi sẽ là khôn ngoan vào thời điểm này.

“Các bạn hãy kiếm lợi nhuận bằng cách đặt vào vị thế ngược lại với các kỳ vọng. Các kỳ vọng hiện rất thấp, rào cản đối với một đợt tăng lãi suất thấp đến nỗi mà tôi nghĩ rằng rất có khả năng rằng bà Yellen sẽ tăng lãi suất vào tháng 9, vì khả năng bà ấy ra đi cũng đang tăng. Nhiệm kỳ của bà ấy sẽ kết thúc vào tháng 2 tới, và tình hình tài chính hiện đang dễ dàng nhất kể từ năm 2014 đến nay”, Larry McDonald, giám đốc điều hành tại ACG Analytics, phát biểu trong chương trình "Trading Nation" vào hôm thứ Tư vừa qua.

McDonald nói thêm rằng để bảo vệ di sản của mình, bà Yellen có thể công bố thêm một hoặc hai đợt tăng lãi suất nữa. Dĩ nhiên, đây sẽ là một kết quả tương đối ngạc nhiên.

Khảo sát của Bank of America Merrill Lynch được tiến hành hàng tháng, và thường phỏng vấn 207 công ty hiện đang chịu trách nhiệm quản lý một lượng tài sản có giá trị tổng cộng lên tới 586 tỷ USD./.

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới giảm phiên thứ 2 liên tiếp chờ tin từ Fed (26/07/2017)

>   Dầu vọt hơn 3% lên cao nhất trong 7 tuần (26/07/2017)

>   Nỗi ám ảnh về cuộc khủng hoảng trái phiếu năm 1994 đang ùa về! (25/07/2017)

>   Credit Suisse: Giá dầu sẽ mắc kẹt dưới mức 60 USD cho đến năm 2020 (25/07/2017)

>   OPEC đối mặt với nhiệm vụ bất khả thi (25/07/2017)

>   Sẽ có các hợp đồng quyền chọn về Bitcoin tại Mỹ vào mùa thu 2017 (25/07/2017)

>   Vàng thế giới đứt mạch 6 phiên leo dốc liên tiếp (25/07/2017)

>   Dầu quay đầu leo dốc gần 1.5% sau cuộc họp OPEC (25/07/2017)

>   Trung tâm tài chính London đứng trước nhiều sóng gió (24/07/2017)

>   Có ICO, các start-up công nghệ không đoái hoài đến các công ty vốn mạo hiểm ở Mỹ? (24/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật