VCCI đề nghị tiếp tục giảm quy định về xuất khẩu gạo
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị thay đổi nhiều điểm trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo và đang đưa ra lấy ý kiến.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, cơ quan này ủng hộ việc sửa đổi các quy định bất cập tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP để loại bỏ các rào cản không cần thiết, đặc biệt là các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với mặt hàng gạo của Việt Nam. Việc giảm các rào cản kinh doanh này sẽ mang lại nhiều lợi ích, không chỉ về mặt kinh tế mà cả các vấn đề an sinh xã hội.
Ông Tuấn nhận xét thêm, dự thảo Nghị định đã thể hiện rất rõ tinh thần mở rộng quyền tự do kinh doanh xuất khẩu gạo bằng việc đơn giản hóa rất nhiều các điều kiện đầu tư kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như đăng ký hợp đồng xuất khẩu. Cùng với việc bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, việc sửa đổi Nghị định 109 được kỳ vọng sẽ giúp ngành lúa gạo của Việt Nam có những bước phát triển trong thời gian tới.
Điều 4.1.a của dự thảo yêu cầu thương nhân xuất khẩu gạo phải "có kho chuyên dùng để chứa thóc gạo và cơ sở xay xát thóc gạo phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ NN&PTNT ban hành; bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Luật an toàn thực phẩm".
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải có cơ sở xay xát thóc gạo.
Về việc "có kho chuyên dùng", VCCI phân tích, từ "có" ở đây có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau như: (1) có quyền sở hữu chủ duy nhất; (2) có quyền đồng sở hữu chủ; (3) có quyền sử dụng… Vì thế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng chỉ yêu cầu doanh nghiệp có quyền sử dụng kho chứa chuyên dùng, và quyền này được thể hiện qua hình thức sở hữu hoặc hợp đồng thuê, mượn kho.
Bên cạnh đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ điều kiện vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất tại Điều 4 của dự thảo.
Điều 6 của dự thảo quy định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo yêu cầu phải có: (1) bản kê khai kho chứa theo mẫu và có xác nhận của Sở Công Thương; và (2) bản sao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cấp có thẩm quyền cấp cho kho chứa để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của Bộ NN&PTNT.
VCCI phân tích, để được cấp giấy phép xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải làm 3 thủ tục hành chính: (1) Sở Công Thương xác nhận kho chứa (Điều 5 của dự thảo); (2) Sở NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Điều 23.4.b Nghị định 38/2012/NĐ-CP); (3) Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (Điều 6 của dự thảo).
Ông Tuấn cho rằng, thủ tục hành chính như vậy là quá phức tạp và có nhiều giấy phép con. Vì thế, ông nghị cơ quan soạn thảo đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan.
VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định tại Điều 6.5 quy định thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là 5 năm vì quy định này sẽ làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Điều 12 của dự thảo quy định thương nhân xuất khẩu gạo phải dự trữ lưu thông ở mức 5% lượng gạo đã xuất khẩu 6 tháng trước đó (giảm so với mức 10% tại Nghị định 109).
Tuy nhiên, VCCI phân tích, quy định này có một số điểm cần sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn:
Thứ nhất, cần bổ sung quy định ưu tiên giảm tỷ lệ dự trữ lưu thông đối với doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất (mức giảm phụ thuộc vào diện tích vùng nguyên liệu). Thứ hai, cần bổ sung quy định về tỷ lệ dự trữ đối với doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.
http://www.thesaigontimes.vn/162498/VCCI-de-nghi-tiep-tuc-giam-quy-dinh-ve-xuat-khau-gao.html
|