Thứ Hai, 03/07/2017 14:13

TP.HCM: Cải cách mạnh để cải thiện thứ hạng cạnh tranh

Tập trung cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp, xây dựng chính phủ điện tử, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp... là những mục tiêu TP.HCM hướng tới để cải thiện thứ hạng cạnh tranh. 

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố sáng 3-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Theo đó, so với cùng kỳ năm ngoái, khu vực dịch vụ tăng 7,4% (chiếm hơn 58% tỷ trọng kinh tế của thành phố), khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,2% (chiếm tỷ trọng 33% kinh tế của thành phố), khu vực nông - lâm - thuỷ sản tăng 5,9%. Thu ngân sách đã đạt 173.000 tỷ, đạt gần 50% dự toán (tăng hơn 17%)…

20.500 doanh nghiệp thành lập mới

“Có thể nói, công tác chỉ đạo, điều hành đã được tập trung ngay từ đầu năm. Lãnh đạo thành phố đã gặp gỡ, lắng nghe, đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định phát triển”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Về kết quả, người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết: Lũy kế đến năm nay, chương trình kích cầu đã phê duyệt được 154 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ với tổng mức đầu tư 12.300 tỷ đồng, số vốn vay được ngân hàng hỗ trợ lãi vay là 5.200 tỷ đồng.

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã hỗ trợ được 4.000 doanh nghiệp vay vốn với tổng số 8.000 tỷ đồng…

Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đã từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.

Về mục tiêu 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020, theo ông Phong, lãnh đạo thành phố đã trực tiếp làm việc với các sở, ngành, quận, huyện để cải cách hành chính, rút ngắn thủ tục về đăng ký kinh doanh, hướng dẫn chính sách thuế và quản trị doanh nghiệp.

6 tháng đầu năm có 20.500 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,3 tỷ USD, vốn viện trợ ODA đã giải ngân hơn 2.200 tỷ đồng (đạt hơn 50% kế hoạch)…

Tập trung cải cách thủ tục hành chính

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Phong thừa nhận rằng môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu, phát triển thị trường gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng chủ yếu của thành phố hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào yếu tố vốn và lao động.

Ông Phong nêu 7 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho 6 tháng cuối năm, trong đó có đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp, tập trung hoàn thành hệ sinh thái khởi nghiệp, ưu tiên nguồn vốn cho các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Phong, thành phố phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách, trong đó đặc biệt chú trọng đến thu nội địa.

Các dự án hạ tầng tiếp tục được triển khai đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, nhất là những công trình gắn với 7 chương trình đột phá của thành phố.

Một trong những điểm đáng chú ý là thành phố sẽ chú trọng thu hút đầu tư theo mô hình hợp tác công tư (PPP) cho các công trình hạ tầng quy mô lớn.

Ông Phong cho biết thành phố đang khẩn trương hoàn thành các công trình kết nối giao thông, giảm ùn tắc, đặc biệt là khu vực cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất.

“Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, giảm tối đa phiền hà cho người dân và doanh nghiệp", ông Phong nhấn mạnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định rằng thành phố sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề bàn giải pháp để cải thiện các thứ hạng cạnh tranh.

Ông Phong đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm ban hành kết luận cuộc làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo thành phố vừa qua, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, ban hành chính sách đặc thù để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư, khơi thông nguồn lực phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

Chia sẻ với phát biểu nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cứ 1% tăng trưởng (GDP) của Việt Nam thì TP.HCM đóng góp 0,21%, còn ngân sách của thành phố đóng góp đến 27%.

“Vai trò của TP.HCM và vùng kinh tế động lực phía Nam rất quan trọng với phát triển kinh tế của cả nước. Hoan nghênh TP.HCM thúc đẩy khởi nghiệp, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Thành phố cũng có nhiều tiến bộ trong giải ngân vốn đầu tư công”, Thủ tướng nói.

Ông cũng lưu ý các hạn chế được nêu ra như hiệu quả sử dụng đất đai của thành phố còn thấp, tình trạng ùn tắc giao thông và ngập nước vẫn còn nặng nề, cải cách hành chính có một số mặt tốt nhưng các chỉ số vẫn thụt lùi…

Thủ tướng khẳng định: “Cần tiếp tục bàn các giải pháp xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh, thành phố hội nhập, thành phố cạnh tranh. Chính phủ lắng nghe và sẽ có các giải pháp cùng thành phố tháo gỡ những vấn đề đặt ra để TP.HCM, đô thị lớn nhất nước ta, phát triển hơn nữa”.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170703/tphcm-cai-cach-manh-de-cai-thien-thu-hang-canh-tranh/1342474.html

Các tin tức khác

>   Nền kinh tế “đi khám bệnh” có chỉ số tốt (03/07/2017)

>   Lỗ 3.000 tỷ, Đạm Ninh Bình xin Eximbank Trung Quốc chậm trả nợ (03/07/2017)

>   Trò kéo co và chiếc nút thắt về giá ôtô (03/07/2017)

>   Nhiều người được tăng lương từ 1/7 (02/07/2017)

>   Xuất khẩu tôm Việt sang Úc: Chưa kịp mừng đã vội lo (02/07/2017)

>   TPHCM truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm (02/07/2017)

>   Hạ khung tăng giá điện để minh bạch chi phí đầu vào của EVN (01/07/2017)

>   Điều kiện kinh doanh "giết" doanh nghiệp (01/07/2017)

>   Việt Nam vay 100 triệu đô la Mỹ từ Hàn Quốc để xây 22 cầu (01/07/2017)

>   Tầm nhìn siêu đô thị và bài toán cung cấp dịch vụ công (01/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật