Dấu hiệu tích cực từ thu ngân sách
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phục phụ cho cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 3-3 cho thấy, tình hình thu chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm nhìn chung đáp ứng được tiến độ dự toán đề ra.
Cụ thể, tính đến hết tháng 6-2017, tổng số thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 563,5 nghìn tỉ đồng, bằng 46,5% dự toán năm và tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu nội địa ước đạt 451,2 nghìn tỉ đồng, tăng 12,4%; thu dầu thô ước đạt 23 nghìn tỉ đồng, tăng 15,6%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 141 nghìn tỉ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ.
Trong khi đó về tổng chi cân đối ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 583.000 tỉ đồng, bằng khoảng 41,9% dự toán năm và tăng 8.3% so với cùng kỳ.
Về đầu tư phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 6 tháng đầu đầu năm tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt khoảng 674,8 nghìn tỉ đồng, bằng 32,8% GDP, tăng 10,5% so cùng kỳ và đây là mức tăng cao hơn các mức tăng so với cùng kỳ các năm từ 2013 đến 2016 (2013 tăng 5,2%; 2014 tăng 9,0%; 2015 tăng 9,3%; năm 2016 tăng 10,3%).
Tuy nhiên, tình hình giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước nửa đầu năm nay vẫn gặp nhiều khó khăn, tốc độ giải ngân vẫn thấp so với yêu cầu.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2017 ước giải ngân đến hết tháng 6-2017 đạt khoảng 29,6% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với 25,6% dự toán được Quốc hội thông qua.
Tính cả số vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2016 được chuyển sang năm 2017 thì tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 29,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với 24,7% dự toán được Quốc hội thông qua, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ đạt 32,2% kế hoạch).
Việc giải ngân vốn của các bộ, ngành, địa phương đến nay vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc như: một số bộ, ngành đã được Thủ tướng giao kế hoạch nhưng do chưa đảm bảo thủ tục đầu tư theo quy định nên chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao hết kế hoạch vốn. Đối với một số dự án, nhất là các dự án có các gói thầu mua sắm thiết bị chiếm tỷ trọng lớn thì dự kiến phải đến cuối năm, sau khi hoàn tất các thủ tục nhập khẩu, lắp đặt mới tiến hành nghiệm thu, thanh toán vốn.
Khó khăn khác còn do một số dự án lớn, phức tạp, các dự án thực hiện theo hình thức tổng thầu (EPC) vừa thiết kế vừa thi công, trong khi quy trình thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán phức tạp, kéo dài dẫn đến chậm trễ tiến độ triển khai tại hiện trường; nhiều công việc đã hoàn thành nhưng chưa có dự toán được phê duyệt dẫn đến tình trạng không thanh toán được khối lượng hoàn thành đã được nghiệm thu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng một số dự án đang thực hiện công tác lập, phê duyệt, điều chỉnh dự toán hoặc bị vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài được đánh giá đang có nhiều tín hiệu tích cực trong 6 tháng đầu năm nay và hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cũng như hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo.
Cụ thể, tính đến ngày 20-6-2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần trong 6 tháng đầu năm 2017 là 19,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Văn Nam
|