Sản lượng dầu tại Venezuela tụt mạnh
Nguồn tiền mặt duy nhất của Venezuela đang nhanh chóng thu hẹp khi đất nước này đối mặt với các hóa đơn chưa thanh toán ngày càng tăng, các cuộc biểu tình chính trị và người dân lâm vào nạn đói do thiếu lương thực, CNNMoney cho hay.
Dầu chiếm gần như tất cả kim ngạch xuất khẩu của Venezuela, và khi đất nước này rơi vào khủng hoảng, dầu là thứ duy nhất mà quốc gia này có thể bán được.
Tuy nhiên, sản lượng dầu của Venezuela rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1989 – không kể đến cuộc đình công về dầu trong năm 2002, dữ liệu tổng hợp từ Giáo sư Đại học Rice, Francisco Monaldi, cho thấy.
Sản lượng dầu đã giảm năm thứ 10 trong 11 năm vừa qua, theo số liệu thống kê của BP. Và trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng này đã giảm mạnh 12% so với cùng kỳ năm trước, số liệu từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) công bố trong ngày thứ Tư cho thấy.
* Đâu là lý do có thể đẩy giá dầu lên 120 USD/thùng?
Sở dĩ, hoạt động sản xuất dầu của Venezuela gặp vấn đề là do công ty cung cấp dịch vụ dầu như Halliburton và Baker Hughes, đã cắt giảm việc bơm dầu cho đến khi Tổng thống Nicolas Maduro thanh toán cho họ khoản các hóa đơn trị giá hàng triệu USD.
Trong năm 2017, Venezuela đã nợ các nhà đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Các nỗi lo sợ ngày càng tăng khi Venezuela không thể thanh toán các khoản nợ, và tổ chức S&P đã hạ bậc tín nhiệm của quốc gia này xuống mức “junk” trong ngày thứ Ba.
Ông Monaldi, từng là cố vấn cho Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết: “Tình trạng này còn tồi tệ hơn chúng tôi tưởng. Phải có ‘khả năng đặc biệt’ mới có thể tàn phá nền kinh tế đến cỡ này”.
Venezuela sở hữu nguồn dầu lớn hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, quốc gia Nam Mỹ này đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế do tự bản thân gây ra. Chính việc Chính phủ chi tiêu quá mức, quản lý không đúng lượng tài nguyên thiên nhiên và nạn tham nhũng đã đẩy Venezuela vào suy thoái trong năm 2014.
Nền kinh tế Venezuela suy thoái 18% trong năm 2016 – năm suy thoái thứ 3 và có khả năng tiếp tục suy thoái trong năm nay và năm 2018.
Trong khi đó, sản lượng dầu ngày càng giảm của Venezuela sẽ khiến quốc gia này thu được ít tiền để nhập khẩu thực phẩm cho người dân của mình và giá thực phẩm đã tăng vọt lên mức cao ngất ngưỡng khi đồng nội tệ bị xuống giá đến mức gần như “không còn giá trị”.
Người dân Venezuela đang rơi vào nạn đói: những người dân sống trong nghèo đói cùng cực trong năm 2016 đã mất bình quân 19 ao-xơ do tình trạng thiếu thực phẩm, kết quả của một cuộc thăm dò quốc gia cho thấy. Người dân đang vượt biên giới tới Colombia để mua giấy vệ sinh. Ngoài ra, người Venezuela chiếm số lượng lớn nhất trong những người tị nạn ở Mỹ, vượt cả lượng nguời tị nạn từ Trung Quốc và Mexico.
Tình trạng về dầu đang trở nên ngày càng tồi tệ. Mặc dù sản xuất đến 1.9 triệu thùng/ngày, nhưng quốc gia này chỉ được thanh toán cho khoản 700,000-800,000 thùng/ngày, các chuyên gia cho biết.
Venezuela đang thanh toán các khoản nợ từ Trung Quốc và Nga bằng cách xuất khẩu dầu để trả nợ. Xăng cũng không mang lại nguồn thu ở Venezuela khi Chính phủ nước này trợ cấp chi phí cho những người lái xe.
Khi doanh thu dầu sụt giảm, lượng tiền mặt của quốc gia cũng cạn kiệt. Venezuela chỉ còn 10 tỷ USD trong dự trữ – một lượng tiền quá thấp. Trước đó, quốc gia này dự trữ 20 tỷ USD trong năm 2015 và 30 tỷ USD trong năm 2011, dữ liệu từ ngân hàng trung ương cho thấy.
“Thật sự rất tồi tệ”, Russ Dallen, Đối tác quản lý tại Caracas Capital có trụ sở ở Miami, cho hay. “Họ không thể đầu tư bất kỳ khoản tiền nào, họ không thể thanh toán tiền cho nhà cung cấp dịch vụ dầu… Quốc gia này đang rơi vào tình thế tuyệt vọng”./.
|