Chạy nước rút “khai tử” xăng A92 để cứu xăng E5
Bộ Công thương chạy đua nước rút xóa sổ xăng A92 để thay bằng xăng E5 từ đầu năm sau, chuyên gia nói rằng Dung Quất và Nghi Sơn 'được cứu' trong khi doanh nghiệp lo đội thêm chi phí.
Xăng E5 bơm vào xe bồn để đưa đến các đại lý bán lẻ trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
|
Trao đổi với báo chí ngày 11-7, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng thông tin từ đầu năm 2018 trên thị trường sẽ chỉ có hai loại xăng E5 (xăng sinh học, pha 5% ethanol) và A95.
“Sẽ chuyển đổi thành công”
Thứ trưởng Vượng cho biết việc triển khai này là nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tiếp tục triển khai lộ trình thay thế xăng A92 bằng xăng E5.
Hiện xăng sinh học mới được triển khai tại 8 tỉnh, thành phố, trong đó có 4 tỉnh thành bán 100% xăng E5 gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cần Thơ.
Ông Vượng khẳng định Bộ Công thương đã làm việc với các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp để hoàn thiện khâu chuyển đổi loại xăng.
Trong đó các bể chứa, cây xăng sẽ được chuyển đổi nhanh chóng qua xăng E5 và không có gì khó khăn.
“Với tiến độ còn lại của năm 2017, chúng tôi tin tưởng sẽ chuyển đổi thành công” - ông Vượng nói.
Ông Vượng cho biết nguyên nhân khiến việc thay thế xăng E5 thời gian qua không thành công là do sự chuẩn bị chưa tốt từ nguồn cung, công suất trạm trộn, công tác tuyên truyền chưa đầy đủ, khiến người dân chưa thay đổi thói quen sử dụng.
Do đó, việc triển khai lần này, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định sẽ làm việc với các doanh nghiệp đầu mối, các tỉnh, thành phố lớn để đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng phát triển hạ tầng.
Để “cứu” 2 nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Thế Ruệ, chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng việc xóa xăng A92 là phù hợp với xu thế của thế giới nhằm bảo vệ môi trường.
Và đây là giải pháp để “cứu” hai nhà máy sản xuất xăng dầu là Dung Quất và Nghi Sơn.
Hiện tại hai nhà máy chỉ sản xuất được tiêu chuẩn Euro 2, trong khi theo yêu cầu của Chính phủ là từ năm 2018, chỉ những sản phẩm xăng đạt tiêu chuẩn cao hơn (Euro 4) mới được lưu hành.
Còn nếu muốn hai doanh nghiệp này sản xuất ra những sản phẩm tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5 thì phải đầu tư thêm hàng trăm triệu USD.
Tuy nhiên, không phải có tiền mà có thể làm ngay được vì đầu tư máy móc công nghệ phải mất thời gian lắp đặt, vận hành thử... thì mới có sản phẩm.
Chính vì vậy, Chính phủ cho hai nhà máy này sản xuất ra xăng tiêu chuẩn Euro 2 nhưng phải trộn ethanol để ra xăng E5.
Mặc dù khá chủ động trong việc đầu tư trang thiết bị hệ thống, song nguồn cung ethanol nguyên chất để pha chế xăng E5 là vấn đề làm “đau đầu” các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết hiện có 4 nhà máy sản xuất ethanol ở Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Nam và Dung Quất, cung ứng 400.000m3 xăng E5/năm, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 nhà máy của Công ty Tùng Lâm (tại Đồng Nai, Quảng Nam) đang hoạt động với công suất 200.000m3, đủ phối trộn 3,9 triệu m3 xăng E5/năm.
Hai nhà máy còn lại tại Dung Quất và Bình Phước đang tạm dừng sản xuất do chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm, dự kiến sẽ khởi động trở lại vào cuối năm 2017, cũng sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 200.000m3 nữa.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Dầu VN (PVOil), việc triển khai thay thế xăng A92 bằng xăng E5 sẽ mở ra cơ hội để hai nhà máy trên hoạt động trở lại.
Thiếu hạ tầng, năng lực hạn chế
Có một điều mà gần như tất cả đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu lo ngại, theo ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần xăng dầu Tự Lực 1 (Hà Nội), là nguồn hàng xăng E5.
Từ nay đến đầu năm 2018 không còn nhiều mà trong số 29 doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối chỉ có 4 đơn vị là có điểm phối trộn xăng sinh học (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex, Pvoil, Saigonpetro, Xăng dầu quân đội).
Hơn nữa, năng lực phối trộn xăng sinh học của các đơn vị này cũng hạn chế, khó có thể cung ứng đủ cho toàn thị trường.
Trong khi đó, Nhà nước chỉ cho nhập khẩu ethanol và xăng khoáng về để phối trộn thành xăng E5. Mặt khác, những nhà máy sản xuất xăng sinh học không biết bao giờ mới hoạt động trở lại. Để đảm bảo nguồn cung, liệu Nhà nước có cho nhập xăng sinh học hay không...
Thông tin về vấn đề này, ông Vượng cho biết mặc dù mới chỉ có 1/5 đầu mối kinh doanh xăng dầu có trạm trộn xăng E5 nhưng đều tập trung tại các doanh nghiệp lớn như Petrolimex, PVOil, Mipec, Sài Gòn Petro và Công ty Nam Sông Hậu... có khả năng phối trộn, cung ứng thị trường trên 3 triệu m3 xăng sinh học.
10%: Đó là tỉ lệ tiêu thụ xăng E5 tại Petrolimex, chỉ khoảng 300.000m3.
|
Dự kiến các doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm hạ tầng và dự tính đến cuối năm các trạm trộn sẽ đạt trên 6 triệu m3/năm, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ từ đầu năm 2018.
Kinh phí rất lớn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc PVOil - cho biết từ cuối năm 2008 khi Chính phủ bắt đầu có chủ trương sản xuất và kinh doanh nhiên liệu sinh học, PVOil đã đầu tư cơ sở hạ tầng để triển khai.
Hiện các trạm pha chế xăng E5 đặt tại các kho xăng dầu có tổng công suất pha chế đạt gần 1 triệu m3/năm.
Tuy nhiên, hiện nay lượng bán xăng E5 của toàn hệ thống chỉ đạt khoảng 180.000m3, chỉ chiếm gần 17% trên tổng sản lượng.
Ông Phạm Đức Thắng, phó tổng giám đốc Petrolimex, cho biết lượng tiêu thụ xăng E5 tại Petrolimex đạt tỉ lệ rất thấp, chỉ khoảng 300.000m3, chiếm khoảng 10%.
Để phục vụ lộ trình trên, tập đoàn đã có 5 trạm phối trộn xăng E5, nhưng tới đây sẽ đầu tư thêm 9 trạm.
Kinh phí đầu tư mỗi trạm mất 20 tỉ đồng với thời gian khoảng 6 - 9 tháng, để kịp hoàn thành được trước thời điểm đầu năm 2018 là khó khăn, song ông Thắng cho biết sẽ cố gắng nhanh nhất có thể để đưa các hệ thống vào vận hành.
Ngoài ra, một vấn đề được đặt ra nữa theo ông Thắng là việc chuyển từ xăng khoáng A92 sang xăng E5 sẽ phải thay đổi đường vận chuyển xăng dầu, kéo theo chi phí sẽ thay đổi.
Ông Dương thì cho biết để đầu tư hạ tầng phục vụ việc đưa xăng E5 ra thị trường, doanh nghiệp phải huy động nguồn kinh phí rất lớn.
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170712/chay-nuoc-rut-khai-tu-xang-a92-xang-e5-duoc-cuu/1350460.html
|