Nhịp đập Thị trường 06/07: PLX lại kéo VN-Index vào cuối phiên chiều.
VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày, 782.65 điểm (+0.56%). Nhóm VN30 vẫn là động lực chính, trong đó riêng phiên chiều đáng chú ý là FPT (+2.6%), đến cuối ngày chỉ số sàn HOSE còn được PLX và PC1 hỗ trợ. Nhóm midcap vẫn gây thất vọng nhất trong ngày Giao dịch đẹp trời hôm nay, chỉ số index của nhóm này luôn dao động quanh tham chiếu, cuối ngày chỉ tăng vỏn vẹn 0.02%.
Trên sàn HNX, đáng chú ý trong phiên chiều là HUT (tăng 6.5%) và CEO (+6.1%). PVC cũng gây bất ngờ khi tăng 5% vào cuối phiên. Chỉ số nhóm HNX30 tăng đến 1.26%, gấp gần 2 lần mức tăng của HNX-Index.
Chỉ số sàn Upcom vốn chìm trong sắc đỏ cả phiên sáng, và đầu phiên chiều, nhưng cũng đổi sang màu xanh kể từ thời điểm 14g nhờ SWC, MCH… Tuy nhiên FOX lại là cái tên khá thất vọng khi bất ngờ chuyển từ sắc xanh (có lúc tăng hơn 2%) trong phiên sáng về tham chiếu trong phiên chiều.
HPG hôm nay lại được khối ngoại mua mạnh, nhưng lượng bán cũng tăng mạnh không kém. Kết quả lượng mua ròng hơn 800,000 cp. Tuy nhiên giá cổ phiếu chỉ tăng nhẹ 1.2%.
Nhóm chứng khoán tiếp tục dò đỉnh trong ngày hôm nay, đáng chú ý nhất là MBS (tăng trần 9.7%). Tuy nhiên, VND vẫn giảm nhẹ 0.4% tương tự như phiên sáng.
PLX là cổ phiếu nhóm largecap gây bất ngờ trong phiên chiều, khi thị giá chuyển từ giảm sang tăng 3.2%. NĐT cũng rất đang mong chờ công ty công bố sớm kết quả quý 2, nhưng ngoài thông tin đó ra, NĐT cũng đang chờ công ty trả nốt phần cổ tức 2016 theo nghị quyết ĐHCĐ.
DCM mới công bố kết quả KD 6 tháng đầu năm, theo đó doanh thu và lợi nhuận ròng tăng trưởng tương ứng 28.6% và 51% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những động lực giúp công ty đạt tăng trưởng cao là thị trường Campuchia. Giá cổ phiếu này cũng tăng vọt hơn 5.6% trong phiên chiều. Tuy nhiên NĐT cần lưu ý về rủi ro hồi tố lợi nhuận theo cam kết giữa PVN và DCM. Không rõ cam kết này có thay đổi trong thời gian tới hay không.
Nhóm khoáng sản cũng có phiên bất ngờ tích cực, BMC tăng 2.7%, thậm chí HLC hay LCM tăng hơn 6%. Đang có thông tin TKV xin gia tăng xuất khẩu than ngoài hạn ngạch do lượng tồn kho cao.
Nhóm BĐS dân dụng cũng có 1 phiên tích cực với sắc xanh phủ khắp nhóm. Nhóm này vốn là nhóm khó dự báo kết quả quý 2, nhưng nếu dò đúng điểm rơi thì cơ hội kiếm lời từ lướt sòng rất cao, bởi nhiều công ty BĐS ở cùng thời điểm này trong năm ngoái đạt kết quả rất thấp.
Phiên sáng: VN30 đang chạy nhanh hơn VN-Index
VN-Index và HNX-Index giữ vững đà tăng điểm trong phiên sáng nay, nhưng ngạc nhiên là UpcomIndex lại giảm 0,21%, cũng như chỉ số của nhóm midcap của sàn HOSE lại lùi dần về 0%. QCG (-3.3%), SHP (-2.1%) hay DRC (-1.8%)… bị coi là các tác nhân khiến chỉ số nhóm midcap này tăng chậm hơn các chỉ số khác.
Nhóm ngân hàng đang có sự phân hóa, VCB tăng giá 1.3% nhờ lực đẩy của khối ngoại, nhưng 2 đại giá BID và CTG lại đứng yên hay giảm nhẹ, không rõ có chịu tác động liên quan đến khoản cho vay tại Đạm Ninh Bình hay không. Ngoài ra, ACB, STB, KLB và VIB cũng giảm giá, dù có ngân hàng đang được kỳ vọng đạt kết quá quý 2 tích cực hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự ngân hàng, chứng khoán cũng bắt đầu có dấu hiệu phân hóa do, ví dụ như VND bất ngờ giảm 1.7% trong những phút cuối phiên. 1 số mã tăng khá mạnh lục đầu phiên thì đến 11h30 cũng giảm nhiệt như CTS, BVS, SHS…
ITA tăng khá sát trần (+6.3%) sàng nay, là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong nhóm VN30, và nếu tính 4 phiên từ khi có công bố thông tin thì cổ phiếu này đã tăng hơn 20%. Nhóm VN30 cũng được 1 số largecap khác hỗ trợ như GAS, VCB, FPT hay SSI… và chỉ số này đang tăng mạnh hơn VNIndex. Lưu ý rằng trong thời gian gần đây, hoặc thậm chí nếu tính từ đầu năm, VN30 chạy nhanh hơn VNIndex, cũng tức là nếu NĐT đầu tư vào ETF nội E1VFVN30 thì cũng đạt được mức lợi nhuận hơn 20% (VNIndex chỉ tăng hơn 16% trong 6 tháng).
QCG tuy đã chính thức công bố thông tin về việc tạm ứng cổ tức 2017 (đúng hơn là lấy từ phần lợi nhuận chưa chia các nắm trước còn lại đến cuối Q1/2017) là 8.6% tiền mặt, tuy nhiên thị giá lại quay đầu giảm 3.3% sáng nay. Có lẽ mức cổ tức tiền mặt này chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư (tính trên thị giá là 3.7%), cũng như không loại trừ nhiều người vẫn đang phải cắt lỗ margin, nếu lỡ mua khi cổ phiếu này lập đỉnh 31,000 đ/cp cuối tháng 6.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị 29/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, theo đó tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 vào khoảng 6.4-6.8%. Lưu ý rằng mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 6.7%.
Dù báo chí đang nói nhiều về khả năng Chính phủ rà soát, xem xét khả năng tiếp tục giảm phí BOT giao thông và sự chậm trễ của loại hình thu phí không dừng, nhưng HUT (1 đại gia trong lĩnh vực này) bất ngờ tăng giá gần 5% với khối lượng khớp lệnh kỷ lục, hơn 5,5 tr.cp sáng nay.
Lãnh đạo HVN đã công bố ước tính kết quả SXKD 6 tháng đầu năm nay, với doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất tương ứng là 42,758 và 830 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm, HVN đã thực hiện 70,400 chuyến bay, vượt 0.3% kế hoạch 6 tháng; sản lượng hành khách đạt 9.95 triệu lượt khách, tăng 6.1% so với cùng kỳ và đạt 97.8% kế hoạch; vận chuyển trên 150 nghìn tấn hàng hóa, đạt 103% kế hoạch 6 tháng, trong đó thị trường quốc tế đạt 102% và thị trường nội địa đạt 104% kế hoạch 6 tháng. Tuy nhiên, nếu chiếu theo kết quả quý 1/2017 thì HVN đã lỗ trong quý 2 năm nay. Điều này có thể chính là lý do khiến giá cổ phiếu HVN giảm nhẹ 0.4% sáng nay về 26,700 đ/cp. Kỳ vọng lớn nhất ở hãng hàng không này vẫn nằm ở những thay đổi trong việc tái cấu trúc lại đội bay (sử dụng nghiệp vụ sale and lease back), qua đó thay đổi cấu trúc tài chính và giảm bớt chi phí.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tỷ lệ lạm phát trong năm nay của Việt Nam dự kiến sẽ rất thấp, vì thế giá các mặt hàng cần tiếp tục được điều chỉnh để hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ đã tính toán 3 kịch bản lạm phát, trong đó kịch bản xấu nhất là lạm phát thực chỉ 3.5%, lạm phát bình quân là 3.42%. Trong khi đó, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự báo lạm phát bình quân năm 2017 là 2.4%.
10h30: Tin ra chưa hẳn là nên bán
VN-Index tuy vẫn giữ sắc xanh trên 780 điểm, nhưng có vẻ đang chùng xuống, chưa kể đang bị SAB hay PLX “kìm chân”.
Sóng BCTC quý 2 đang đến, đang có nhiều kết quả hoạt động công ty niêm yết, cả chính thức lẫn tin đồn, ở nhiều mã đang có tâm lý “tin ra là bán”. Tuy nhiên, một khi kết quả SXKD đạt tốt, doanh nghiệp sẽ sớm tạm ứng cổ tức, chia thưởng cổ phiếu hay công bố kế hoạch hoành tráng hơn, do đó bán lúc này chưa hẳn là cách giao dịch hay.
Chứng khoán vẫn là nhóm có nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh và liên tục, nhưng ngạc nhiên là nhóm hỗ trợ khai thác dầu khí cũng có nhiều mã thị giá thấp tăng giá như PVC, PVX, PXT hay POS, dù giá dầu hôm qua giảm mạnh.
Nhóm smallcap trên cả 2 sàn có rất nhiều mã tăng trần, thậm chí đa số có thị giá dưới 10,000 đ/cp. OGC đang tăng trần 10 phiên liên tiếp, nhưng thị giá đến giờ vẫn chỉ mới có 2,740 đ/cp. Ngược lại, KAC đang giảm sàn phiên thứ 7 liên tiếp, dù trong giai đoạn tháng 5-6 cổ phiếu này tăng không ngơi nghỉ, từ 15,000 lên hơn 35,000 đ/cp.
Dù đa số cổ phiếu ngân hàng đang tăng giá, nhưng có vẻ mức tăng này không phản ánh kỳ vọng vào Nghị quyết xử lý nợ xấu, dù toàn văn văn bản đã được công bố. ACB, VIB và ngân hàng mới lên sàn Upcom là KLB đang giảm nhẹ. MBB đang dao động quanh tham chiếu, có lúc đổi màu đỏ. Cổ phiếu này cũng giảm giá liên tục 3 phiên gần đây, có lẽ là chốt lời.
CEO Mercedes - Benz Việt Nam cho biết hãng này đã bán 2,300 chiếc trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Thông tin này có lẽ đang hỗ trợ giá HAX (chiếm khoảng 30% doanh số nói trên), vốn giảm giá trong nửa cuối tháng 6 vừa qua, từ 53,700 đ/cp về mức 48,000 đ/cp hiện nay.
Mở cửa: Nhóm chứng khoán liên tục phá đỉnh
VN-Index mở cửa tăng nhẹ 0.23% lên 780.5 điểm, nhóm VN30 vẫn là yếu tố hỗ trợ chính (+0.35%). Ngân hàng, chứng khoán đang tăng giá ở đa số mã cổ phiếu, lần này có liên quan đến kết quả SXKD quý 2/2017.
Giá dầu thế giới hôm qua lại giảm mạnh hơn 4%, dầu WTI đang quay về mức 45 USD/thùng, còn dầu Brent về 47 USD/thùng. Điều này có thể sẽ tác động tâm lý lên nhóm dầu khí, vốn hồi phục chút ít trong vài phiên vừa qua.
Giá cổ phiếu STB đang tăng nhẹ gần 5% sáng nay, sau khi có thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) 6 tháng đầu năm. Thực tế thông tin này cũng không phải là mới vì từng được lãnh đạo ngân hàng tiết lộ trên báo chí trước đó. Tuy nhiên điều mà NĐT quan tâm là triển vọng từ việc tái cơ cấu nợ xấu của ngân hàng này.
SSI tăng giá nhẹ hơn 2% nhờ thông tin về thị phần, tuy nhiên, mức tăng giá này vẫn “kém” hơn nhiều so với 1 số mã có thị phần thấp hơn như MBS, CTS…
Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được công bố toàn văn, điều này sẽ giúp các tổ chức và chuyên gia kinh tế, tài chính phân tích cặn kẽ, thấu đáo hơn trước, qua đó NĐT cũng sẽ nắm được những ngân hàng niêm yết nào sẽ được hưởng lợi từ Nghị quyết này. Hiện cổ phiếu ngân hàng đang tăng giá.
HPG tăng giá nhẹ 0.7% sáng nay, tuy nhiên điều quan tâm là giao dịch của khối ngoại sẽ mua hay bán ròng, bởi hôm qua HPG lần đầu tiên bị khối ngoại bán ròng với giá trị khá lớn.
|