Nhịp đập Thị trường 04/07: SX hàng gia dụng, chứng khoán “kéo” thị trường
Dù các chỉ số thị trường giảm điểm trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng nhờ sự tăng trưởng tốt của nhóm SX hàng gia dụng, chứng khoán mà tình hình cũng bớt đi phần nào sự bi quan.
VN-Index kết phiên giao dịch giảm 3.34 điểm tương đương 0.43% xuống mức 775.54 điểm. HNX-Index tăng nhẹ 0.15% lên mức 100.48 điểm.
Độ rộng toàn thị trường khá yếu với 222 mã tăng điểm và 242 mã giảm điểm. Như vậy, các thống kê cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế (nhẹ) so với bên mua.
Giá trị khớp lệnh cả hai sàn đạt hơn 3,875 tỷ đồng. Dưới góc nhìn Market Cap, chỉ số Large Cap là “tội đồ” của thị trường khi giảm mạnh nhất trong nhóm. Các nhóm còn lại như Micro Cap, Small Cap thậm chí còn tăng.
Ngành SX hàng gia dụng và Chứng khoán tăng mạnh nhất thị trường. Cổ phiếu nổi bật nhất trong ngành SX hàng gia dụng là TCM và DLG. Cả hai mã này đều tăng trên 5% với khối lượng giao dịch khá cao.
Ngành Chứng khoán có sự tăng trưởng khá đều ở hầu hết các mã. Sự tăng trưởng về thanh khoản của thị trường, nhà đầu tư giao dịch ngày càng sôi động hơn cũng như các sản phẩm, dịch vụ mới chuẩn bị được triển khai là động lực giúp giá của các cổ phiếu trong ngành liên tục phá đỉnh. Điển hình có thể kể đến SSI, HCM, MBS, SHS, VND...
Ngành Ngân hàng là một trong ba ngành giảm mạnh nhất thị trường trong phiên hôm nay. Điểm sáng là cầu ngoại ở các cổ phiếu trong ngành này vẫn rất mạnh, điển hình có thể kể đến STB, VCB, SHB, BID... Nếu khối ngoại vẫn mua mạnh trong thời gian tới thì đà giảm dự kiến sẽ sớm chững lại.
Nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường là ngành Chế biến thủy sản. Lượng cung tiềm năng lớn kết hợp với lực cầu bắt đáy yếu, kháng cự bên trên nhiều khiến cho giá các cổ phiếu của nhóm này vẫn còn trong xu hướng giảm dài hạn. Các cổ phiếu điển hình trong ngành là HVG, ICF, AAM...
Trong nhóm VN30 thì ITA đang là mã tăng mạnh nhất trong ngắn hạn với khối lượng và dư mua giá trần đều rất cao. Quá trình tích lũy kéo dài và khối lượng tăng trưởng đều đã dẫn đến sự bùng nổ này.
Khối ngoại mua ròng 31.26 tỷ đồng trên HOSE và mua ròng 6.43 tỷ trên HNX.
14h: Ngân hàng, bất động sản cùng lao dốc
Các chỉ số thị trường không còn biến động giằng co nữa mà đã chuyển sang trạng thái điều chỉnh mạnh. Các ngành quan trọng như ngân hàng, bất động sản cũng nằm trong nhóm điều chỉnh mạnh nhất thị trường.
Tính tới 14h, VN-Index ở mức 773.96 điểm tương ứng mức giảm 0.63%, HNX-Index giảm 0.09% xuống mức 100.23 điểm.
Một trong những ngành thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nhất là ngân hàng. Đây chính là ngành đóng vai trò “xương sống” cho đợt tăng trưởng ấn tượng trong thời gian gần đây của thị trường. Hiện tại, nhóm Ngân hàng đang là một trong ba ngành giảm mạnh nhất thị trường. Điểm sáng là cầu ngoại ở các cổ phiếu trong ngành này vẫn rất mạnh, điển hình có thể kể đến STB, VCB, SHB...
Nhóm bất động sản cũng điều chỉnh khá nhiều. Mã QCG điều chỉnh mạnh liên tục kể từ sau Đại hội cổ đông. Khối lượng khớp trong phiên 04/07/2017 không lớn cho thấy hoạt động bắt đáy không quá sôi động.
Các mã NLG, VIC, HQC... đều đã hình thành được kênh giá tăng trưởng trung hạn nên sẽ là những mục tiêu hấp dẫn cho các nhà đầu tư khi có điều chỉnh xảy ra. Ngoài ra, NVL cũng rất đáng chú ý khi liên tục test lại vùng hỗ trợ mạnh 65,500-67,500. Đây là vùng có khối lượng tích lũy lớn và test thành công nhiều lần trong quá khứ nên được đánh giá là rất vững chắc.
Việc giá cao su trên sàn Tokyo Commodity Exchange duy trì bên dưới ngưỡng 200 JPG/kg đến tuần thứ 6 liên tiếp đã phần nào khiến nhà đầu tư cảm thấy bất an và bắt đầu bán dần các cổ phiếu trong ngành Nông – Lâm – Ngư như HAG, HNG, PHR, TRC... Ngược lại, các cổ phiếu trong ngành Chế biến cao su lại duy trì được sắc xanh nhẹ như DRC, CSM, SRC, BRC.
Phiên sáng: Nỗ lực bất thành
Một đợt hồi phục khá rõ lúc giữa phiên tưởng chừng được giữ vững. Tuy nhiên, sự thoái lui mạnh trở lại của các mã trụ khiến đà hồi phục bị khựng lại.
Kết phiên sáng, VN-Index đóng cửa dừng ở mức 774.96 điểm có thu ngắn mức giảm chút ít còn hơn 3.92 điểm (-0.50%), HNX-Index giảm 0.17% neo tại 100.16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch duy trì khá sôi động với hơn 175.7 triệu đơn vị được khớp lệnh, tương ứng giá trị 2,386 tỷ đồng. Tuy nhiên với đà giảm điểm khá mạnh thì có thể thấy lực cầu bắt đáy vẫn là chưa đủ mạnh.
VN-Index có đợt hồi mạnh từ ngưỡng 774 điểm nhờ sự hồi phục nhẹ của các mã dẫn dắt như GAS, PLX, VIC, BID… Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn là khá yếu và kéo theo lực bán mạnh hơn về cuối phiên sáng. Hiện tại cả VN-Index và VN30-Index đều đã thoái lùi về vùng đáy cũ đầu phiên.
Nói về Market-Cap, nhóm Large-Cap là nhóm giảm mạnh nhất trong phiên sáng với mức giảm 0.59%. Nhóm Mid-Cap giảm 0.20%, duy chỉ có Small Cap là còn giữ được giá xanh với mức tăng 0.29%. Nhóm Small-Cap cũng đang trở thành tâm điểm của dòng tiền khi thu hút mạnh nhất lực cầu trên thị trường tính đến thời điểm hiện tại.
Phiên sáng nay, khối ngoại mua ròng mạnh trên HOSE với hơn 40 tỷ và 2.7 tỷ đồng trên HNX.
10h30: Nhóm SX nhựa – hóa chất về vùng hấp dẫn
Khá nhiều cổ phiếu trong nhóm SX nhựa – hóa chất đã điều chỉnh về vùng hấp dẫn và mở ra cơ hội bắt đáy cho các nhà đầu tư.
Đây hiện là nhóm giảm mạnh nhất thị trường nhưng sở hữu nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đang ở mức giá hấp dẫn như DCM, DPM, DGC... Riêng mã DCM đã tạo đáy khá vững chắc trong vùng 13,100-14,200. Được sự hỗ trợ mạnh mẽ của SMA 50, các ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% và 23.6% nên khả năng bứt phá của giá là khá cao.
Nhóm bán buôn cũng rất đáng chú ý khi chỉ số ngành đã tích lũy đi ngang trong suốt 4 tuần qua. Mã cổ phiếu tiêu biểu trong ngành này là TCH. Vùng hỗ trợ 18,000-18,600 được đánh giá là rất mạnh và có độ tin cậy cao.
Ngành Khai khoáng vẫn trong nhóm dẫn đầu thị trường cùng với chứng khoán nhờ các mã chủ chốt như PVD, PVS được khối ngoại mua mạnh. Điểm đặc biệt đáng chú ý là khối lượng giao dịch có sự tăng trưởng đáng kể. Riêng PVS thì chỉ trong thời gian đầu của phiên sáng (tính đến 10h20) đã đạt khối lượng giao dịch gần gấp 3 lần khối lượng của cả phiên trước đó.
Trong nhóm VN30 thì ITA đang là mã tăng mạnh nhất trong ngắn hạn với mức tăng hơn 20% chỉ trong vòng 2 tuần. Khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên cũng có bước tiến đáng kể khi tăng từ mức chỉ khoảng 2.5 triệu lên gần 6 triệu cp.
Độ rộng toàn thị trường khá yếu với 157 mã tăng điểm và 218 mã giảm điểm.
Mở cửa: ETF tăng trưởng tốt, giá dầu hồi phục
Việc giá dầu hồi phục mạnh đang giúp các cổ phiếu ngành khai khoáng tạo đáy ngắn hạn. Các ETF đều tăng trưởng nên dự kiến khó có đảo chiều giảm điểm bất ngờ trên thị trường.
Van Eck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam UCITS ETF (XFVT) đều tăng trưởng tốt trong phiên tối qua nên tình hình vẫn đang nghiêng về hướng tích cực. Điều này cũng phần nào hạn chế tình trạng bán ròng mạnh bất ngờ trong ngắn hạn.
Giá dầu thô của Mỹ (WTI - West Texas Intermediate) đã phục hồi mạnh mẽ trong các phiên gần đây sau khi test lại cận dưới của kênh giá giảm trung hạn (tương đương vùng 42-43.3 USD/thùng). Trong các phiên tới, giá dầu dự kiến sẽ tiến gần đến cận trên của kênh tại vùng 48.5-49.3 USD/thùng. Nếu có thể phá vỡ hoàn toàn vùng này thì triển vọng các cổ phiếu trong ngành Khai khoáng như PVD, PVS, PVC... sẽ được cải thiện đáng kể. Còn nếu kênh giá xuống vẫn duy trì thì khó có thể kỳ vọng vào kịch bản lạc quan cho nhóm này.
Hiện tại, ngành khai khoáng đang tăng mạnh nhất thị trường. PVD đang là cổ phiếu được chú ý nhất do giá đang ở vùng thấp nhất trong lịch sử và khối ngoại bắt đầu mua ròng trở lại.
Nhóm ngân hàng vẫn đang là trụ đỡ chính cho thị trường. Mã CTG có thể coi là cổ phiếu tiêu biểu trong ngành trong những phiên gần đây với bình quân mua thường xuyên lớn hơn bình quân bán và giá đã phá vỡ hoàn toàn đỉnh cũ tháng 02/2017.
Tính tới 9h25, VN-Index đang giảm nhẹ 0.08% giao dịch ở mức 778.29 điểm trong khi HNX-Index tăng 0.19% và giao dịch tại mức 100.51 điểm.
|