Thứ Bảy, 22/07/2017 09:13

Kiểm toán Nhà nước “vạch” hàng loạt sai phạm trong 2016

Chiều 21/7, Kiểm toán Nhà nước tổ chức họp báo công bố báo cáo kết quả kiểm toán năm 2016 và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán 2015.

Có khá nhiều nội dung được cơ quan kiểm toán nêu ra, trong đó đáng chú ý là sai phạm trong quản lý, sử dụng xe công; thu chi ngân sách; kém hiệu quả, thua lỗ trong đầu tư ra ngoài của một số doanh nghiệp nhà nước, gian lận trong đầu tư các dự án BOT…

Thừa xe vẫn sắm mới

Tại cuộc họp báo, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho hay, qua kiểm toán, phát hiện nhiều sai phạm tại các bộ ngành, địa phương trong hoạt động quản lý, sử dụng xe công.

Cụ thể, sau khi rà soát việc thực hiện Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg về quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ôtô cho thấy cả nước còn có 2.334 xe công dôi dư. Tuy nhiên đến ngày 8/3/2017 mới chỉ có 23/28 bộ, cơ quan Trung ương và 19/50 địa phương báo cáo về Bộ Tài chính phương án xử lý.

Đáng chú ý, một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tình trạng xe dôi dư so với định mức, chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp về Bộ Tài chính song vẫn mua sắm thêm xe phục vụ công tác và xe chuyên dùng bao gồm: Bộ Ngoại giao, Tp.HCM, Đắc Lắc, Bình Thuận, Bình Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Việc thanh lý xe ôtô công chưa đảm bảo điều kiện về thời gian sử dụng được thanh lý theo quy định tại Quyết định 32 xảy ra tại 2 bộ và 4 địa phương. Cụ thể, Bộ Tài chính thanh lý 93 chiếc (đã thanh lý 41 chiếc, đang triển khai thủ tục bán đấu giá 11 chiếc và đang hoàn thiện hồ sơ để thanh lý 41 chiếc) thời gian sử dụng từ 2002 đến 2007 (thiếu 1-6 năm). Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thanh lý 13 chiếc có thời gian sử dụng từ năm 2002-2006 (thiếu 1-5 năm).

Tỉnh Điện Biên thanh lý 4 chiếc ôtô có thời gian sử dụng 2003, 2004, 2005; thành phố Cần Thơ thanh lý 1 chiếc có thời gian sử dụng năm 2010 (thiếu 9 năm), nhưng theo báo cáo xe đã có số km sử dụng đến thời điểm thanh lý (2016) là hơn 333.000 km; tỉnh Đồng Nai thanh lý 7 chiếc thời gian sử dụng từ 2002-2009 (thiếu 1-8 năm); tỉnh Bình Thuận thanh lý 6 chiếc có thời gian sử dụng từ 2002-2006 (thiếu 1-5 năm).

Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định, mặc dù Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg và Thông tư số 159/2015/TT-BTCchưa quy định, hướng dẫn việc chuyển đổi từ xe phục vụ công tác sang xe chuyên dùng nhưng đã có 6 bộ và 1 tỉnh chuyển đổi từ xe phục vụ công tác sang xe chuyên dùng.

Cụ thể, Bộ Tài chính chuyển 385 xe, tỉnh Bến Tre chuyển 9 xe, Ngân hàng Nhà nước chuyển 76 xe, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam chuyển 8 xe, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuyển 33 xe...Tỉnh Bến Tre và Bộ Tài chính còn thực hiển chuyển đổi trước khi Bộ Tài chính ban hành Công văn số 1041/BTC-QLCS.

Hụt hơn 13.000 tỷ tiền thuế

Về kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Bộ Tài chính xây dựng dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng  năm 2015 chưa sát dẫn đến phải ứng trước dự toán năm 2016 là 7.452 tỷ đồng. Đồng thời phải chuyển sang năm 2016 để hoàn thuế đối với các quyết định hoàn thuế năm 2015 là 5.847 tỷ đồng; tổng hợp dự toán thu ngân sách do các địa phương lập chưa bảo đảm mức phấn đấu tăng bình quân tối thiểu; thấp so với khả năng thực hiện; không đầy đủ, không bao quát hết nguồn thu.

Cùng với đó, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước… vẫn diễn ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp ngân sách tăng thêm 11.365 tỷ đồng, trong đó đơn vị có kiến nghị nộp lớn, như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV....

Đặc biệt qua đối chiếu 1.653 người nộp thuế, Kiểm toán kiến nghị các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 2.050 tỷ đồng, trong đó có doanh nghiệp nộp tăng thêm 882 tỷ đồng.

“Ông lớn” đầu tư kém hiệu quả

Một nội dung quan trọng khác được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là các khoản đầu tư tài chính của một số doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả thấp như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư vào 14 doanh nghiệp với số tiền 6.705 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận được chia năm 2015 của những khoản đầu tư trên là 211 tỷ đồng, tương ứng với tỷ suất sinh lời bình quân/vốn đầu tư là 3%.

Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đầu tư vào 3 công ty liên kết gần 123 tỷ đồng với tỷ lệ cổ tức bình quân năm 2015 là 1,34%. Ngoài ra, PTI cũng đầu tư dài hạn khác vào 7 doanh nghiệp hơn 57 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức bình quân năm 2015 là 0,48%.

Có những khoản đầu tư của các tổ chức tài chính không hiệu quả, khó thu hồi vốn, điểm hình là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Đến 31/12/2015, Agribank có 6/9 công ty con lỗ lũy kế với tổng số tiền 12.431 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro đầu tư chứng khoán kinh doanh 53,7 tỷ đồng (bằng 48,1% giá trị đầu tư).

Tại SCIC, các khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TIS), Công ty Bột giấy Phương Nam, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND), Công ty cổ phần Nhiệt điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) cũng không hiệu quả.

Có 102/198 doanh nghiệp được SCIC tiếp nhận với số vốn đầu tư 1.620 tỷ đồng không có lợi nhuận được chia trong năm 2015.

Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh đầu tư vào Công ty tài chính Cổ phần Sông Đà 80 tỷ đồng, sau khi sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội cho kết quả lỗ 26,18 tỷ đồng.

Khai khống 100 năm thu phí

Đối với kiểm toán các dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước phát hiện tình trạng nhiều đơn vị chỉ dựa trên số liệu thống kê của tư vấn khảo sát trong 2 – 3 ngày để quy ra lưu lượng phương tiện 365 ngày, hoặc căn cứ kết quả khảo sát lưu lượng phương tiện đã cũ của Tổng cục đường bộ Việt Nam.

Trong khi đó, trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, hầu hết các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư và chỉ định nhà thầu thi công mà không thực hiện đấu thầu. Việc xác định tổng mức vốn đầu tư của dự án còn sai sót, xác định tổng vốn đầu tư của dự án bao gồm cả phần thuế VAT được nhà nước hoàn lại…

Sau khi thực hiện kiểm toán 27 dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước  đã đề nghị giảm tổng cộng tới 100 năm thu phí. Giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu nhà đầu tư đưa ra.

http://vneconomy.vn/thoi-su/kiem-toan-nha-nuoc-vach-hang-loat-sai-pham-trong-2016-20170721092710279.htm

Các tin tức khác

>   Mỹ chấm dứt điều tra chống bán phá giá với sợi polyester từ Việt Nam (22/07/2017)

>   Úc chấm dứt một phần điều tra chống bán phá giá thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam (21/07/2017)

>   Thủ tướng trả lời chất vấn về Grab và Uber (21/07/2017)

>   Cả nước nhập siêu hơn 2.96 tỷ USD tính đến nửa đầu tháng 7 (21/07/2017)

>   Xử phạt Công ty Núi Pháo hơn 500 triệu đồng (21/07/2017)

>   Hà Nội thành lập Cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên (21/07/2017)

>   Samsung, Masan đã 'gánh' ngân sách tại Thái Nguyên như thế nào? (21/07/2017)

>   Theo dõi sát tình hình khi Mỹ áp dụng đạo luật nông trại (21/07/2017)

>   Rót vốn nuôi heo lúc này sẽ gánh nhiều rủi ro (21/07/2017)

>   TPHCM: Xử lý nghiêm các sai phạm trong khai thác thủy sản (21/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật