Thứ Sáu, 14/07/2017 08:52

Giảm lãi suất - Hiệu ứng lan tỏa đến đâu?

Động thái giảm hàng loạt lãi suất điều hành chủ chốt của NHNN vừa qua trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và với mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất để kích thích cho vay hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiệu ứng này có thể lan tỏa đến đâu?

* NHNN: Giảm 0.25%/năm lãi suất điều hành và 0.5%/năm lãi suất trần cho vay ngắn hạn từ 10/07

Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa quyết định giảm 0.25% lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng, tương ứng xuống các mức 6.25%, 4.25% và 7.25%. Đồng thời cơ quan này cũng quyết định giảm 0.5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Tất cả quyết định trên đều có hiệu lực từ ngày 10/7/2017.

Bối cảnh giảm lãi suất?

Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã chính thức giảm về dưới 2% kể từ cuối tháng 6 đến nay, trong bối cảnh thanh khoản của toàn ngành ổn định, thậm chí có mức độ dư thừa. Bất chấp tăng trưởng tín dụng vượt trội hơn nhiều so với tăng trưởng huy động, thì việc mặt bằng lãi suất nhìn chung ổn định trong thời gian qua là khá tích cực.

Với tín hiệu lạm phát giảm nhiệt dần và tỷ giá được kiểm soát ổn định đã góp phần giúp mặt bằng lãi suất không chịu nhiều áp lực. Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tiếp tục giảm 0.17% so tháng trước, theo sau mức giảm mạnh 0.53% vào tháng 5, giúp chỉ số giá tiêu dùng so với đầu năm chỉ mới tăng 0.2% và so cùng kỳ tăng 2.54%, còn cách khá xa so với mục tiêu 4% đề ra trong năm nay. Trong khi đó, tỷ giá tiếp tục nằm trong tầm kiểm soát chủ động của NHNN dù Fed đã tăng lãi suất lần thứ hai trong năm nay (vào giữa tháng 6 vừa qua).

Một số ý kiến cũng cho rằng, nguồn thanh khoản dồi dào ngay từ năm trước giúp hệ thống bù đắp chênh lệch giữa dòng vốn ra và dòng vốn vào trong 6 tháng đầu năm nay. Đáng chú ý, những thông tin gần đây cho thấy, một lượng vốn lớn từ kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tăng lên và chuyển dịch từ không kỳ hạn sang có kỳ hạn tại các ngân hàng, trong tình trạng vốn đầu tư công giải ngân chậm. Theo báo cáo tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tiền gửi của KBNN đến cuối tháng 5 là 143 ngàn tỷ đồng, tăng mạnh đến 50.2% so với đầu năm nay, góp phần hỗ trợ đáng kể thanh khoản toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, NHNN cũng cho biết đã tăng cường mua USD để gia tăng dự trữ ngoại hối trong thời gian qua, điều này đồng nghĩa với một lượng lớn VNĐ đã được bơm ra thị trường. Như vậy, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa như phân tích ở trên, cộng thêm các yếu tố vĩ mô như lạm phát và tỷ giá ổn định đã hỗ trợ cho quyết định giảm các mức lãi suất điều hành của NHNN. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp lan tỏa đến chính sách lãi suất huy động và cho vay trên thị trường 1 (với các tổ chức kinh tế và dân cư) của các ngân hàng.

Hiệu ứng lan tỏa đến đâu?

Khi đó, chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa nhóm ngân hàng lớn và các ngân hàng nhỏ sẽ tiếp tục được nới rộng ra, nhất là khi vừa qua NHNN cũng không “đả động” gì đến mức trần lãi suất 5.5% cho kỳ hạn dưới 6 tháng mà một số ngân hàng nhỏ đang niêm yết kịch trần. Điều này sẽ giúp lượng thanh khoản được phân bổ đều hơn, có thể chảy từ các ngân hàng lớn sang các ngân hàng nhỏ, nhất là khi nguồn thanh khoản trong hệ thống tăng lên thời gian qua là nhờ lượng tiền gửi KBNN tăng lên và vốn bơm qua kênh ngoại hối nhưng cũng chủ yếu chỉ nằm tại các ngân hàng lớn.

Với động thái trên từ NHNN thì rõ ràng những ngân hàng đang vay tái cấp vốn và tái chiết khấu sẽ được hưởng lợi nhờ chi phí vay giảm. Một số ý kiến cho rằng, khi nguồn cung vốn từ NHNN có giá rẻ hơn so với trước đây thì các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ có cơ hội đẩy mạnh cho vay với lãi suất thấp hơn, khi đó các doanh nghiệp cũng sẽ được lợi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất ít ngân hàng tiếp cận nguồn vốn vay thông qua kênh tái cấp vốn và tái chiết khấu, mà chủ yếu là khối NHTM Nhà nước và nếu có thì số dư cũng chỉ ở mức tương đối.

Cụ thể theo báo cáo tài chính năm 2016, vay NHNN theo hồ sơ tín dụng của BIDV là 9,369 tỷ đồng, của VietinBank là 4,797 tỷ, của Vietcombank gần 3,904 tỷ đồng và của Agribank là 3,550 tỷ đồng. Đáng chú ý khoản mục vay tái chiết khấu các giấy tờ có giá của BIDV đã giảm từ 28,496 tỷ đồng vào cuối năm 2015 xuống còn 0 đồng vào cuối năm 2016, tại VietinBank cũng tương tự khi không còn khoản 10,040 tỷ đồng từ cuối 2015. Việc lãi suất tái chiết khấu giảm chỉ còn 4.25% có thể kích thích các ngân hàng tăng cường vay qua kênh này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, như đã nói, không nhiều ngân hàng có thể tiếp cận vốn qua hai kênh này, do đó việc giảm lãi suất vừa qua có thể không có những tác động và hiệu ứng đồng đều lên các ngân hàng trong hệ thống. Dù vậy, có thêm một kênh tiếp cận vốn với chi phí giảm xuống cũng có thể mang đến những lợi ích nhất định, khi các NHTM Nhà nước có thể tăng cường vay vốn qua hai kênh này, từ đó giảm áp lực huy động từ khách hàng nên giúp lãi suất huy động trên thị trường 1 của nhóm ngân hàng này tiếp tục ổn định ở mức thấp như hiện nay, hoặc thậm chí có thể giảm thêm một nhịp trong thời gian tới.

Khi đó, chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa nhóm ngân hàng lớn và các ngân hàng nhỏ sẽ tiếp tục được nới rộng, nhất là khi vừa qua NHNN cũng không “đả động” gì đến mức trần lãi suất 5.5% cho kỳ hạn dưới 6 tháng mà một số ngân hàng nhỏ đang niêm yết kịch trần. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp lượng thanh khoản được phân bổ đều hơn, có thể chảy từ các ngân hàng lớn sang các ngân hàng nhỏ, nhất là khi nguồn thanh khoản trong hệ thống tăng lên thời gian qua là nhờ lượng tiền gửi KBNN tăng lên và vốn bơm qua kênh ngoại hối nhưng cũng chủ yếu chỉ nằm tại các ngân hàng lớn.

Với thanh khoản được cải thiện, đến lượt mình các ngân hàng nhỏ có thể điều chỉnh giảm lãi suất huy động trở lại, nếu như vốn đầu ra không tăng trưởng như kỳ vọng. Ngoài ra, nhóm các ngân hàng hiện đang vay vốn qua kênh vay cầm cố trái phiếu đặc biệt VAMC cũng có cơ hội được giảm chi phí vay, khi quy định hiện tại áp dụng lãi suất cho vay qua kênh này thấp hơn 2% lãi suất tái cấp vốn.

Như vậy, quyết định trên của NHNN không những được ban hành đúng thời điểm các diễn biến thị trường và nền kinh tế ủng hộ, mà còn là một tín hiệu trực tiếp định hướng cho thị trường, cũng như kỳ vọng có thể giúp lan tỏa đến mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 theo hướng ổn định hơn, trong lúc mà gần đây một số ngân hàng đang rục rịch muốn tăng lãi suất huy động trở lại. Diễn biến trong tháng 6 cho thấy khá nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, phần lớn trong đó là tăng lãi suất từ 6 tháng trở lên ngoài việc giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn còn lý do không bị vướng quy định trần lãi suất.

Tái chiết khấu là việc chiết khấu các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác đã được chiết khấu trước khi đến hạn thanh toán.

Tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của NHNN nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng. Theo đó, NHNN tái cấp vốn cho các NHTM qua các hình thức: cho vay lại theo hồ sơ tín dụng, chiết khấu, tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác, cho vay lại dưới hình thức cầm cố các giấy tờ có giá ngắn hạn.

Các tin tức khác

>   NHNN lên tiếng việc ngân hàng không được cầm giấy tờ gốc khi cho vay mua xe thế chấp (13/07/2017)

>   Đằng sau quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN (13/07/2017)

>   Hệ lụy từ "xe thế chấp ngân hàng" (13/07/2017)

>   Tỷ giá trung tâm đứng tại 22,448 đồng/USD (13/07/2017)

>   Làn gió mới cho cổ phiếu ngân hàng (13/07/2017)

>   Nghị quyết xử lý nợ xấu: Điểm tựa mới giúp đẩy “tảng băng chìm” (13/07/2017)

>   VietinBank báo lãi trước thuế nửa đầu năm vượt 4,700 tỷ đồng (12/07/2017)

>   Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1-2 tuần giảm mạnh (12/07/2017)

>   NamABank mở ra 500 cơ hội nghề nghiệp trên toàn quốc (12/07/2017)

>   Sacombank tuyển dụng 282 nhân viên bảo vệ và 47 nhân viên giám sát kho (12/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật