Thứ Năm, 13/07/2017 15:43

Đằng sau quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN

Ngày 7-7-2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành.

Lãi suất điều hành đã được điều chỉnh sau hơn bốn năm không thay đổi kể từ ngày 18-3-2014. Ảnh: NGUYỄN NAM

Điều chỉnh sau... hơn bốn năm

Cụ thể, NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,5% xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5% xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5% xuống 7,25%/năm.

Đây là đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN sau hơn bốn năm không thay đổi kể từ ngày 18-3-2014.

Bên cạnh việc giảm các mức lãi suất điều hành, NHNN cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng (VND) đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 7% xuống còn 6,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này cũng giảm từ 8% xuống còn 7,5%/năm. Tuy nhiên, do chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu tín dụng của cả nền kinh tế nên sức lan tỏa của các lĩnh vực này là không nhiều, do đó người viết sẽ không đề cập đến trong phân tích và nhận định chi tiết dưới đây.

Ba cơ sở để hạ lãi suất điều hành

Trong thông cáo báo chí chính thức được phát đi, NHNN nhấn mạnh đến ba nguyên nhân chính dẫn đến quyết định hạ lãi suất của mình.

Thứ nhất, đó là lạm phát có xu hướng tăng chậm lại khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính đến hết tháng 6-2017 chỉ tăng 0,2% so với cuối năm 2016, tăng 2,54% so với cùng kỳ của năm 2016 và bình quân tăng 4,15% trong sáu tháng đầu năm 2017.

Có thể sẽ có câu hỏi rằng tại sao CPI trong năm 2015 còn thấp hơn nhiều mức 2% hiện nay nhưng NHNN lại không hạ lãi suất? Câu trả lời chính là khả năng chịu đựng rủi ro của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tốt hơn nhiều so với thời điểm cuối 2015.

Thứ hai, thanh khoản của toàn hệ thống được đảm bảo, khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh kể từ đầu quí 2-2017. Lãi suất kỳ hạn qua đêm (overnight - ON) hiện chỉ dao động quanh mức 1,8%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 3-4%/năm vào thời điểm đầu năm 2017. Dự trữ ngoại hối tiếp tục có xu hướng tăng và đạt mức kỷ lục mới với 42 tỉ đô la Mỹ(2).

Thứ ba, thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 2-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2017. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN xây dựng phương án cụ thể để giảm lãi suất cho vay trên cơ sở phù hợp với diễn biến của lạm phát, qua đó phấn đấu đưa tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2017 đạt trên 18% thay vì dưới 18% như kế hoạch đã được đưa ra từ đầu năm.

Cung - cầu tiền trong nền kinh tế sẽ chịu tác động thế nào?

Hai nguyên nhân đầu tiên được cho là khá hợp lý khi chênh lệch giữa lạm phát và các mức lãi suất điều hành đang có xu hướng tăng. Đặc biệt, khi chỉ số CPI gần như sẽ tiếp tục giảm trong tháng 7 do giá xăng đã giảm tới hơn 5% trong vòng một tháng trở lại đây và giá thực phẩm (thịt heo và thịt gà) vẫn chưa phục hồi. Nếu vậy, đây sẽ là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số CPI giảm và CPI (tính theo năm) có khả năng sẽ tiệm cận xuống mức 2%.

Nguyên nhân thứ ba mà NHNN đưa ra được xem là chưa rõ ràng, bởi lẽ, thực tế trong những năm gần đây thì việc điều tiết cung - cầu tiền trên thị trường tiền tệ được NHNN thực hiện chủ yếu thông qua thị trường mở (Open Market Operations - OMO) và phát hành tín phiếu NHNN (SBV Notes). Nếu như OMO được xem là cách để NHNN bơm vốn ra nền kinh tế thông qua việc cho các ngân hàng vay vốn và thế chấp bằng trái phiếu chính phủ, thì tín phiếu của NHNN lại được sử dụng để hút bớt tiền ra khỏi lưu thông. Như vậy, quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN vừa qua sẽ gần như không có tác động đến hoạt động của thị trường tiền tệ và do đó sẽ không có tác dụng trong việc thúc đẩy GDP (thực) tăng trưởng trong thời gian tới; còn GDP danh nghĩa thì chưa biết sẽ như thế nào.

NHNN sẽ tiếp tục có động thái khác?

Như phân tích ở trên, nếu như NHNN chỉ dừng lại ở việc hạ các mức lãi suất điều hành thì chỉ có ý nghĩa về mặt tín hiệu hay chỉ báo. Do vậy, theo quan điểm của người viết, NHNN sẽ phải tiếp tục có các động thái khác nhằm hạ mặt bằng lãi suất cho vay ra nền kinh tế.

Để hạ lãi suất đầu ra thì NHNN buộc phải có giải pháp để hạ lãi suất đầu vào, đó là lãi suất huy động trên thị trường 1. Một trong những biện pháp hành chính có thể được triển khai là NHNN hạ trần lãi suất huy động, hiện đang được duy trì ở mức tối đa 5,5%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng. Để tránh các biện pháp hành chính như thế, NHNN còn có thể hạ lãi suất cho vay đối với các ngân hàng trên OMO, hiện đang được cố định ở mức 5%/năm.

Khi đó, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc vay vốn của NHNN trên OMO nhằm vừa tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc chạy “gap” (hay chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu chính phủ - mà kỳ hạn năm năm đang phổ biến ở quanh mức 5%/năm - và lãi suất vay vốn của NHNN), vừa có được nguồn vốn với chi phí thấp hơn so với việc huy động vốn từ thị trường 1. Phương án hạ trần lãi suất huy động trên thị trường 1 lại cũng kém khả thi vào thời điểm hiện tại khi mà hàng loạt ngân hàng đang huy động vốn với mức lãi suất thấp hơn nhiều mức 5,5%/năm. Do vậy, nhiều khả năng NHNN sẽ thực hiện việc điều chỉnh giảm lãi suất bán vốn trên OMO từ 0,25-0,5 điểm phần trăm trong thời gian tới.

Nếu NHNN hạ lãi suất cho vay trên OMO thì đó chính là tín hiệu rõ ràng cho chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong một thời kỳ nhất định.

(1) Nguồn: Thống kê của tác giả

(2) http://vneconomy.vn/tai-chinh/du-tru-ngoai-hoi-viet-nam-dat-ky-luc-moi-20170704041836675.htm

http://www.thesaigontimes.vn/162452/Dang-sau-quyet-dinh-ha-lai-suat-dieu-hanh-cua-NHNN.html

Các tin tức khác

>   Hệ lụy từ "xe thế chấp ngân hàng" (13/07/2017)

>   Tỷ giá trung tâm đứng tại 22,448 đồng/USD (13/07/2017)

>   Làn gió mới cho cổ phiếu ngân hàng (13/07/2017)

>   Nghị quyết xử lý nợ xấu: Điểm tựa mới giúp đẩy “tảng băng chìm” (13/07/2017)

>   VietinBank báo lãi trước thuế nửa đầu năm vượt 4,700 tỷ đồng (12/07/2017)

>   Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1-2 tuần giảm mạnh (12/07/2017)

>   NamABank mở ra 500 cơ hội nghề nghiệp trên toàn quốc (12/07/2017)

>   Sacombank tuyển dụng 282 nhân viên bảo vệ và 47 nhân viên giám sát kho (12/07/2017)

>   Kiểm tra việc sử dụng vốn vay nên là... quyền của TCTD (12/07/2017)

>   Ngân hàng giảm tỷ giá (12/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật