Cuộc họp của Ủy ban OPEC: Cơ hội hay thách thức?
Cuộc họp đang được trông chờ giữa các bộ trưởng dầu mỏ từ OPEC và một số nhà sản xuất bên ngoài trong ngày thứ Hai có thể là tình huống “được ăn cả ngã về không“ của giá dầu – vốn đã trượt dốc hơn 12% trong năm nay, MarketWatch đưa tin.
Eric Winograd, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại AllianceBernstein, cho biết: “Như thường lệ đối với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), những thành phần quan trọng nhất sẽ là Ả-rập Xê-út và Nga”. Ả-rập Xê-út và Nga là 2 nhà sản xuất lớn nhất thế giới và cũng là ông lớn trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.
“Bất kỳ dấu hiệu cho thấy 2 quốc gia này tỏ ra do dự trong việc tuân thủ hạn ngạch sản xuất trong thỏa thuận sẽ có tác động lớn đến thị trường”, Winograd cho hay.
Thực sự thì cuộc họp trên chỉ mang tính thủ tục đối với Ủy ban Giám sát cấp Bộ trưởng chung (JMMC) – bao gồm các thành viên của OPEC là Algeria, Kuwait và Venezuela, cũng như các nhà sản xuất ngoài OPEC như Nga và Oman.
Ông Winograd nói thêm: “Các nhà sản xuất lớn nhiều khả năng sẽ cho thấy rằng họ sẽ tiếp tục tuân thủ theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng, vì nếu họ không nói điều đó thì thỏa thuận này sẽ tan vỡ và giá dầu có thể giảm mạnh”.
Nhóm JMMC được giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng – vốn đã bắt đầu từ ngày 01/01/2017. Được biết, đây là thỏa thuận giữa 13 thành viên của OPEC và 11 nhà sản xuất bên ngoài để cắt giảm 1.8 triệu thùng/ngày với mục đích mang dự trữ dầu thô toàn cầu xuống mức bình quân 5 năm.
James Williams, Chuyên gia kinh tế năng lượng tại WTRG Economics, cho biết JMMC có trách nhiệm phân tích và đưa ra khuyến nghị chứ không phải là quyết định, và không phải tất cả các thành viên OPEC đều tham dự. Ông nói thêm: “Cuộc họp này có thể dịch chuyển thị trường. Trong đó, các thông tin bên lề của cuộc họp sẽ tác động nhiều hơn là các thông tin trong cuộc họp đó”.
Tuy nhiên, cuộc họp trên cũng diễn ra trong bối cảnh thị trường dầu đang khá bấp bênh vì chịu tác động từ đà leo dốc liên tục của sản lượng ở Mỹ và từ 2 quốc gia không tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng là Libya cũng như Nigeria. Bên cạnh đó, quyết định không tuân thủ theo thỏa thuận của Ecuador cũng làm gia tăng thêm căng thẳng cho thỏa thuận.
Các nỗ lực bất thành
Khi một vài nhà sản xuất lớn nhất trên thế giới họp mặt vào thời điểm 2 tháng trước, họ đã thực hiện một động thái nhằm nâng giá dầu: Đó là gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho đến tháng 3/2018. Được biết, lúc đầu, thỏa thuận này sẽ kéo dài đến tháng 6/2017.
1 tháng trước, Ủy ban Giám sát cho biết mức độ tuân thủ thỏa thuận của các nước thành viên đã lên mức 106% trong tháng 5/2017 – mức cao nhất từ trước đến nay.
Brian Youngberg, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Edward Jones, cho hay: “Mức tuân thủ thỏa thuận đã giảm bớt trong thời gian gần đây, nhưng chúng ta không nhất thiết phải đạt được mức tuân thủ 100% để cải thiện thị trường dầu. Có rất nhiều yếu tố được phản ánh vào giá dầu, vì vậy tôi nhận thấy có rất ít tác động từ mức độ tuân thủ thấp hơn”.
Ngay cả vậy, nỗ lực của các nhà sản xuất dầu đã không thể nhấc bổng giá dầu. Giá dầu WTI và dầu Brent đều mất hơn 12% so với mức giá đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2016, trước khi thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 01/01/2017.
Trong vài tháng gần đây, các nhà sản xuất dầu đã cho thấy sự sẵn lòng tuân thủ theo thỏa thuận. Tuy nhiên, khi giá dầu liên tục giảm thì mức độ tuân thủ cũng giảm theo và nguồn cung dầu thô toàn cầu lại tăng lên trong tháng trước.
Dự trữ dầu toàn cầu tăng thêm 720,000 thùng/ngày lên 97.46 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2017 vì sự gia tăng sản lượng từ các thành viên OPEC và những nhà sản xuất ngoài OPEC như Mỹ, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong một báo cáo đầu tháng này.
“Các nhà sản xuất dầu ở Mỹ tiếp tục tìm cách để kiếm đủ lợi nhuận ngay cả với mức giá dầu thấp hơn. Do đó, hoạt động sản xuất dầu ở nước này cứ tiếp tục gia tăng”, Rob Thummel, Giám đốc điều hành và nhà quản lý danh mục tại Tortoise, cho hay.
Tuy nhiên, nếu giá tiếp tục giảm sút và dao động dưới mốc 45 USD/thùng, thì mức tăng sản lượng từ Mỹ sẽ giảm bớt, ông nói thêm.
Cuộc chiến khó khăn
Đối với OPEC, đây vẫn là một cuộc chiến khó khăn để cân bằng cung cầu của thị trường dầu.
Và sản lượng ngày càng tăng ở Mỹ không phải là yếu tố duy nhất gây ra việc này. Sản lượng từ các thành viên của OPEC như Libya và Nigeria cũng leo dốc do họ cố gắng khôi phục lại sản lượng đã mất do tình trạng bất ổn nội bộ, qua đó phá hoại các nỗ lực tái cân bằng thị trường dầu.
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait cho biết rằng 2 quốc gia châu Phi có thể sớm được yêu cầu giới hạn sản lượng của họ. Cũng có suy đoán cho rằng Ả-rập Xê-út đang cân nhắc cắt giảm kim ngạch xuất khẩu dầu khoảng 1 triệu thùng để bù đắp cho sự gia tăng sản lượng từ Libya và Nigeria.
“Sản lượng của Libya và Nigeria sẽ được bàn luận tại cuộc họp này. Nếu mức sản lượng từ những quốc gia này có thể được duy trì thì tôi sẽ kỳ vọng Ủy ban Giám sát sẽ yêu cầu họ kìm hãm sản lượng lại”, ông Thummel cho biết. Libya được dự báo sẽ đưa ra kế hoạch sản lượng tại cuộc họp này.
Trong khi đó, một thành viên của OPEC là Ecuador lên tiếng nói rằng họ không thể tuân thủ theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng nữa.
Mặc dù đây chỉ là một nhà sản xuất nhỏ của OPEC, nhưng động thái này sẽ làm dấy lên mối quan ngại là các quốc gia khác sẽ làm điều tương tự.
Với bối cảnh trên, Michael Lynch, Chủ tịch của Strategic Energy & Economic Research, tin rằng cuộc họp ngày thứ Hai sẽ chỉ tập trung vào việc kêu gọi mọi người tiếp tục tuân thủ thỏa thuận và đưa ra luận điểm là thị trường dầu đang dần được cải thiện.
JMMC có thể hối thúc Libya và Nigeria điều chỉnh lại sản lượng của họ, nhưng nhiều khả năng là sẽ không áp đặt các con số cụ thể đối với các quốc gia này, ông Lynch cho hay.
Mặc dù kỳ vọng sẽ nghe ngóng được thông tin quan trọng từ cuộc họp này, nhưng các nhà phân tích không hy vọng sẽ có bất kỳ động thái cụ thể nào được thực hiện.
Sau khi cuộc họp chấm dứt, câu hỏi kế tiếp của các chuyên viên giao dịch dầu là OPEC sẽ làm gì trong tháng 3/2018 khi thỏa thuận này hết hạn, ông Thummel cho hay./.
|