Campuchia: Kim ngạch xuất khẩu quý 1 tăng gần 12%
Nhờ tình hình kinh tế tiến triển tại các quốc gia có thị phần lớn hàng xuất khẩu Campuchia, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu, nên xuất khẩu trong quý 1 của Campuchia tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2016, Khmer Times đưa tin.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Campuchia, tổng giá trị xuất khẩu quý 1 của Vương quốc này đạt 2.55 tỷ USD, cao hơn mức 2.28 tỷ USD đã ghi nhận hồi quý 1 năm ngoái.
Tuy nhiên, các dữ liệu cho thấy Campuchia vẫn đối mặt với tỷ lệ bất cân đối thương mại lớn và điều này thể hiện rằng quốc gia này đã nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Theo đó, tổng nhập khẩu trong quý 1 đã tăng 13.3% lên hơn 3.2 tỷ USD, qua đó đã nâng thâm hụt mậu dịch thêm 18.73%, tương đương 117 triệu USD.
Theo ông Hiroshi Suzuki, CEO kiêm chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu Kinh doanh Campuchia, mức tăng trưởng xuất khẩu trên là mức có thể chấp nhận được trong bối cảnh phục hồi kinh tế tại các thị trường xuất khẩu chính của Campuchia. Ông nói: “Rất may là tình hình của nền kinh tế Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trở nên khả quan hơn hồi năm rồi, dù rằng vẫn còn khá xa so với bối cảnh được xem là tốt nhất. Dường như nền kinh tế Campuchia “tận dụng” được bối cảnh kinh tế toàn cầu tạm ổn này”.
Ông Hiroshi Suzuki cũng cho biết, Campuchia đã tăng xuất khẩu sang một số quốc gia mới sau khi nỗ lực đa dạng hóa trong vài năm qua. Ông nói: “Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, ngoài xuất khẩu sang Mỹ và EU, các mặt hàng dệt may của Campuchia xuất khẩu sang các quốc gia khác như Nhật Bản, Canada và Trung Quốc đã gia tăng trong năm 2016.
Ông Hiroshi Suzuki cho rằng, để thúc đẩy xuất khẩu, việc đa dạng hóa nền tảng kinh tế là hết sức cần thiết và để đạt được điều này cần thu hút các ngành công nghiệp giá trị gia tăng nhiều hơn nữa, chẳng hạn như ngành sản xuất linh kiện Nhật Bản. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa này cũng cần được hỗ trợ từ những cải thiện về môi trường đầu tư, năng suất lao động tốt hơn và đầu tư tích cực hơn vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là lĩnh vực điện và hậu cần.
Đề cập đến tình trạng bất cân đối thương mại của Campuchia, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu Mekong Strategic Partners, David Marshall, cho rằng thâm hụt thương mại gia tăng phản ánh xu hướng tiêu dùng nội địa ngày càng nhiều đồng thời cũng thể hiện sự tiến triển trong lĩnh vực sản xuất của quốc gia này, qua đó cần nhập khẩu nguyên vật liệu nhiều hơn để phục vụ nhu cầu sản xuất.
Theo ông Suzuki, việc các quốc gia đang phát triển chứng kiến thâm hụt mậu dịch là điều đương nhiên. Ông cho rằng, Nhật Bản thậm chí cũng đã từng phải đối mặt với thâm hụt mậu dịch rất lớn trong giai đoạn từ năm 1950 đến 1960.
Ông nói: “Đối với Campuchia, rất may là sự thâm hụt ấy đã và đang được bù đắp rất ổn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn thu từ lĩnh vực du lịch cũng như vốn hỗ trợ phát triển chính thức”.
Về xu hướng tăng trưởng kinh tế của Campuchia trong năm nay, theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng như của Chính phủ Campuchia, Vương quốc này có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 7% và tỷ lệ lạm phát sẽ thấp hơn 5%./.
|