Việc sử dụng USD tiếp tục tác động đến kinh tế Campuchia
Phát biểu tại hội nghị doanh nghiệp Campuchia diễn ra gần đây, Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC), bà Chea Serey cho rằng tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế Campuchia vẫn ở mức rất cao, qua đó khiến chi phí trong nước trở nên đắt đỏ và làm giảm sức hấp dẫn đối với các mặt xuất khẩu của Vương quốc này, Phnom Penh Post đưa tin.
Theo bà Serey, đa số các giao dịch tại Campuchia, từ 82% đến 84%, vẫn được thực hiện bằng đồng USD. Bà Serey lý giải rằng, việc sử dụng USD đã khiến việc thực hiện giao dịch bằng đồng nội tệ trở nên đắt đỏ hơn, tác động đáng kể đến những người sử dụng đồng riel.
Bà nói: “Việc sử dụng đô la không chỉ khiến chi phí giao dịch trở nên đắt đỏ hơn đối với những người sử dụng đồng riel mà còn khiến chi phí giao dịch đối với các thương nhân cũng cao hơn vì họ phải duy trì 2 loại hạch toán khác nhau – theo đồng riel và đồng đô la”.
Theo bà Serey, tỷ lệ đô la hóa cao tiếp tục gây tác động tiêu cực đến các lĩnh vực kinh tế then chốt của Campuchia, đặc biệt là xuất khẩu và du lịch. Khi giá trị đồng USD tăng, việc xuất khẩu hàng hóa từ Campuchia trở nên đắt đỏ hơn so với các sản phẩm xuất khẩu tương tự của các nước có xu hướng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu khác.
Bà lý giải thêm: “Tình huống đang diễn ra hiện nay đó là đồng USD rất cao và nhiều quốc gia đang đánh cược với điều này bởi vì khi đồng USD cao hơn thì đồng nội tệ của một quốc gia khác sẽ rẻ hơn. Vì thế, họ có thể thu hút được nhiều khách du lịch hơn và có thể xuất khẩu nhiều sản phẩm hơn”.
Tuy nhiên, theo bà Serey, điều đó lại không xảy ra đối với Campuchia bởi vì việc sử dụng tràn ngập USD trong nước có nghĩa rằng khi đồng tiền này tăng thì những sản phẩm được sản xuất tại quốc gia này cũng trở nên mắc hơn.
Bên cạnh đó, đô la hóa đã hạn chế đáng kể hiệu quả của các chính sách tài chính của NBC, khiến quốc gia này có ít công cụ để đối phó với những cú sốc kinh tế từ bên ngoài./.
|