Áp lực tăng lãi suất huy động sẽ nhanh chóng quay lại?
Áp lực tăng lãi suất huy động đã được giảm nhẹ trong quý 2/2017. Tuy nhiên, nếu NHNN không có động thái hỗ trợ theo kỳ vọng, cùng với thực trạng tín dụng càng được đẩy mạnh vào nửa cuối năm, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ nhanh chóng quay lại.
Đây là nhận định của CTCK VCBS trong báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm 2017 mới công bố vừa qua.
Trong nửa đầu năm 2017, mặt bằng lãi suất tăng nhẹ 0.1-0.5% so với cuối năm 2016. Một số điểm đang chú ý của huy động trong 6 tháng đầu năm là huy động tăng mạnh ở các kỳ hạn dài; nhu cầu huy động tăng cục bộ, tập trung các NHTM nhỏ tạo xu hướng cạnh tranh lãi suất trong khi lãi suất huy động của nhóm 4 ngân hàng lớn hầu như không đổi. Các diễn biến này có thể được lý giải bởi sự phân hóa thanh khoản giữa các nhóm NHTM và sự chủ động cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn phù hợp quy định của Thông tư 06/2016 của NHNN. Theo đó, dù thanh khoản của hệ thống vẫn ở mức an toàn nhờ lượng tiền gửi của KBNN tăng mạnh, tác động của các động thái này chỉ chủ yếu lan tỏa ở nhóm ngân hàng lớn. Ngược lại, các ngân hàng nhỏ vẫn chịu sức ép thanh khoản từ quy định của Thông tư 06, và do đó đẩy huy động trung dài hạn bằng phát hành chứng chỉ tiền gửi hoặc tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn dài.
Kể từ cuối tháng 5, Chỉ thị 24/CT-TTg được ban hành, có đề cập việc xem xét xem xét mở rộng hạn mức tín dụng cho vay trung dài hạn, thị trường kỳ vọng về việc nới lỏng các quy định áp dụng của Thông tư 06. Do đó, lãi suất huy động sau thời gian này bắt đầu hạ nhiệt và ghi nhận giảm nhẹ tại một số ngân hàng. Tính đến cuối tháng 6, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng phổ biến trong khoảng 4.3%-5.5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng trong khoảng 5.3%-7%/năm, từ 12 tháng trở lên trong khoảng 6.5%-8%/năm.
Trái với lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất cho vay khá ổn định, ngoại trừ 1 số điều chỉnh nhẹ đối với các lĩnh vực ưu tiên sau động thái cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ ngày 10/07/2017. Lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-7%/năm đối với ngắn hạn và 9%-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6.8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9.3%-10.5%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ từ 5%-6%/năm.
Theo VCBS, áp lực tăng lãi suất huy động đã được giảm nhẹ trong quý 2/2017. Tuy nhiên, nếu NHNN không có động thái hỗ trợ theo kỳ vọng, cùng với thực trạng tín dụng càng được đẩy mạnh vào nửa cuối năm, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ nhanh chóng quay lại. Và điều này nếu xảy ra sẽ rủi ro cho các ngân hàng khi lãi suất cho vay khó tăng, đặc biệt sau động thái cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN, ảnh hưởng tiêu cực đến NIM các ngân hàng và thanh khoản thị trường liên ngân hàng có thể đảo chiều, gây bất lợi đối với các khoản đầu tư trái phiếu kỳ hạn dài diễn ra sôi động trong nửa đầu năm.
VCBS đánh giá NHNN còn dư địa để hỗ trợ mặt bằng lãi suất thấp, trong đó có thể cân nhắc đến các phương án như nới lỏng quy định Thông tư 06 hoặc đẩy mạnh mua ngoại tệ, ..… Theo đó, VCBS dự báo mặt bằng lãi suất có thể duy trì ổn định, ít nhất trong quý 3/2017./.
|