Xuất khẩu thép đối mặt với phòng vệ thương mại gắt gao
Xuất khẩu ngành thép cả nước năm 2017 được kỳ vọng sẽ cán mốc 3 tỉ đô la Mỹ và sản phẩm này sẽ được xuất sang nhiều thị trường mới. Bên cạnh thuận lợi, các nhà sản xuất và xuất khẩu thép cũng đang đối mặt với nhiều rào cản, các vụ kiện, các biện pháp phòng vệ thương mại gắt gao hơn từ các thị trường lớn.
Trao đổi với TBKTSG Online chiều 12-6 bên lề một tọa đàm về ngành thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong 5 tháng đầu năm nay, ngành thép cả nước xuất khẩu được gần 1,4 triệu tấn thép các loại, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Với đà tăng trưởng này dự kiến cả năm nay toàn ngành xuất khẩu đạt khoảng 4 triệu tấn thép các loại với kim ngạch đạt khoảng 3 tỉ đô la Mỹ”, ông Sưa dự báo cho cả năm 2017 và cho biết thêm toàn ngành thép năm ngoái rất nỗ lực cũng chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỉ đô la Mỹ.
Ngoài thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, ngành thép Việt Nam còn bắt đầu bán sản phẩm sang các thị trường xa hơn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)... Chẳng hạn cuối tháng 5 vừa qua một doanh nghiệp thép lớn phía Nam đã xuất một lô 12.000 tấn trị giá khoảng 9 triệu đô la Mỹ đi EU.
Xuất khẩu khả quan nhưng tình hình tiêu thụ thép trong nước trong 5 tháng đầu năm nay lại không cao như kỳ vọng của các nhà sản xuất. Trong thời gian này toàn ngành thép sản xuất gần 7,9 triệu tấn thép các loại, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng mức tiêu thụ lại đang có dấu hiệu chững lại với mức tăng chỉ 7,2% so cùng kỳ do tình hình xây dựng trong những tháng đầu năm vẫn chưa khởi sắc, ông Sưa cho biết.
Hiện tổng công suất toàn ngành thép cả nước đạt khoảng 27 triệu tấn thép các loại.
Bên cạnh việc tiêu thụ thép không tăng cao như mong đợi tại thị trường trong nước, ngành thép đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ nhiều nước như Úc, Mỹ, Thái Lan, Malaysia… Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu thép của Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Để hạn chế thiệt hại, vị đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp thép trong nước cần nghiên cứu các thị trường xuất khẩu kỹ lưỡng và cần phải phân tán thị trường xuất khẩu, không nên tập trung quá nhiều vào một thị trường nào đó để tránh tạo sự gia tăng đột biến.
“Áp lực từ các vụ kiện cho các nhà xuất khẩu sẽ rất lớn”, ông Sưa nhận định.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương mới đây, Úc đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép dây dạng cuộn (rod in coil) từ Việt Nam với biên độ bán phá giá thep cáo buộc của nguyên đơn đối với sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam là 30,6%.
Theo thông tin được đăng tải trên trang web của Bộ Công Thương Việt Nam, giai đoạn điều tra bán phá giá được thực hiện từ 1-4-2016 đến 31-3-2017 và giai đoạn điều tra thiệt hại từ 1-1-2013 đến nay.
Trước đó, sản phẩm đinh thép của Việt Nam đã bị Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp và sau đó đã ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm đinh thép bị điều tra từ Việt Nam…
Về triển vọng chung toàn ngành thép Việt Nam, VSA cũng từng nhận định dự kiến năm 2017 toàn ngành thép có thể đạt mức tiêu thụ khoảng 17 triệu tấn cho cả bốn loại thép chính là thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép ống hàn, tôn mạ và tôn sơn phủ màu, tăng 2 triệu tấn so với năm 2016. Trong đó, riêng thép xây dựng cả năm tiêu thụ khoảng 8,2 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với năm 2016.
VSA kỳ vọng thị trường tiêu thụ trong nước tiếp tục ổn định trong năm nay, xu hướng giá thép năm nay vẫn duy trì ở mức cao hơn năm 2016 do giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới đang tăng, tăng trưởng chung toàn ngành thép năm 2017 này dự báo đạt 12-15% so với năm 2016.
Trong năm 2016 vừa qua, với mức tăng trưởng toàn ngành thép mức 12% so với năm 2015 thì nhiều doanh nghiệp thép đã bắt đầu có lãi.
Cũng nhờ giá thép thế giới phục hồi mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến một năm bùng nổ của các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2016. Tính trung bình, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành đã tăng trưởng từ 14% đến gần 82% giúp giá cổ phiếu chung của ngành tăng trưởng đến 91%.
http://www.thesaigontimes.vn/161294/Xuat-khau-thep-doi-mat-voi-phong-ve-thuong-mai-gat-gao.html
|