Gỡ vướng để du lịch bật lên
Du lịch Việt Nam đến nay vẫn chưa giải quyết đầy đủ 4 vấn đề: Ở đâu? Ăn gì? Chơi cái gì? Mua cái gì đem về?
Đó là trăn trở của TS Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, tại Diễn đàn Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 10-6 tại Quảng Nam.
Chiến lược chạy theo sản lượng khách
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho hay khu vực miền Trung - Tây Nguyên có nhiều lợi thế từ tự nhiên, văn hóa, lịch sử, con người nhưng muốn phát triển du lịch đẳng cấp thì phải biết phát huy các lợi thế đó. Hiện nay, chúng ta đang khai thác lợi thế tự nhiên một cách... tự nhiên, chưa thoát khỏi chiến lược du lịch hướng tới sản lượng khách. Các địa phương cần mời gọi các nhà đầu tư lớn để họ dẫn dắt, tạo chân dung du lịch của địa phương vươn lên đẳng cấp.
Du khách tham quan Di sản thế giới Mỹ Sơn ở tỉnh Quảng Nam
|
Theo ông, du lịch được chọn là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chính sách đang phân biệt đối xử, như thuê đất làm công nghiệp được miễn thuế 15 năm nhưng du lịch phải nộp, giá điện ở các khách sạn phải trả cao hơn… Trong khi đó, khó khăn nhất ở miền Trung là nguồn nhân lực chưa được đào tạo chuyên nghiệp. "Về quản lý nhà nước, làm sao để không có đất cho những đối tượng làm ăn gian dối, tiếp tay cho các doanh nghiệp nước ngoài làm bậy. Những loại này tồn tại thì du lịch không phát triển được" - ông Lịch chỉ rõ.
Tháo gỡ chứ không quản chặt
TS Vũ Đình Ánh, Viện Kinh tế Tài chính, cho rằng tài chính cho phát triển du lịch và có liên quan đến du lịch rất lớn, vượt khỏi tầm mà chúng ta có thể chủ động để sắp xếp. Chia sẻ với một số ý kiến trông chờ vào ngân sách và câu chuyện chi ngân sách rất dàn trải, ông Ánh nêu thực tế: "Ngân sách hiện nay eo hẹp nhưng chi không biết bao nhiêu thứ, tỉnh nào cũng quan trọng, lĩnh vực nào cũng quan trọng. Vậy lấy đâu ra nguồn lực? Không còn con đường nào khác là trông cậy vào nguồn ngân sách ngoài nhà nước, đó là nguồn lực kinh tế tư nhân. Nguồn lực thứ hai không nhỏ để phát triển du lịch đẳng cấp, thương hiệu là nguồn lực từ bên ngoài vào".
Nguồn lực ngân sách hạn hẹp nên dùng vào việc quan trọng nhất là vấn đề quy hoạch. Quan điểm phát triển du lịch tập trung vào câu chuyện đẳng cấp, vào thương hiệu nhưng không có nghĩa chúng ta bỏ qua phân khúc bình dân. Ông cho rằng du lịch cộng đồng, việc phát triển du lịch đa tầng, đa cấp là hướng chúng ta nên lựa chọn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng xây dựng du lịch đẳng cấp nghe rất cao sang nhưng thực ra là nét độc đáo riêng của mình. Du khách đến Việt Nam không phải để ở các khách sạn 5-6 sao, họ sang để tìm thứ mà họ không tìm được ở các nơi khác. Ngoài điều kiện tự nhiên, miền Trung - Tây Nguyên có rất nhiều nét văn hóa độc đáo, cần cùng nhau tìm nét độc đáo, kết nối để bổ trợ cho nhau.
Phó Thủ tướng nhìn nhận không ai làm du lịch tốt bằng cộng đồng. "Hiện nay, đừng nghĩ đến chuyện nhà nước thu thuế từ du lịch mà phải nghĩ người dân làm du lịch đầu tiên là cải thiện đời sống. Vì vậy, chúng ta cần tháo bỏ tất cả vướng mắc đang làm hạn chế du lịch cộng đồng, tinh thần quản lý nhà nước phải tháo gỡ chứ không phải quản chặt" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Tránh đi theo vết xe đổ
Là người nghiên cứu về tài chính, TS Vũ Đình Ánh lưu ý hết sức tránh vết xe đổ của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. "Nếu chúng ta quyết đưa quỹ phát triển du lịch vào Luật Du lịch và muốn triển khai thực tế thì phải xác định rõ vai trò quỹ này là gì. Hiện nay, chúng ta có khoảng 70 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhưng đa phần hoạt động không hiệu quả, nó không ra một hình thức nào cả" - TS Ánh nhận định.
|
http://nld.com.vn/kinh-te/go-vuong-de-du-lich-bat-len-2017061023083089.htm
|