TPHCM muốn cơ chế tự chủ trên nhiều lĩnh vực
UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho thành phố được thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố để phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế xã hội của một đô thị đặc biệt. Ngoài ra, UBND thành phố còn kiến nghị được cơ chế tự chủ trên nhiều lĩnh vực.
Báo cáo tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ sáng nay (10-6) tại TPHCM về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến cũng nêu kiến nghị Chính phủ phân cấp cho HĐND thành phố được quyết định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố bởi hiện nay, về mặt pháp lý chưa chính thức phân cấp cho HĐND thành phố được quyết định.
Để phát huy hiệu quả hoạt động của các đơn vị tại thành phố, UBND thành phố nêu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin truyền thông và báo chí.
Thành phố cũng muốn được quyết định tỷ lệ trích nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố, đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương khi Chính phủ tăng lương theo lộ trình.
Theo báo cáo của UBND thành phố, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập tại thành phố tính đến năm 2016 là 1.871 đơn vị với số lượng nhân sự khoảng 119.000 người. Số lượng đơn vị công lập này tăng so với 1.765 đơn vị vào năm 2011.
Trong đó, số đơn vị tự chủ hoàn toàn là 172 đơn vị, 1.516 đơn vị tự chủ một phần và đơn vị do ngân sách nhà nước chi là 183 đơn vị. Ngoài ra còn có các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập gồm hệ thống các bệnh viện, phòng khám, trường học, trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm, công chứng, thừa phát lại, đấu giá, trọng tài thương mại…
Ông Tuyến cho biết thêm sau 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ công như giáo dục, y tế, giao thông đô thị, thành phố đã huy động được nguồn vốn cho đầu tư phát triển tăng trưởng khá, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế thành phố.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND thành phố cũng nhận xét một số hạn chế của cơ chế quản lý và tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn như cơ chế quản lý và phương thức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đổi mới đồng bộ, tư duy ở một số cán bộ, viên chức trong ngành còn chậm đổi mới, còn trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước …
Về tinh giản biên chế, thành phố đã có kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021), trong đó xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10%. Tuy nhiên, kết quả tinh giản biên chế đến nay đạt tỷ lệ còn thấp.
http://www.thesaigontimes.vn/161249/TPHCM-muon-co-che-tu-chu-tren-nhieu-linh-vuc.html
|