WB: Tăng trưởng GDP thời Donald Trump sẽ thấp hơn thời Barack Obama
Các bạn có còn nhớ thời điểm Donald Trump chỉ trích người tiền nhiệm Barack Obama (và thường là) về sự hồi phục kinh tế yếu như thế nào trong suốt thời ông Obama làm Tổng thống không? Đó là mức tăng trưởng yếu nhất thời kỳ hậu suy thoái, ông Trump nhắc lại. Và ông ấy đã đúng về chuyện đó. Nếu dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) – được công bố trong tuần này – về tăng trưởng GDP toàn cầu là đúng thì ông Trump sẽ ao ước có được những con số của ông Obama, Forbes cho hay.
Tiêu đề phụ trong báo cáo của WB nói lên tất cả: “Một sự hồi phục mong manh”. Đó là những gì chúng ta kế thừa từ vụ vỡ bong bóng thị trường nhà đất và chứng khoán phái sinh của giai đoạn 2008 – 2009, và sự dễ vỡ là một yếu tố cơ bản của “giai đoạn bình thường mới” trong sự tăng trưởng thấp và chậm, được hỗ trợ bởi các chi phí tín dụng gần như bằng 0.
Tính theo tăng trưởng thực (có trừ đi lạm phát), nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 2.1% trong năm 2017. Con số đó là tốt hơn so với năm 2016, năm tại vị cuối cùng của cựu Tổng thống Obama. Tuy nhiên, khi nhìn lại giai đoạn 2014-2015 và 2018-2019 thì bạn thấy rằng 2 năm cuối của ông Obama sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt hơn so với 2 năm lãnh đạo đầu tiên của ông Trump, các chuyên gia kinh tế của WB viết.
Trong năm 2014 và 2015, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng lần lượt là 2.4% và 2.6%. Trong năm 2018 và 2019, WB đang dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng 2.2% và 1.9%, nghĩa là kinh tế dưới thời ông Trump tăng trưởng chậm hơn thời ông Obama.
WB cho rằng tổng GDP trên thế giới sẽ tăng trưởng tương đối yếu với 2.7%, chỉ đủ giúp làm tăng số lượng tầng lớp trung lưu ở phần lớn các quốc gia đang phát triển, chứ khó mà xảy ra ở các nền kinh tế đang giữ vai trò quan trọng.
Ngoài ra, mặc dù báo cáo của WB chỉ ra rằng châu Âu và châu Á sẽ là động lực tăng trưởng trong 2 năm tới, nhưng thật sự thì chỉ có một nhóm quốc gia nhỏ ở châu Á mới có thể làm điều đó, vì châu Âu hiện đang rơi vào tình trạng bất ổn, và chỉ cần khu vực này ổn định thôi là đã đủ tốt rồi.
Khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (eurozone) được dự báo sẽ tăng trưởng 1.7% trong năm nay, và giảm trong năm 2018 khi GDP Mỹ tăng trưởng. Eurozone sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 1.5% trong năm 2018 và 2019 nếu tất cả mọi chuyện đều diễn ra theo kịch bản cơ sở là: hòa hợp chính trị, không có khủng hoảng ngành ngân hàng và tranh chấp thương mại. Tin tốt lành ở châu Âu là châu lục này không còn bị suy thoái nữa, mọi thứ đều khá rẻ. Tiền đang lưu thông tự do. Châu lục này không đang tăng trưởng nhiều hơn Mỹ, nhưng sự thật là thương mại thế giới đang được hỗ trợ nhờ sự tăng trưởng của nó.
Trong khi đó, châu Á đang được dẫn dắt bởi Trung Quốc và một thị trường mới nổi ưa thích của Phố Wall – Ấn Độ. Trung Quốc được cho là sẽ tăng trưởng chậm lại, từ 6.5% xuống còn 6.3%, cho đến năm 2019. Và Ấn Độ sẽ tăng từ 7.2% lên 7.7% trong cùng giai đoạn. Những nền kinh tế có thể đầu tư dễ dàng khác như Indonesia và Thái Lan cũng sẽ tăng trưởng, với Indonesia được dự báo là tăng từ 5.2% lên 5.4% và Thái Lan tăng từ 3.2% lên 3.4% từ đây cho đến năm 2019.
WB nói gì về nước Mỹ dưới thời Donald Trump?
Cắt giảm thuế doanh nghiệp, bảo hiểm y tế với giá phải chăng, và chi tiêu mạnh cho cơ sở hạ tầng là một phần trong câu chuyện tăng trưởng của ông Trump. Tới thời điểm này, vẫn không có câu chuyện nào trong số trên xảy ra. Cắt giảm thuế doanh nghiệp thì không có khả năng xảy ra cho tới tận năm 2018 khi sắp có cuộc bỏ phiếu về Quốc hội Mỹ vì thế nhà đầu tư nên mong đợi một cuộc chiến, dù Đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện.
Khi ông Trump nhậm chức hồi tháng 1/2017, hoạt động kinh tế của Mỹ tạm thời bị “níu chân” do người tiêu dùng giảm chi tiêu, phần lớn là vì những yếu tố như năng lượng. Cụ thể, không phải vì người Mỹ không đang tiêu tiền và đầu tư mà là vì mùa đông ấm áp hơn nên người tiêu dùng ít phải tốn tiền hơn cho nhiên liệu sưởi ấm.
Chi tiêu vốn trong lĩnh vực năng lượng đã cho thấy các dấu hiệu chạm đáy sau hai năm giảm chi tiêu mạnh vì giá dầu thấp. Tuy nhiên, trong cái rủi lại có cái may vì các công ty đã biết cách tăng sản lượng trong lĩnh vực dầu đá phiến với mức chi phí thấp hơn, nghĩa là họ không còn cần giá dầu cao hơn để hòa vốn.
Các điều kiện của thị trường lao động tiếp tục cải thiện trong năm 2017, nhưng tiền lương và tăng trưởng năng suất vẫn ì ạch trong quý đầu tiên của ông Trump, giống như thời ông Obama. Năng suất đình trệ phần lớn là do thiếu công ty mới gia nhập vào thị trường, trong đó có sự sụt giảm trong tỷ lệ startup ở những ngành sáng tạo chủ chốt, các chuyên gia kinh tế của WB cho biết.
Theo những bình luận gần đây của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Janet Yellen, sự uể oải trong nền kinh tế vẫn còn, như được phản ánh ở tình trạng thiếu việc làm và công suất không sử dụng hết tại các nhà máy sản xuất. Tính trung bình, các mức đó vẫn còn cao hơn những gì được thấy ở các mức đỉnh mang tính chu kỳ trước đây. Bà cũng lưu ý rằng sự trì trệ đang giảm xuống, và tỷ lệ thất nghiệp hiện gần với mức cân bằng dài hạn. Sau đợt nâng lãi suất hồi tháng 3/2017 của Fed, tổ chức này được kỳ vọng sẽ tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ - nhưng với một tốc độ dần dần hơn so với 3 chu kỳ thắt chặt chính sách vừa qua.
Các kế hoạch cắt giảm thuế và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của ông Trump có thể dẫn tới tăng trưởng cao hơn mong đợi, nhưng cũng khiến cho lãi suất tăng nhanh hơn. Nhu cầu vay nhiều hơn cũng sẽ dẫn tới lãi suất cao hơn. Nếu những thay đổi quan trọng trong các chính sách thương mại của ông Trump nổi lên, như rút khỏi Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), sẽ gây ra những biện pháp trả đũa từ Mexico và Canada, làm phá hủy chuỗi cung cấp Bắc Mỹ và tạo ra những hỗn loạn kinh tế khi các công ty cố gắng tìm ra những mặt tích cực và mặt tiêu cực trong thỏa thuận mới. Phố Wall cũng sẽ vất vả định giá lại nhiều công ty bị “kẹt” trong cuộc chiến đàm phán lại NAFTA./.
|