Thứ Hai, 12/06/2017 09:28

Bầu cử Anh: Sự sụp đổ của kỷ nguyên thắt lưng buộc bụng?

Người dân Anh đang rất bực tức với chính sách thắt lưng buộc bụng của Chính phủ Anh, CNNMoney cho hay.

Mặc dù không Đảng nào chiếm được ưu thế rõ ràng sau cuộc bầu cử Anh ngày 08/06, nhưng dường như các cử tri đang báo hiệu rằng họ đã quá mệt mỏi vì các đợt cắt giảm ngân sách sau 7 năm thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng.

Chính sự tức giận về chính sách thắt lưng buộc bụng đã thúc đẩy Công Đảng, dưới sự dẫn dắt của Jeremy Corbyn, có được số phiếu bầu cao nhất kể từ năm 2001.

* Bầu cử Anh: Không Đảng nào chiếm ưu thế trong Quốc hội

Ông Corbyn đã hứa áp đặt thuế suất cao hơn và chi tiêu nhiều hơn. Cử tri Anh đã bỏ phiếu cho Công Đảng đến 40% tổng số phiếu, chỉ thấp hơn 2.4% so với Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May.

Đây quả là một sự xoay chuyển tình thế đáng kinh ngạc. Vào thời điểm 2 tháng trước, Công Đảng đã bị Đảng Bảo thủ bỏ xa đến 20% trong các cuộc thăm dò ý kiến, nhưng giờ đây chỉ là 2.4%.

Giới phân tích cho rằng ông Corbyn đã tận dụng sự giận dữ của người dân về các đợt cắt giảm ngân sách.

“Công chúng bắt đầu chú ý đến tác động của chính sách thắt lưng buộc bụng lên các dịch vụ công chủ yếu như y tế và giáo dục”, Tim Bale, Giáo sư về chính trị tại Đại học Queen Mary ở Luân Đôn, cho biết.

Ông nói thêm, trong vài năm đầu thực hiện, chính sách thắt lưng buộc bụng có thể có hiệu quả, nhưng vài năm trở lại đây thì không.

Ông Corbyn cho biết kết quả của cuộc bầu cử đã minh chứng cho một điều là người dân đã chịu quá đủ quan điểm thắt lưng buộc bụng.

Các đợt cắt giảm ngân sách nặng nề

Anh đã phải trải qua nhiều năm sống khắc khổ vì chính sách thắt lưng buộc bụng.

Chính phủ Đảng Bảo thủ đã thúc đẩy các đợt cắt giảm mạnh đối với các chương trình phúc lợi và “đóng băng” tiền lương của khu vực công nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Cụ thể hơn, chi tiêu ngân sách sụt từ mức 45% GDP trong năm 2010 xuống chỉ còn 39% trong năm nay.

Các nhà phê bình cho rằng các đợt cắt giảm có tác động rất lớn đến các dịch vụ công chính như giáo dục và y tế.

Trước đó trong năm 2017, Hội Chữ Thập đỏ ở Anh cho biết rằng hệ thống sức khỏe nước này đang phải đối mặt với một cuộc “khủng hoảng nhân sinh” chỉ vì những đợt cắt giảm và nhu cầu cao đối với các dịch vụ y tế.

Và Viện Nghiên cứu Tài khóa (IFS) cảnh báo rằng số lượng trẻ em sống trong nghèo đói ở Anh sẽ tăng vọt lên khoảng 30% trong vòng 5 năm tới vì các lần cắt giảm phúc lợi từ Chính phủ.

“Ông Corbyn đã đem lại hy vọng cho người dân”, Ayesha Hazarika, nhà bình luận chính trị và cố vấn của Công Đảng, cho biết. “Người ta đã quá mệt mỏi với 7 năm thực hiện thắt lưng buộc bụng liên tiếp, họ muốn cho ông ấy một cơ hội”.

Sự chia rẽ giữa các thế hệ

Các chuyên gia phân tích cho rằng ông Corbyn cũng đã tận dụng các cử tri trẻ tuổi, nhiều trong số đó đang phải chịu đựng các khoản vay sinh viên đắt đỏ.

Simon Hix, Giáo sư khoa học chính trị tại Trường Kinh tế Luân Đôn, nhận định: “Chúng ta đã chứng kiến sự tái phân phối tài sản nghiêng về các thế hệ lớn tuổi hơn – bằng cách tăng chi phí giáo duc và chi phí nhà ở – do đó làm dấy lên mâu thuẫn giữa các thế hệ”.

Hiệp hội Sinh viên Quốc gia Anh cho biết 750,000 người còn quá trẻ để đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU hồi năm 2016, và họ cũng tham gia vào cuộc bỏ phiếu ngày 08/06.

Nỗi đau vẫn còn ở phía trước

Nếu Thủ tướng Theresa May có khả năng thành lập Chính phủ mới thì bà có thể cẩn trọng trước những lời cảnh báo về chính sách thắt lưng buộc bụng. Capital Economics nhận định các dự đoán ngân sách hiện tại có thể đem lại cho Chính phủ khả năng hạ bớt quy mô của các đợt cắt giảm ngân sách.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những con đau về kinh tế ở phía trước.

Cụ thể, dữ liệu công bố trong ngày thứ Năm cho thấy nền kinh tế Anh tăng trưởng chậm nhất trong 28 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) trong quý 1/2017.

* Kinh tế Anh tăng trưởng yếu nhất châu Âu trong quý 1

Đồng bảng Anh sụt 15% so với đồng USD kể từ ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6/2016. Đà lao dốc đó có nghĩa là các nhà nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, như thực phẩm và thiết bị điện tử, phải chịu mức giá cao hơn rất nhiều.

Anh cũng đang phải vật lộn với mức tăng trưởng tiền lương thấp. Trong thời gian gần đây, tiền lương bắt đầu giảm sút khi xét tới yếu tố lạm phát.

Mặc dù đa số chuyên gia kinh tế đều kỳ vọng việc tiêu chuẩn sống giảm xuống chỉ là hiện tượng tạm thời và nền kinh tế sẽ phục hồi khi có các điều khoản rõ ràng về mối quan hệ giữa Anh với châu Âu, nhưng những người Anh có thể chịu nhiều tác động nặng nề hơn trong vài tháng tới (một phần là vì Brexit)./.

Các tin tức khác

>   Ukraine sẽ kháng cáo phán quyết liên quan khoản nợ 3 tỷ USD với Nga (11/06/2017)

>   Amazon “bốc hơi” 8.6 tỷ USD, Jeff Benzos rơi xuống hạng 3 (10/06/2017)

>   Vàng thế giới chứng kiến tuần sụt giảm đầu tiên trong hơn 1 tháng (10/06/2017)

>   Dầu chứng kiến 3 tuần lao dốc liên tiếp (10/06/2017)

>   Theresa May sẽ không từ chức dù không chiếm đa số ghế trong Quốc hội Anh (09/06/2017)

>   ECB ngừng xem xét cắt giảm lãi suất trong tương lai (09/06/2017)

>   Bầu cử Anh: Không Đảng nào chiếm ưu thế trong Quốc hội (09/06/2017)

>   Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nới lỏng các quy định lĩnh vực ngân hàng (09/06/2017)

>   Đồng bảng Anh giảm mạnh trước sự khó lường về kết quả bầu cử Anh (09/06/2017)

>   Vàng thế giới giảm mạnh xuống đáy 1 tuần sau quyết định của ECB (09/06/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật