Vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 về phát triển kinh tế tư nhân ban hành ngày 3-6-2017 thêm lần nữa khẳng định vai trò động lực quan trọng của thành phần kinh tế này trong phát triển đất nước. Những câu chữ đã trở nên quen thuộc với chúng ta, nhiều đúc kết đã được nhắc đi nhắc lại, những yêu cầu hoàn chỉnh về chính sách lẫn hệ thống pháp luật nhà nước, cũng như những yếu kém cần được khắc phục của chính doanh nghiệp thuộc thành phần này cũng đã được nghị quyết đề cập đến.
Trong kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm một tỷ trọng tuyệt đối, hơn 90% tổng số doanh nghiệp. Mặc dù được sự hỗ trợ của nhiều chính sách nhưng DNNVV vẫn triền miên không phát triển được về quy mô do bị hạn chế tiếp cận các nguồn tài nguyên đất đai, nhân lực và khó khăn hơn cả là việc tiếp cận nguồn vốn nhà nước lẫn nguồn vốn xã hội.
Ở các nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc hay Đài Loan, DNNVV vẫn được khẳng định là có vai trò chiến lược đối với sự phát triển toàn diện của đất nước. Do đó, họ có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính cho DNNVV thông qua thuế và hệ thống bảo lãnh tín dụng, hay các doanh nghiệp này có thể huy động vốn thông qua các kênh phát hành trái phiếu. Nhờ thiết lập được lòng tin giữa doanh nghiệp với nhà nước cũng như với người dân, các chính sách này đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, đặc biệt là đối với DNNVV trong bước đầu khởi nghiệp. Đây chính là kinh nghiệm chúng ta cần nghiên cứu để rút ra bài học về hỗ trợ tài chính cho các thành phần kinh tế nói chung, DNNVV nói riêng.
Thật ra, chúng ta đã bỏ qua một cơ hội vào năm 1997 khi Ngân hàng Thế giới, thông qua Chương trình Phát triển kinh tế tư nhân (IFC), đã cho chúng ta vay 5 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ cho thành phần kinh tế tư nhân - mà vào thời kỳ đó chủ yếu là DNNVV - nhưng nhiều vướng mắc pháp lý và kỹ thuật đã khiến sự hỗ trợ này không mang lại kết quả. Phía Chính phủ muốn khoản hỗ trợ này thông qua hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh để phân bổ lại cho các tổ chức tín dụng khác. Nhưng khổ nỗi, làm sao các DNNVV đáp ứng được các yêu cầu về tài sản bảo đảm của ngân hàng. Các ngân hàng đều muốn nhận bất động sản làm tài sản thế chấp các khoản vay thương mại trong khi phần lớn tài sản của các DNNVV lại tồn tại dưới dạng động sản như hàng hóa và các khoản phải thu có trị giá đến hàng triệu đô la Mỹ thì không được chấp nhận. Vào lúc ấy, đã có đề nghị doanh nghiệp được chấp nhận cho vay nếu có bảo lãnh của các hiệp hội nghề nghiệp, nhưng điều này không được thông qua.
Thiết nghĩ trong tình hình hiện nay, trước nhu cầu tiếp cận nguồn vốn của DNNVV cũng như phong trào khởi nghiệp đang lớn mạnh, chúng ta nên nghiên cứu lại sự tham gia của các hiệp hội ngành nghề trong việc tiếp cận nguồn vốn của thành phần kinh tế tư nhân cũng như đối với DNNVV, bởi chính các tổ chức này là nơi am hiểu hơn cả các doanh nghiệp thành viên, xu hướng thị trường, ngành nghề cần phát triển để có những bảo đảm an toàn về vốn vay.
Ở nhiều nước, hiệp hội ngành nghề có quỹ đầu tư để cùng với các tổ chức tài chính, ngân hàng tham gia các kế hoạch hỗ trợ DNNVV như một hình thức đầu tư theo một tỷ lệ nào đó. Chính điều này sẽ khiến hiệp hội có trách nhiệm trong việc bảo lãnh cho vay, đồng thời cũng là một nguồn thu đáng kể để tổ chức này phát triển nhằm làm tròn hơn nữa nhiệm vụ của mình là phục vụ cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.
http://www.thesaigontimes.vn/161396/Von-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua.html
|