TNI: Chưa kịp vui đã vội lo
Tăng kịch trần trong phiên chào sàn, cổ phiếu TNI của Tập đoàn Thành Nam chưa kịp giúp nhà đầu tư vui mừng thì mối lo ngại lại ập tới khi bất ngờ lao dốc mạnh sau đó. Hai cảm xúc hoàn toàn trái ngược!
Chính thức chào sàn HOSE trong ngày 29/05/2017, giá TNI đã từ 10,900 đồng đẩy hết biên độ đạt mức trần 13,050 đồng/cp ngay phiên đầu tiên, cùng với đó là lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 5 triệu đơn vị. Phiên giao dịch sau đó, TNI tăng điểm nhẹ hơn 3% và khối lượng giao dịch cũng đạt mức cao, gần 4.5 triệu cp.
Song, khi nhà đầu tư còn chưa kịp vui mừng thì sau đó, TNI đã nhanh chóng quay đầu rơi thẳng đứng (tính đến phiên 06/06 thì có 4 phiên sàn liên tục), kéo giá giao dịch xuống thấp hơn cả khi niêm yết còn 9,720 đồng/cp. Theo đó, lượng giao dịch của TNI trong các phiên lau sàn sụt giảm.
Giao dịch của TNI từ khi niêm yết
Ra quân với “lý lịch” tăng trưởng bất ổn
Tập đoàn Thành Nam được niêm yết trên sàn HOSE với mã giao dịch TNI có vốn điều lệ 210 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chủ yếu là thương mại, cung cấp các sản phẩm inox dạng tấm, cuộn, ống với nhiều chủng loại và đặc điểm kỹ thuật đa dạng. Bên cạnh đó, Thành Nam còn tham gia các mảng hoạt động khác như buôn bán thiết bị vật tư, cơ kim khí; kinh doanh bất động sản; vận tải hàng hóa;....
Với hoạt động chính, nếu năm 2016 vừa qua là một năm thắng lớn đối với doanh nghiệp ngành thép, thì Thành Nam lại không được thuận buồm xuôi gió mấy. Có thể thấy, do TNI không “xuất thân” từ doanh nghiệp sản xuất mà là thương mại phân phối, nên diễn biến tăng mạnh của giá thép khiến giá vốn khó kiểm soát. Đồng thời, việc tìm nguồn hàng nhập khẩu có giá cạnh tranh và cân đối giá mua bán trước tình hình biến động giá là không dễ dàng. Trước tình hình đó, TNI đã không đẩy mạnh bán hàng nên khiến doanh thu 2016 giảm sâu gần 45% còn 709 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi ròng lại may mắn hưởng lợi từ việc giá thép tăng mạnh mà Công ty vẫn còn trữ lượng hàng tồn kho giá thấp, nên chỉ tiêu này vẫn duy trì được tăng trưởng dù rất ít với 13 tỷ đồng.
Dẫu vậy, kết quả đạt được vẫn còn khá xa vời so với những con số kế hoạch năm 2016, cả hai chỉ tiêu doanh thu và lãi sau thuế đều chỉ thực hiện được khoảng 70%.
Lùi xa hơn lại thấy TNI không duy trì được sự tăng trưởng ổn định trong cả doanh thu và lợi nhuận những năm gần đây, thậm chí năm 2013 do phải kinh doanh dưới giá vốn nên TNI ngậm ngùi ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 45 tỷ đồng.
Doanh thu thuần và lãi ròng của TNI từ 2013 đến nay (Đvt: tỷ đồng)
Thêm nữa, cổ tức của TNI cũng không thực sự hấp dẫn, năm 2014 không chia cổ tức, năm 2015 trả 5% bằng cổ phiếu và dự kiến năm 2016 là 5% bằng tiền.
Kế hoạch doanh thu ngàn tỷ có đủ sức đưa TNI trở lại?
Dự kiến, ngày 30/06 tới đây thì Thành Nam sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh. Mặc dù chưa có tờ trình cụ thể về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 cho cổ đông tham khảo nhưng theo bản cáo bạch niêm yết, trong năm 2017, TNI đã đưa ra kế hoạch doanh thu dự đạt 1,000 tỷ đồng, tăng trưởng 41% và lãi sau thuế sẽ chạm mốc 20 tỷ đồng với mức tăng 44%. Năm 2018 sau đó sẽ duy trì mức tăng trưởng 10% ở cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế.
Kế hoạch kinh doanh được TNI xây dựng dựa trên cơ sở thị trường thép dự báo sẽ tăng trưởng 12% so với năm 2016, đồng thời vì giá nguyên liệu khả năng vẫn ở mức cao nên giá thép cũng sẽ tăng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản ấm dần, nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều dẫn đến thị trường thép dân dụng được kỳ vọng tiếp tục một năm sôi động.
Đối với thị trường nội địa, là thị trường mang lại nguồn doanh thu chính cho TNI, dự kiến năm 2018 tăng trưởng tối thiểu 10% so với 2017 bằng việc duy trì hợp đồng khách hàng truyền thống. Thêm vào đó, TNI đang mở rộng khách hàng tổ chức khu vực miền Trung.
Mặc dù thị trường xuất khẩu chỉ chiếm 10% tổng doanh thu Công ty nhưng đây sẽ là mảng được mở rộng trong tương lai, mục tiêu xuất khẩu năm 2018 tăng 50% so với năm 2017.
Trong kinh doanh, có một điểm đáng chú ý nữa là TNI cũng có mối quan hệ đối tác với Tập đoàn FLC (HOSE: FLC). Cụ thể, trên BCTC năm 2015 của TNI, doanh thu từ đối tác FLC mang về 422 tỷ đồng, chiếm 33% cơ cấu tổng doanh thu. Sang năm 2016, việc giao dịch với FLC tuy đã giảm mạnh nhưng vẫn mang về cho TNI 26 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến thời điểm hiện tại, cổ đông lớn của TNI gồm 3 cá nhân là thành viên thuộc HĐQT và một đơn vị tổ chức Chứng khoán MB.
|
Không những thế, ông Trịnh Văn Đại, không chỉ là thành viên HĐQT hiện tại của TNI mà còn đang nắm vai trò lãnh đạo tại hai doanh nghiệp khác. Một là thành viên HĐQT tại CTCP Đầu tư Tài chính và Quản lý tài sản RTS, đơn vị này được biết đến như công ty con của FLC Faros (ROS) nắm giữ 100% vốn. Một đơn vị khác ông Đại cũng đang điều hành là TNHH Đầu tư và Quản lý Tòa nhà Ion Complex - doanh nghiệp mà Tập đoàn FLC đang sở hữu 98% cổ phần.
Bên cạnh đó, một thành viên HĐQT khác là ông Nguyễn Văn Mạnh cũng đang giữ vai trò Chủ tịch HĐTV tại CTCP Đầu tư Fujikaen Việt Nam. Doanh nghiệp này trước đó từng là cổ đông lớn của FLC khi nắm giữ 30 triệu cp (5.66% vốn), tuy nhiên Fujikaen đã thoái gần 14 triệu cp trong năm 2015 và duy trì lượng sở hữu 16.1 triệu cp (3.04%) đến nay.
Với “cái tiếng” là có mối quan hệ với FLC, cộng với kế hoạch sau niêm yết sẽ lấy lại phong độ đạt ngàn tỷ doanh thu, liệu cổ phiếu Tập đoàn Thành Nam sẽ phá được vòng bủa vây hiện tại để tăng tốc trở lại trên chặng đường dài hơi phía trước?./.
|