Nỗi lo lắng về Trung Quốc đã trở lại?
Mặc dù đang phải vật lộn với rất nhiều mối lo ngại về Tổng thống Mỹ Donald Trump và tình trạng hỗn loạn ở Washington, các cuộc bầu cử ở châu Âu và sự bất ổn từ chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh, nhưng mới đây nhà đầu tư toàn cầu lại tỏ ra lo ngại về một vấn đề cũ là Trung Quốc, CNBC cho hay.
Đã 2 năm kể từ khi Trung Quốc lần đầu tiên khiến nhà đầu tư toàn cầu điêu đứng bằng đợt sụt giảm của thị trường chứng khoán, sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ (NDT) và mối lo ngại về khoản nợ ngày càng leo thang, nhưng nhiều nhà đầu tư đã gạt bỏ những lo lắng này. Bằng chứng là cổ phiếu của các công ty Trung Quốc giao dịch ở Hồng Kông và các quốc gia bên ngoài Trung Quốc đã vọt lên mức cao nhất kể từ khi đợt sụt giảm xảy ra, đồng thời vượt trội hơn các cổ phiếu ở các quốc gia đang phát triển, khi nhà đầu tư hoan nghênh sự phát triển công nghệ ở Trung Quốc và sự gia tăng tiêu dùng.
Thậm chí, tại Trung Quốc – nơi thị trường chứng khoán vẫn chịu áp lực từ mối nghi ngờ của nhà đầu tư và sự can thiệp từ phía Chính phủ, thị trường cổ phiếu vẫn tăng trong phần lớn thời gian năm 2017 trước khi giảm sút gần đây.
“Đa số mọi nhà đầu tư đều nhất trí là Trung Quốc hiện khá ổn”, Kevin Smith, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Crescat Capital – một công ty quản lý tài sản đặt tại Denver, cho hay. Đề cập đến lượng nợ của Trung Quốc và các vấn đề tài chính khác, ông nói thêm: “Mọi người chưa thực sự xem xét đến khả năng xảy ra hiện tượng bong bóng. Bong bóng ngày càng trở nên lớn hơn”.
Nền kinh tế Trung Quốc đã chi phối diễn biến trên thị trường toàn cầu vì trước đó nước này chính là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế toàn cầu, và nhà đầu tư có thể sớm gặp nguy cơ là cổ phiếu Trung Quốc sẽ biến động mạnh trong thời gian tới.
MSCI, công ty tư vấn đầu tư tập hợp các chỉ số chứng khoán được theo dõi bởi các quỹ tương hổ và quỹ hưu trí trên toàn thế giới, đang xem xét việc thêm các cổ phiếu Trung Quốc vào danh mục chỉ số quan trọng. Theo dự kiến, MSCI sẽ tiết lộ quyết định này vào ngày thứ Ba tới.
Nhà đầu tư đã nhận được khá nhiều động lực để tham gia vào thị trường chứng khoán Trung Quốc. Trong tháng 3/2017, Goldman Sachs đã khuyến nghị nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc với lý do nước này có tăng trưởng kinh tế ngày càng được cải thiện, các chính sách ổn định và các yếu tố tích cực khác.
Tuy nhiên, một vài nhà đầu tư đã bắt đầu lo lắng trở lại. Kết quả của cuộc thăm dò từ Bank of America-Merrill Lynch cho thấy trong tháng 5/2017, các nhà quản lý quỹ đã đề cập đến Trung Quốc là nguồn rủi ro tiềm ẩn lớn nhất cho thị trường toàn cầu lần đầu tiên kể từ 1/2016. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng hạ bậc xếp hạng tín dụng Trung Quốc trong tháng trước, qua đó đánh dấu lần hạ bậc tín nhiệm đầu tiên của Trung Quốc trong 28 năm.
Nợ là lý do chính gây ra những mối lo ngại này. Để thúc đẩy nền kinh tế, Trung Quốc đã sử dụng biện pháp đẩy mạnh tín dụng, qua đó làm tăng thêm lượng nợ chồng chất của nước này. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), lượng nợ của Trung Quốc đã chạm mức 257% GDP vào cuối năm 2016, cao hơn một chút so với Mỹ, và cao hơn đáng kể so với mức 184% GDP của các nền kinh tế mới nổi.
Tuy nhiên, những gì khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại nhất là tốc độ tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc. Tại cuối năm 2007, lượng nợ Trung Quốc chỉ ở mức 152% GDP nước này.
Trong báo cáo tháng 6/2017, công ty nghiên cứu Capital Economics lên tiếng cảnh báo rằng lượng nợ ở Trung Quốc tăng nhanh hơn hầu hết quốc gia chủ chốt trên thế giới, và điều này đã góp phần củng cố quan điểm cho rằng Trung Quốc chính là rủi ro lớn nhất mà các quốc gia châu Á mới nổi đang phải đối mặt.
Và trong vài tháng trở lại đây, Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng đảo ngược xu hướng này, cụ thể là ra sức làm chậm lại tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra sự hỗn loạn trên các thị trường tài chính ở Trung Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng tỏ ra lo lắng nhiều hơn. Vào cuối tháng 5/2017, Chính phủ nước này cho biết sẽ tăng cường kiểm soát đồng NDT, ngoảnh mặt với cam kết cho phép các nguồn lực thị trường đóng vai trò xác định giá trị của đồng NDT.
Ông Smith cho biết ông tin là các nhà đầu tư toàn cầu vẫn rất tự mãn về các mối đe dọa từ Trung Quốc. Nhận định Trung Quốc là bong bóng vĩ mô lớn nhất trong lịch sử, ông cho biết tình hình đã vượt quá những gì mà các cơ quan giám sát tài chính toàn cầu cho là mức rơi vào rắc rối đối với các quốc gia khác.
Kể từ tháng 5/2017, ông đã bán khống cổ phiếu của các công ty Trung Quốc được niêm yết ở New York, bao gồm các công ty thương mại điện tử như Alibaba Group, JD.com và công ty chuyên về công cụ tìm kiếm Baidu. Đây là những cổ phiếu mà ông cho là sẽ dễ bị tác động bởi lĩnh vực tài chính không bền vững của Trung Quốc.
Nhà đầu tư có thể né tránh Trung Quốc cho đến khi sự bất ổn về lượng nợ nần nặng nề của Trung được giải quyết rõ ràng.
“Cuộc khủng hoảng lớn nhất thường xảy ra khi mọi người không cảnh giác, khi Chính phủ không cố gắng giải quyết rủi ro”, Jian Shi Cortesi, nhà quản lý danh mục cổ phiếu châu Á ở GAM, cho hay. “Cho đến nay, họ đã quản lý rủi ro khá tốt. Thế nhưng, thị trường luôn luôn lo sợ về khả năng Chính phủ không thể kiểm soát rủi ro ở nước này”.
Không phải tất cả những người theo dõi Trung Quốc đều tỏ ra quá lo lắng. Aidan Yao, Chuyên gia kinh tế châu Á cấp cao tại AXA Investment Managers – vốn quản lý hơn 800 tỷ USD, cho biết nhà đầu tư nên nhìn nhận nỗ lực giảm bớt đòn bẩy của Chính phủ Trung Quốc là yếu tố tích cực cho triển vọng tương lai của nền kinh tế nước này.
Ông Yao cho biết: “Hiện nay, tôi không lo lắng gì về nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách đang quản lý tình hình rất cản thận”.
Các nhà phân tích Trung Quốc vẫn tin rằng các chính trị gia sẽ giữ đồng NDT và thị trường chứng khoán hoạt động đúng định hướng trong vài tháng tới. Để tránh bất kỳ sự bất ngờ nào, các nhà hoạch định chính sách có khả năng làm bất kỳ thứ gì có thể để tránh sự thay đổi quá mạnh đến giá trị tài sản trước khi bước vào cuộc họp quan trọng./.
|