Nợ xấu và kỳ vọng ở phía tương lai
“Năm ngoái chúng tôi đã trích lập dự phòng rủi ro 600 tỉ đồng, năm nay cũng sẽ trích lập khoảng chừng đó. Khi số dư trích lập tích lũy đủ lớn và Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn thực hiện nghị quyết về nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua, chúng tôi sẽ bắt đầu bán các tài sản thế chấp vào năm sau để thu hồi nợ”.
“Vì sao phải năm sau mới bắt đầu bán mà không phải ngay bây giờ thưa ông?”. “Vì nghị quyết đã cho phép các tổ chức tín dụng xử lý tài sản theo giá thị trường, có thể thấp hơn hoặc cao hơn giá trị khoản nợ”, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP ở TPHCM nói trong một lần trao đổi với người viết.
Không chỉ ông, mà lãnh đạo nhiều ngân hàng khác đang nóng lòng chờ đợi hướng dẫn thực hiện nghị quyết về nợ xấu của cơ quan quản lý. Nếu tài sản đảm bảo được bán với giá cao hơn giá trị khoản cho vay, hẳn nhiều ngân hàng đã tiến hành. Vấn đề là ở chỗ tới đây quy định cho phép tài sản thế chấp được thanh lý theo giá thị trường, có thể thấp hơn mức thẩm định của chính các tổ chức tín dụng trước đây và thấp hơn cả giá trị khoản vay, thì mức thấp hơn tối đa là bao nhiêu phần trăm. Giá thị trường là vô cùng và lúc nào cũng sẽ xuất hiện các giao dịch thành công, chỉ là giá bao nhiêu mà thôi.
Vị tổng giám đốc trên nhấn mạnh có những tài sản thế chấp từ trước đến nay ngân hàng không động đến vì biết rằng nếu phát mãi là lỗ. Phần lỗ ngân hàng có thể lấy từ trích lập dự phòng để bù đắp. Tuy nhiên trách nhiệm gây ra số lỗ đó thuộc về ai? Quy trách nhiệm ấy cho bộ phận tín dụng và những lãnh đạo trước đó có thể là không ổn bởi thị trường bất động sản 5-7 năm trước khác hiện tại. Còn tới đây luật pháp sẽ quy định rõ ràng, ngân hàng cứ thế mà làm. Các khoản nợ giá trị tầm 5-10 tỉ đồng có thể xử lý nhanh, còn những khoản hàng chục, hàng trăm tỉ đồng, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng, thì có thể vẫn phải xem xét trách nhiệm của ngân hàng, khách hàng bên vay ở các mức độ khác nhau.
Cùng với xử lý tài sản sẽ là câu chuyện về thẩm định giá. Các công ty chuyên về thẩm định giá có uy tín trên thị trường hiện nay đếm trên đầu ngón tay. Những tài sản lớn, chẳng hạn dự kiến giá trị từ 100-200 tỉ đồng trở lên có thể phải được thẩm định bởi những doanh nghiệp chuyên nghiệp quốc tế. Tài sản trên đất, quyền sử dụng đất, giấy tờ chứng nhận cơ sở pháp lý của các tài sản... luôn rất phức tạp. Việc định giá các doanh nghiệp cổ phần hóa có liên quan đến đất đai nhiều năm qua đã minh chứng điều này.
Giải quyết nợ xấu là cách thức trực tiếp và ngắn nhất để hạ lãi suất đầu ra. Nghị quyết lần này đã rất thông thoáng khi quy định ngay cả những tổ chức, cá nhân không có chức năng mua bán nợ cũng có thể tham gia. Cửa đã mở, còn lại người phía bên trong cánh cửa chấp nhận ra gió ở mức bao xa.
|
Trên thực tế các ngân hàng khi cho vay thường định giá giá trị tài sản thế chấp là bất động sản bằng 60-70% giá thị trường, sau đó khách hàng được vay tầm 70% trên mức thẩm định đó. Thí dụ doanh nghiệp có tài sản đảm bảo giá 100 đồng theo giá thị trường, ngân hàng định giá nó 60-70 đồng và cho vay 42-49 đồng. Về mặt lý thuyết, ngân hàng nắm đằng chuôi. Song ai biết được giả dụ một năm sau tài sản ấy giá thị trường còn 50 đồng, thì khoản vay xem như trong vùng đèn đỏ. Ở đây loại trừ trường hợp các ông chủ ngân hàng cho vay công ty sân sau. Tài sản thế chấp đáng giá 100 đồng, ngân hàng định giá thành 200 đồng, cho vay 150 đồng, thì tất yếu khi có chuyện xảy ra ngân hàng sẽ chịu thiệt. Khoản vay dạng này có vấn đề ngay từ khi được giải ngân.
Ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong một lần trả lời phỏng vấn TBKTSG, cho biết không ít ngân hàng không thể phát mãi tài sản đảm bảo cho dù có người mua vì bán là phải trích lập dự phòng. Tình trạng này nay giảm đi ít nhiều một phần do thị trường bất động sản chuyển động tích cực hơn, phần khác do các ngân hàng đã có số dư trích lập dự phòng tích lũy tương đối.
Điểm nhấn thứ ba mà giới ngân hàng quan tâm từ nghị quyết xử lý nợ xấu là tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản đảm bảo. Nếu không thực hiện được quyền này, làm sao ngân hàng bán tài sản? Các nhà máy đường, chế biến rau quả, tàu bè của ngư dân... là những dẫn chứng điển hình. Doanh nghiệp đường thua lỗ, nợ đọng thuế, nợ tiền mua mía của nông dân, nợ lương người lao động, nợ ngân hàng... Bên nào cũng muốn xiết nợ nhà máy đường. Trước giờ nếu mang nhà máy đường ra đấu giá, trong trường hợp nhà máy chưa làm được (hoặc chưa làm xong) thủ tục giấy tờ thế chấp cho ngân hàng, tiền thu được cơ quan thuế sẽ thu sau khi ưu tiên trả lương người lao động, trả nợ nông dân trồng mía, còn bao nhiêu mới đến lượt ngân hàng cho dù nhà máy đường đã được thế chấp toàn bộ cho tổ chức tín dụng.
Trong những tháng tới, tình thế sẽ khác. Giả dụ ngân hàng thu giữ được nhà máy đường, phát mãi, thì bên mua sẽ căn cứ vào thực tế doanh nghiệp mà trả giá. Mua nhà máy ấy mà người mua phải cõng đủ mọi khoản nợ, thì họ sẽ phải cân lên đặt xuống và giá mua đương nhiên sẽ thấp hơn khoản nợ vay. Với những ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% cho khoản nợ, họ chẳng có gì lo lắng, bởi bán giá nào, khoản thu cũng được hoàn nhập dự phòng. Chỉ những ngân hàng chưa trích lập, hoặc trích lập chưa đủ mới... gay go!
Giải quyết nợ xấu là cách thức trực tiếp và ngắn nhất để hạ lãi suất đầu ra. Nghị quyết lần này đã rất thông thoáng khi quy định ngay cả những tổ chức, cá nhân không có chức năng mua bán nợ cũng có thể tham gia. Cửa đã mở, còn lại người phía bên trong cánh cửa chấp nhận ra gió ở mức bao xa, có lẽ không chỉ phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài nữa, mà phụ thuộc chủ yếu vào sự quyết đoán, quyết tâm và niềm tin sẽ tháo gỡ được nợ cho chính họ trước tiên.
http://www.thesaigontimes.vn/161891/No-xau-va-ky-vong-o-phia-tuong-lai.html
|