[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ Sacombank: Ông Dương Công Minh là tân Chủ tịch HĐQT
Ngày 30/06, ĐHĐCĐ thường niên 2017 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) đã thông qua việc bầu nhân sự HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới. Với tỷ lệ trúng cử lên tới 198%, ông Dương Công Minh chính thức trở thành tân Chủ tịch HĐQT của Sacombank.
Đại hội đã thông qua danh sách thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2017-2021 với toàn bộ ứng viên đều trúng cử. Ông Dương Công Minh (Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam, vừa từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt từ ngày 31/05/2017) có tỷ lệ trúng cử vào HĐQT cao nhất với 198%.
Ông Dương Công Minh đồng thời được bầu làm Chủ tịch HĐQT Sacombank. Ông Kiều Hữu Dũng là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, còn ông Phạm Văn Phong là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng.
Danh sách thành viên BKS trúng cử nhiệm kỳ mới gồm ông Trần Minh Triết, bà Lê Thị Thanh Mai, ông Lê Văn Tòng và ông Hà Tôn Trung Hạnh. Trong đó, ông Trần Minh Triết được bầu làm Trưởng BKS.
Chia sẻ tại Đại hội, tân Chủ tịch Dương Công Minh cho biết quá trình tái cơ cấu của Sacombank và đi đến ngày hôm nay là nhờ công lao lớn của NHNN. Ông Minh cảm ơn các cổ đông đã tin tưởng bầu làm Chủ tịch HĐQT Sacombank. Việc tái cơ cấu Sacombank là cả một quá trình dài ông Minh tin tưởng sẽ tái cơ cấu thành công và kỳ vọng sẽ hoàn tất trong 5 năm, nhanh hơn thì mất khoảng 3 năm.
Về với Sacombank, ông Minh cùng HĐQT mới sẽ bố trí lại nhân sự quản trị ngân hàng, thúc đẩy kinh doanh, xử lý tốt nợ xấu (đa số là bất động sản, có tài sản đảm bảo, nếu xử lý nhanh sẽ hoàn thành tái cơ cấu), quản trị tốt chi phí.
Đại diện cho NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh phát biểu, về vấn đề sáp nhập PNB vào STB, NHNN không có quyền chỉ định sáp nhập, đó là quyền của cổ đông và đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Về nhân sự điều hành STB, NHNN phê duyệt danh sách nhân sự công khai và minh bạch, chọn người đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Hai năm qua STB đã qua cuộc đại phẫu thuật, Ngân hàng đã giữ vững được giá trị của mình và cần phát huy tốt hơn nữa sau này.
Ông Thanh đề nghị Sacombank căn cứ đề án đã phê duyệt để triển khai đúng tiến độ, nút thắt là gỡ cho được nợ xấu, khoản phải thu… Sacombank mời ông Dương Công Minh tham gia hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản. Ngân hàng cần kết hợp các bên và kế thừa nhân sự từ Sacombank. Ban lãnh đạo mới cần sớm hòa nhập văn hóa Sacombank để điều hành Ngân hàng, đưa Sacombank vượt qua thách thức và "khúc cua" trước mắt.
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của Sacombank tổ chức sáng 30/06.
|
Sacombank tạo đủ lợi nhuận để bù đắp tồn đọng sau sáp nhập
Liên quan đến giá cổ phiếu, tại ĐHĐCĐ sáp nhập PNB vào STB, tỷ lệ 38.7% chia thưởng cho cổ đông phần lớn đã về tài khoản và cổ đông đã có thể mua bán trên thị trường, riêng cổ phiếu hoán đổi PNB sáp nhập vào STB đã có nhưng chưa xong các thủ tục. Sau đại hội này, HĐQT STB sẽ hoàn thành thủ tục niêm yết bổ sung phần cổ phiếu này. Khoảng 1-2 tháng tới dự kiến sẽ hoàn tất và cổ đông có thể giao dịch phần cổ phiếu hoán đổi này.
Về định hướng kinh doanh sắp tới, STB đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu 2017-2025. Sau đại hội này, HĐQT mới có định hướng cho việc tái cấu trúc ngân hàng, đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh trên cơ sở thế mạnh bán lẻ, uy tín với khách hàng tạo thu nhập bổ sung nguồn xử lý các tồn đọng. Ban lãnh đạo cho biết, thời gian đầu mới sáp nhập còn nhiều khó khăn, nhưng hệ thống STB vẫn hoạt động tốt, các chỉ tiêu đều duy trì tăng trưởng cao trên 20%/năm, tạo thu nhập đủ bù đắp tồn đọng sau sáp nhập, quy mô STB là ngân hàng lớn thứ 5 toàn hệ thống, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế trong quản trị rủi ro, theo tiêu chuẩn Basel 2.
Sacombank sẽ tập trung mọi nguồn lực giải quyết dứt điểm các nọ tồn đọng, lãi dự thu, chuyển tài sản có không sinh lời sang có sinh lời, tăng hiệu quả hoạt động. Tài sản có sinh lời của STB ở mức tương đối lớn.
STB sẽ có Vietcombank tham gia HĐQT, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý nợ, ông Nguyễn Miên Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT kỳ vọng sẽ xử lý nợ xấu của STB trong 3 năm là 70% và dứt điểm trong 5 năm tùy tình hình thị trường. Vừa qua, điểm thuận lợi của thị trường là bất động sản hồi phục, STB kỳ vọng xử lý nợ xấu tốt hơn.
Ngân hàng sẽ phát triển mạng lưới, hệ thống, phát triển kinh doanh, STB sẽ hợp tác khai thác mảng bảo hiểm nhân thọ, thu nhập trên 3,000 tỷ bổ sung thu nhập STB giai đoạn tái cấu trúc.
Bên cạnh đó, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến STB là tiền đề để STB có cơ hội kêu gọi nhà đầu tư và có thêm nguồn lực tái cấu trúc.
Trong 2-3 năm tới STB có lợi nhuận nhưng phải giữ lại cho tái cấu trúc, chưa thể chi trả cổ tức cho cổ đông, đây là điều kiện để NHNN thông qua đề án tái cấu trúc.
Tại Đại hội, ông Kiều Hữu Dũng – Chủ tịch HĐQT STB cho biết ông Trầm Bê gửi lời xin lỗi chân thành đến cổ đông trong thời gian làm việc tại Sacombank. Ông Dũng cho biết chưa thấy có ngân hàng nào có nền tảng tốt và bền vững như STB. Trong đó dịch vụ tăng trưởng rất bền vững, có nguồn thu hàng ngàn tỷ đồng mà ít ngân hàng có được. Trong 5 năm qua, HĐQT phát triển mạng lưới bán lẻ về nông thôn rất thành công, trải rộng trên toàn quốc. Với nhân sự mới, STB sẽ học tập thêm từ Vietcombank từ quản trị điều hành, khách hàng lớn, bên cạnh đó ông Dương Công Minh sẽ hỗ trợ HĐQT STB xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản.
Ông Kiều Hữu Dũng cũng cam kết HĐQT STB sẽ làm năm sau tốt hơn năm trước.
Danh sách ứng viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 giảm xuống 6 thành viên
Danh sách ứng viên HĐQT dự kiến bầu cho nhiệm kỳ 2017-2022 của Sacombank giảm từ 7 xuống còn 6 thành viên:
1. Ông Dương Công Minh (Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam, vừa từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt từ ngày 31/05/2017)
2. Ông Kiều Hữu Dũng (Chủ tịch HĐQT Sacombank đương nhiệm)
3. Ông Nguyễn Miên Tuấn (Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank đương nhiệm)
4. Ông Nguyễn Xuân Vũ (Phó Tổng giám đốc Sacombank)
5. Ông Phạm Văn Phong (Giám đốc Vietcombank - CN Daklak)
6. Bà Lê Thị Hoa (Thành viên HĐQT độc lập)
Ông Dương Công Minh tham dự Đại hội
|
Danh sách nhân sự dự kiến cho Ban kiểm soát (BKS) không có gì thay đổi, bao gồm:
1. Ông Trần Minh Triết (Phó Giám đốc Vietcombank - CN Bình Tây)
2. Bà Lê Thị Thanh Mai (Phó BKS Sacombank đương nhiệm)
3. Ông Lê Văn Tòng (Thành viên BKS Sacombank đương nhiệm)
4. Ông Hà Tôn Trung Hạnh (Phó Tổng giám đốc Sacombank)
Do trước đó có ứng viên xin rút tên khỏi danh sách bầu HĐQT nên danh sách nhân sự NHNN đã thông qua giảm xuống còn 6 thành viên, HĐQT Ngân hàng sẽ trình cổ đông bầu bổ sung thành viên HĐQT tại ĐHĐCĐ sau đó.
Được biết, thành viên rút tên khỏi danh sách ứng viên HĐQT là ông Nguyễn Văn Cựu. Ông Nguyễn Văn Cựu sinh năm 1972, là Thành viên HĐQT độc lập của Sacombank từ năm 2013 và hiện cũng đang tham gia HĐQT tại nhiều công ty. Ông là Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán BETA và CTCP Sản xuất thương mại Dịch vụ Ô tô Nam Việt, Thành viên HĐTV Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Ý Mỹ và CTCP Đầu tư Quốc tế C.S.Q. Trước đó ông cũng đã có 5 năm giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT VietCapitalBank.
Kế hoạch lãi trước thuế 2017 đạt 585 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1%
ĐHĐCĐ Ngân hàng đã thông qua việc tái xác nhận chủ trương lập các công ty trong giai đoạn 2017-2020 gồm Công ty tài chính trực thuộc Sacombank với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, Công ty bảo hiểm nhân thọ liên doanh đối tác nước ngoài với vốn góp 500 tỷ, mua lại hoặc lập mới Công ty bảo hiểm phi nhân thọ với vốn đầu tư 300 tỷ đồng.
Sacombank cũng đặt mục tiêu đảm bảo trong vòng 3 năm đầu tiên sau khi sáp nhập sẽ đưa thu lãi thuần quay trở về mức như trước khi sáp nhập, nhằm tích tụ tài chính để có nguồn xử lý dần các tài sản tồn đọng đã bị suy giảm giá trị/không còn khả năng thu hồi.
Năm 2017, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng, tăng 276% so với thực hiện năm 2016; tỷ lệ nợ xấu 1%. Tổng tài sản dự kiến tăng 16% lên 384,600 tỷ đồng. Huy động vốn, dư nợ tín dụng kế hoạch lần lượt tăng trưởng 17% và 19%, đạt 356,100 tỷ và 235,500 tỷ đồng.
Sacombank cho biết có thể xử lý được nợ xấu với điều kiện có thời gian và cơ chế hỗ trợ, phương án thận trọng Sacombank trình NHNN phê duyệt là 10 năm (từ 2015 đến 2025). Tuy nhiên, nội bộ Ngân hàng đặt mục tiêu rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề cơ bản xuống còn 3-5 năm. Các vấn đề chính của đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt cho Sacombank là khoanh lãi dự thu từ 2015, trích lập dự phòng và bán nợ cho VAMC, xử lý tài sản cấn trừ nợ và được phân bổ theo năng lực tài chính của Ngân hàng.
Giai đoạn 2011-2015 Sacombank có tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn ngành, tổng tài sản tăng bình quân 12.4%/năm, tổng huy động tăng 15.6%/năm, tổng tín dụng tăng 16.7%/năm, lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 8%/năm. Trong năm 2016, Ngân hàng đạt lợi nhuận 156 tỷ đồng.
Về hoạt động của các công ty con trong năm 2016, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 141 tỷ đồng, trong đó Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (SBA) lãi 67.5 tỷ đồng, Công ty cho thuê tài chính (SBL) lãi 79.5 tỷ, Công ty vàng bạc đá quý (SBJ) lỗ 8 tỷ, Công ty kiều hối (SBR) lãi 2.4 tỷ, Sacombank Lào 0.89 triệu USD, Sacombank Cambodia Plc 1.85 triệu USD./.
|