Thứ Tư, 28/06/2017 15:00

Đề xuất bổ sung quy định về mua nợ xấu theo giá thị trường của VAMC

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06/09/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dự thảo Thông tư chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến mua nợ xấu theo giá trị thị trường của VAMC (phạm vi, điều kiện, quy trình thực hiện mua) và quy định về bán nợ xấu, tài sản bảo đảm để phù hợp với quy định tại dự thảo Nghị quyết, Nghị định 53, Nghị định 61. Việc xử lý các khoản nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường quy định tại dự thảo Thông tư (bao gồm cả khoản nợ xấu quy định tại dự thảo Nghị quyết) cũng áp dụng các quy định về xử lý khoản nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường quy định tại Thông tư số 19.

Theo đó, dự thảo quy định rõ trong trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, VAMC và tổ chức tín dụng (TCTD) thỏa thuận giá mua bán khoản nợ xấu theo giá trị thị trường, ký kết hợp đồng mua bán nợ theo giá trị thị trường và thực hiện như sau: VAMC nhận lại trái phiếu đặc biệt từ TCTD và thực hiện tất toán trái phiếu đặc biệt, số dư nợ gốc đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán; chuyển trả cho TCTD số tiền thu hồi nợ mà TCTD được hưởng theo quy định, khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay theo giá trị ghi sổ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán đối với trường hợp một phần khoản nợ xấu đã được chuyển thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay (nếu có).

Đồng thời, chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ của khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay cho TCTD; VAMC thanh toán số tiền mua nợ theo giá trị thị trường cho TCTD theo thỏa thuận tại hợp đồng mua bán nợ theo giá trị thị trường.

Theo đó, số tiền thu hồi nợ được xử lý như sau: Trường hợp số tiền bán nợ, số tiền thu hồi nợ và giá trị của khoản vốn góp, vốn cổ phần nhận được từ VAMC cao hơn mệnh giá trái phiếu đặc biệt, tổ chức tín dụng hạch toán phần chênh lệch vào thu nhập trong năm tài chính; Trường hợp số tiền bán nợ, số tiền thu hồi nợ và giá trị của khoản vốn góp, vốn cổ phần nhận được từ VAMC thấp hơn mệnh giá trái phiếu đặc biệt, TCTD sử dụng dự phòng rủi ro đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt để bù đắp phần chênh lệch. Trường hợp vẫn còn thiếu, TCTD hạch toán vào chi phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, dự thảo thông tư quy định rõ, việc mua bán khoản nợ xấu theo giá trị thị trường phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản phù hợp với quy định tại Thông tư này, các quy định khác có liên quan. Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, hợp đồng mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt chấm dứt kể từ thời điểm hợp đồng mua bán nợ theo giá trị thị trường có hiệu lực.

TCTD thực hiện chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu gốc liên quan đến khoản nợ xấu cho VAMC. Đồng thời, VAMC thực hiện chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến số tiền thu hồi nợ, khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay cho TCTD.

Ngoài ra, dự thảo cho phép VAMC tự thực hiện hoặc thuê tổ chức có chức năng định giá độc lập xác định giá khởi điểm (trong trường hợp bán đấu giá), giá chào bán (trong trường hợp chào giá cạnh tranh), giá dự kiến bán nợ (trong trường hợp thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ). Trường hợp xét thấy cần thiết, VAMC tham khảo giá mua, bán các khoản nợ xấu có tính chất tương đồng trên thị trường (nếu có) để xác định giá khởi điểm, giá chào bán, giá dự kiến bán nợ.

Đối với tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC phải trao đổi với TCTD bán nợ trước khi quyết định xử lý tài sản bảo đảm với bên bảo đảm theo quy định, trong đó có các nội dung như: Giá bán tài sản bảo đảm trong trường hợp bán theo phương thức thỏa thuận với người mua hoặc giá khởi điểm của tài sản bảo đảm trong trường hợp bán theo phương thức đấu giá; Giá trị tài sản bảo đảm trong trường hợp VAMC nhận tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày VAMC có văn bản đề nghị có ý kiến, TCTD bán nợ phải trả lời bằng văn bản về những vấn đề VAMC đề nghị. Sau thời hạn trên, VAMC quyết định và chịu trách nhiệm về việc xử lý tài sản bảo đảm với bên bảo đảm theo quy định.

* Tài liệu đính kèm:

du-thao-thong-tu.doc

Các tin tức khác

>   Tỷ giá trung tâm giảm 3 đồng (28/06/2017)

>   Chủ tịch LienVietPostBank nói gì sau khi Him Lam thoái vốn? (28/06/2017)

>   NamABank vào Top 10 doanh nghiệp ASEAN tiêu biểu 2017 (28/06/2017)

>   Ông chủ Him Lam ứng cử vào HĐQT Sacombank (27/06/2017)

>   Đề xuất quy định về bán khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính (27/06/2017)

>   Các ngân hàng thương mại tăng tỷ giá (27/06/2017)

>   Him Lam thoái sạch 15% vốn LienVietPostBank (26/06/2017)

>   Lãi suất liên ngân hàng bật tăng trở lại (26/06/2017)

>   Tỷ giá trung tâm giảm nhẹ, các ngân hàng tăng giá USD (26/06/2017)

>   Sacombank mạnh tay "lột xác" mạng lưới (26/06/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật