Nhịp đập Thị trường 27/06: “Hạ huyết áp” đột ngột, nhà đầu tư lo lắng
Dù các chỉ số thị trường giảm điểm trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng việc “hạ huyết áp” đột ngột vào cuối phiên vẫn khiến khá nhiều nhà đầu tư lo ngại.
VN-Index kết phiên giao dịch giảm 5.01 điểm tương đương 0.65% xuống mức 767.51 điểm. HNX-Index giảm 0.72% xuống mức 98.02 điểm.
Độ rộng toàn thị trường khá yếu với 162 mã tăng điểm và 276 mã giảm điểm. Như vậy, các thống kê cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế lớn.
Giá trị khớp lệnh cả hai sàn đạt hơn 4,235 tỷ đồng. Dưới góc nhìn Market Cap, chỉ số Large Cap và Mid Cap giảm mạnh nhất.
Do giá cao su đang trong vùng nhạy cảm nên cả hai ngành Chế biến Cao su và Nông-Lâm-Ngư đều sụt giảm mạnh nhất thị trường. Đây là điều rất hiếm thấy trong nhiều năm qua.
Ngành Chăm sóc Sức khỏe tăng 1.08% và đây cũng là mức tăng mạnh nhất thị trường. Đặc điểm dễ thấy của nhóm này là đà tăng bền bỉ và ít khi sụt giảm bất ngờ. Các mã DHG, TRA, DMC... là những cổ phiếu tiêu biểu của ngành này.
Ngành Tiện ích (Utilities) với nòng cốt là GAS, PGS, CNG, PVG... cũng có sự tăng trưởng tích cực. Riêng GAS thì nếu vượt được đỉnh cũ 58,000-60,000 thì sẽ hướng đến mục tiêu 68,000-71,000 trong thời gian tới. Chỉ báo MACD đã vượt lên trên ngưỡng 0 và khối ngoại mua ròng mạnh nên rủi ro ngắn hạn không cao.
STB đang là ngôi sao mới của nhóm Ngân hàng khi vẫn tăng mạnh dù hầu hết các cổ phiếu còn lại trong ngành đều đứng giá hoặc điều chỉnh. Mặt bằng giá mới đã được thiết lập sau khi đỉnh cũ tháng 04/2017 bị phá vỡ hoàn toàn.
Trong nhóm VN30 thì ITA đang là mã tăng mạnh nhất trong ngắn hạn với khối lượng và dư mua giá trần đều rất cao. Quá trình tích lũy kéo dài và khối lượng tăng trưởng đều đã dẫn đến sự bùng nổ này.
Khối ngoại mua ròng 141.84 tỷ đồng trên HOSE và mua ròng 8.7 tỷ trên HNX.
14h: Giảm dần đều, tâm lý phòng ngừa rủi ro gia tăng
Thị trường không còn biến động lên xuống sôi động như thông thường mà các chỉ số chung đều ở trạng thái “chết từ từ”. Điều này làm cho tâm lý phòng ngừa rủi ro gia tăng.
Tính tới 13h55, VN-Index ở mức 769.05 điểm tương ứng mức giảm 0.45%, HNX-Index giảm 0.76% xuống mức 97.98 điểm.
Một trong những biểu hiện rõ nét nhất của hoạt động phòng ngừa rủi ro là cả hai ngành Chế biến Cao su và Nông-Lâm-Ngư đều sụt giảm mạnh nhất thị trường. Thường thì giá cổ phiếu của hai nhóm này sẽ biến động ngược chiều nhau do nhóm Nông-Lâm-Ngư biến động cùng chiều còn nhóm Chế biến Cao su sẽ biến động ngược chiều với giá cao su thế giới.
Tuy nhiên, trong tình trạng giá cao su trên sàn Tokyo Commodity Exchange liên tục dao động gần mốc nhạy cảm 200 JPY/kg nên một lựa chọn thận trọng và khôn ngoan là bán ra cổ phiếu của cả hai ngành này và chờ cho xuất hiện các tín hiệu xác nhận xu hướng rõ ràng hơn.
Ở một khía cạnh khác, sự tăng trưởng của ngành Tiện ích (Utilities) và Chăm sóc Sức khỏe (Healthcare) cũng phần nào thể hiện tâm lý thận trọng và phòng ngừa rủi ro. Đây là hai ngành phòng thủ kinh điển của phân tích cơ bản vì thường tăng trưởng tốt và giữ giá ngay cả trong những giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế do liên hệ chặt chẽ với nhu cầu thiết yếu của con người. Hiện nay, đây đang là những ngành tăng mạnh nhất thị trường. Điều này thể hiện sự dịch chuyển của dòng tiền ngắn hạn.
Ngay cả nhóm Ngân hàng cũng bắt đầu có hiện tượng phân hóa. Chỉ còn STB là tăng trưởng tốt nhờ cầu ngoại khá mạnh, còn lại thì đa số chỉ tăng nhẹ, giằng co quanh tham chiếu hoặc điều chỉnh như ACB, NVB...
Phiên sáng: Áp lực bán gia tăng
Các chỉ số tiếp tục nhịp điều chỉnh khi áp lực bán tiếp tục gia tăng. Trong đó, sự suy yếu của nhóm dẫn dắt thị trường vẫn đang ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường.
Kết phiên sáng, VN-Index xuống mức 770.14 điểm giảm 0.31% so với tham chiếu; HNX-Index dừng tại mức 98.20 điểm giảm 0.54%.
Độ rộng thị trường thu hẹp đáng kể về cuối phiên sáng với 253 mã giảm và 152 mã tăng. Trên HOSE, chỉ còn GAS trụ vững với mức tăng 1.4%. Các đại diện ngành Ngân hàng như VCB, STB, CTG… cũng đã đuối dần khi trượt nhẹ so với mức cao nhất trong phiên sáng.
Ở chiều ngược lại, PLX giảm 3.2% đang ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường bên cạnh các mã dẫn dắt khác như VIC, MSN…
Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao với hơn 2,302 tỷ đồng khớp lệnh.
Khối ngoại mua vào đạt 51.4 tỷ đồng trên HOSE và hơn 3.3 tỷ đồng trên HNX. VNM, VCB, DPM, DHG… là những cổ phiếu được khối ngoại mua vào sôi động nhất trong phiên sáng nay.
10h30: Nhóm ngân hàng giúp thị trường trụ vững
Khá nhiều cổ phiếu trong nhóm ngân hàng vẫn đang đi lên và giúp thị trường trụ vững thay vì điều chỉnh mạnh. Nhóm phân phối khí đốt thiên nhiên cũng có những biểu hiện tích cực trong thời gian gần đây.
Các nhà đầu tư đang tập trung chú ý vào nhóm phân phối khí đốt thiên nhiên. Đây là nhóm nòng cốt trong ngành Tiện ích và là động lực chính kéo ngành này vào top đầu thị trường ở thời điểm hiện tại. Các cổ phiếu tiêu biểu như GAS, PGS, ... đều đã thiết lập xu hướng tăng ngắn hạn.
Riêng GAS thì nếu vượt được đỉnh cũ 58,000-60,000 thì sẽ hướng đến mục tiêu 68,000-71,000 trong thời gian tới. Chỉ báo MACD đã vượt lên trên ngưỡng 0 nên rủi ro ngắn hạn không cao.
Ngành ngân hàng vẫn duy trì được sự tích cực ở hầu hết các cổ phiếu. Các mã tiêu biểu trong ngành như STB, MBB, CTG, ... đều đã thiết lập được xu hướng tăng trưởng dài hạn.
Trong nhóm VN30 thì ITA đang là mã tăng mạnh nhất trong ngắn hạn với khối lượng và dư mua giá trần đều rất cao. Quá trình tích lũy kéo dài và khối lượng tăng trưởng đều đã dẫn đến sự bùng nổ này.
Sự đi xuống của giá cao su thiên nhiên đang dần tác động đến nhóm Nông-Lâm-Ngư khi mà các cổ phiếu tiêu biểu trong ngành đều đang giảm như HAG, HNG, TNC, TRC, DPR...
Độ rộng toàn thị trường khá yếu với 166 mã tăng điểm và 224 mã giảm điểm.
Mở cửa: Giá một số hàng hóa đang giảm mạnh
Có khá nhiều hàng hóa như đường, cao su ... đang trong đà giảm mạnh và điều này dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến giá các cổ phiếu có liên quan trên thị trường.
Van Eck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam UCITS ETF (XFVT) đều đang tăng trưởng nên tình hình vẫn đang nghiêng về hướng tích cực. Điều này cũng phần nào hạn chế tình trạng bán ròng mạnh bất ngờ trong ngắn hạn.
Mở cửa đầu phiên giao dịch sáng nay, hai sàn biến động trái chiều với VN-Index tăng nhẹ trong khi HNX-Index giảm.
Giá dầu thô của Mỹ (WTI - West Texas Intermediate) đã phục hồi nhẹ trở lại sau khi test cận dưới của kênh giá giảm trung hạn (tương đương vùng 42-43.5 USD/thùng). Điều này đã phần nào giúp một số cổ phiếu trong ngành Dầu khí như PVD, PVS, PVC... chững lại đà giảm. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa thực sự khả quan do các tín hiệu đảo chiều quan trọng chưa xuất hiện.
Giá cao su trên sàn TOCOM (Tokyo Commodity Exchange) vẫn chưa vượt được mốc 200 JPY/kg. Như vậy, ngưỡng hỗ trợ quan trọng này đã bị phá vỡ được 3 tuần và khả năng về lại đáy cũ năm 2016 (vùng 145-160 JPY/kg) là hoàn toàn có thể xảy ra.
Một điểm đáng chú ý nữa là giá đường thế giới cũng đang trong tình trạng báo động. Chỉ số SGG (iPath DJ-UBS Sugar SubTR ETN) đại diện cho giá đường, giao dịch trên sàn NYSE Arca đã giảm hơn 40% kể từ đầu năm 2017 và đang về gần mức thấp nhất trong lịch sử. Nếu đà giảm này không dừng lại trong thời gian tới thì sự ảnh hưởng tiêu cực đến các cổ phiếu ngành đường trên thị trường là khá cao.
Diễn biến giá đường từ năm 2009
|