Thứ Ba, 20/06/2017 07:47

Kinh doanh lữ hành phải ký quỹ

Chiều 19-6, Quốc hội đã thông qua Luật Du lịch (sửa đổi), trong đó có quy định về kinh doanh lữ hành phải ký quỹ. Trong khi đó trước đây có ý kiến đề nghị cần xem xét lại điều kiện này bởi quy định như vậy sẽ gây khó khăn về vốn, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đó là một trong những nội dung của Luật Du lịch (sửa đổi), được các đại biểu Quốc hội thông qua với 438 phiếu tán thành (chiếm 89,21% tổng số đại biểu Quốc hội).

Luật Du lịch (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, còn Luật Du lịch số 44/2005/QH11 sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày luật mới này có hiệu lực thi hành.

Trước khi Luật Du lịch (sửa đổi) được thông qua, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của luật.

Chiều ngày 29-5 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi).

Ông Bình cho hay, ngay sau phiên thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật.

Các quy định về kinh doanh du lịch

Ông Bình cho biết, về kinh doanh lữ hành, có ý kiến đề nghị cần xem xét lại điều kiện kinh doanh phải ký quỹ bởi trên thực tế quy định này chưa phát huy hiệu quả, gây khó khăn về vốn, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kinh doanh lữ hành là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì kinh doanh dịch vụ lữ hành tiềm ẩn rủi ro về tính mạng, sức khỏe, tinh thần của khách du lịch. Phần lớn các nước trên thế giới quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phải ký quỹ để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho khách du lịch trong trường hợp bị thiệt hại hoặc trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản. Do đó nội dung này được giữ nguyên.

Có ý kiến cho rằng quy định hợp đồng phải được lập thành văn bản là lạc hậu, không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự. Trên thực tế, hợp đồng lữ hành được xác lập dưới nhiều hình thức như tin nhắn, email…

Song ông Bình cho rằng, Bộ luật Dân sự quy định hợp đồng có thể được giao kết bằng 3 hình thức: hành vi cụ thể, lời nói (hợp đồng miệng) và văn bản. Căn cứ vào Bộ luật Dân sự, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, các luật chuyên ngành có thể quy định hợp đồng dân sự được thiết lập bằng một trong các hình thức trên. Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 quy định: giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản. Như vậy, luật quy định hợp đồng lữ hành được giao kết bằng văn bản là hoàn toàn phù hợp.

Về đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, một số ý kiến đề nghị thực hiện việc đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện nhưng một số lại thống nhất theo nguyên tắc bắt buộc.

Ông Bình cho biết do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo gửi phiếu xin ý kiến Quốc hội và kết quả có 423 đại biểu trả lời, trong đó có 214 đại biểu (chiếm 50,6%) tán thành quy định đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch cần được xem là nhu cầu, quyền lợi của doanh nghiệp nên nếu thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tôn trọng, bảo vệ lợi ích, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được vận hành theo quy luật thị trường, giảm tác động của biện pháp hành chính. Đồng thời, để đảm bảo chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch, dự thảo luật quy định: trước khi được đưa vào kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch phải đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Đây là điều kiện mà tất cả các cơ sở lưu trú du lịch (đăng ký xếp hạng hoặc không đăng ký xếp hạng) đều phải đạt được.

Có ý kiến đề nghị nâng điều kiện cấp thẻ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế  từ cao đẳng lên đại học chuyên ngành du lịch.

Ông Bình cho hay, hướng dẫn viên du lịch là một nghề, đòi hỏi cao cả về kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ. Hiện nay, với chức năng đào tạo nghề nghiệp, hệ thống các trường cao đẳng về du lịch có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Hơn nữa, việc quy định điều kiện về trình độ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế phù hợp với chiến lược phân luồng đào tạo của nước ta hiện nay, đáp ứng nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng hướng dẫn viên trong thời gian tới.

Các chính sách phát triển du lịch

Khi góp ý cho dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), ông Bình cho biết một số ý kiến đề nghị không quy định về đô thị du lịch nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần quy định về nội dung này.

“Do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo gửi phiếu xin ý kiến và kết quả cho thấy, có 423 đại biểu trả lời, trong đó có 332 đại biểu (chiếm 78,5 %) tán thành không quy định về đô thị du lịch.  Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định nội dung về đô thị du lịch trong dự thảo luật”, ông Bình nói.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu kỹ về nguồn thu để không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và khách du lịch, đồng thời, nghiên cứu cách thức quản lý, điều hành để đảm bảo hiệu quả hoạt động. Một số ý kiến đề nghị bổ sung nguồn thu của quỹ trích từ phí tham quan du lịch, phí thị thực nhập cảnh và khoản thu từ khách du lịch; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định doanh nghiệp kinh doanh du lịch có trách nhiệm đóng góp...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý Điều 70 về "Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch" như sau: Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được hình thành từ vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; ngân sách nhà nước bổ sung hàng năm một phần trích từ nguồn thu phí tham quan, phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài; nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài...

Có ý kiến cho rằng chính sách phát triển du lịch còn chung chung, không rõ cơ quan chịu trách nhiệm thi hành, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết; bổ sung chính sách về thuế, ưu đãi về đầu tư, đất đai... khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu, điểm du lịch.

Về vấn đề này, ông Bình cho rằng, Luật Du lịch là luật chuyên ngành, không thể xây dựng một bộ luật về du lịch và quy định tất cả các vấn đề về đầu tư, xây dựng sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, trạm dừng, nghỉ trên các tuyến giao thông, chính sách "mở cửa bầu trời", giá điện, chính sách phù hợp về thuế sử dụng đất... vì điều đó sẽ dẫn đến sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, không phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

“Do đó trong dự thảo luật, nội dung về chính sách phát triển du lịch không chỉ được quy định tại Điều 5 mà còn được thể hiện tại một số điều, khoản khác như: giao Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo (khoản 2 Điều 18); giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có chính sách hỗ trợ về trang thiết bị cần thiết ban đầu, hỗ trợ xúc tiến... để phát triển du lịch cộng đồng (khoản 2 Điều 19)... Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo luật”, ông Thanh nói.

http://www.thesaigontimes.vn/161567/Kinh-doanh-lu-hanh-phai-ky-quy.html

Các tin tức khác

>   Theo đuổi tăng trưởng ngắn hạn, Việt Nam “có thể phải đánh đổi” (19/06/2017)

>   Tiếp tục chấm dứt hoạt động 2 công ty đa cấp (19/06/2017)

>   Thủ tướng yêu cầu TKV xử lý 9 triệu tấn than tồn kho (19/06/2017)

>   Trần ai mở thị trường mới! (19/06/2017)

>   Thuế nhập khẩu ô tô về 0%, gấp rút ứng phó (19/06/2017)

>   Quốc hội chuẩn bị biểu quyết hàng loạt vấn đề quan trọng (19/06/2017)

>   Ban hành nghị quyết riêng về tách dự án sân bay Long Thành (18/06/2017)

>   Xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm (18/06/2017)

>   Bộ Giao thông thúc thu phí tự động không dừng trên Quốc lộ 1 (18/06/2017)

>   “Cuộc chiến tiện lợi” vào giai đoạn khốc liệt hơn! (18/06/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật