Thứ Hai, 19/06/2017 21:47

Theo đuổi tăng trưởng ngắn hạn, Việt Nam “có thể phải đánh đổi”

Dẫn tin từ VnEconomy, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo kinh tế thường niên năm 2017. Chương 8 của báo cáo này - do TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR chủ biên - có đề cập đến một chủ đề thu hút nhiều sự chú ý thời gian gần đây: nhà nước kiến tạo.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR. Báo cáo thường niên kinh tế 2017 của VEPR chứa đựng nhiều khuyến nghị cho kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong chương này, TS. Thành phân tích các xu hướng diễn biến chính của kinh tế thế giới để nhận định mức độ rủi ro vĩ mô của kinh tế Việt Nam như FED tăng lãi suất USD, sự phụ thuộc quá lớn vào khối FDI, nợ công cao và chi cho đầu tư phát triển ngày càng giảm...

“Nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển buộc phải sử dụng các nguồn vốn vay, dẫn tới tình trạng nợ công gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Tình trạng mất cân đối ngân sách kéo dài và nợ công tăng liên tục tạo ra nhiều hệ quả cho nền kinh tế. Có thể kể đến những lo ngại về tương lai của nền kinh tế, với những bất định về rủi ro vĩ mô do một gánh nặng nợ quá lớn mang lại, khiến lãi suất tăng cao hoặc nguy cơ sụp đổ đồng tiền, đều tác động tiêu cực tới những quyết định đầu tư dài hạn trong nền kinh tế”, báo cáo viết.

Báo cáo của VEPR nhấn mạnh, ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ đã đặt quyết tâm rất cao trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng do Quốc hội đề ra là 6,7%, cho dù có nhiều cảnh báo mục tiêu này là kém khả thi. Các biện pháp nêu ra để đạt mục tiêu tăng trưởng mang tính kế hoạch hóa cao, chi tiết đến từng bộ ngành. Đặc biệt, ngành dầu khí được chỉ thị tăng cường sản lượng khai thác để tăng mức đóng góp vào GDP.

Trong bối cảnh đó, VEPR đã dự báo hai kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2017.

Kịch bản thứ nhất là tăng trưởng theo trạng thái gần với tình trạng “tự nhiên” của nền kinh tế. Trong kịch bản này, tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 dự báo đạt mức 6,37%. Mức tăng này phản ánh xu thế lớn của nền kinh tế là vẫn đang trong hướng hồi phục, nhưng chậm chạp.

Với kịch bản thứ hai, giả định mức tăng trưởng đạt chỉ tiêu 6,7%, muốn vậy, Chính phủ phải bảo đảm cam kết đốc thúc sát sao các ngành, các lĩnh vực đạt mức tăng sản lượng theo kế hoạch chi tiết đã đề ra.

Đặc biệt, ngành dầu khí được coi như một phương tiện để bù đắp các thiếu hụt về chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Vì lý đó, trong kịch bản này, khu vực kinh tế Nhà nước có sự tăng trưởng cao hơn trung bình những năm trước. Đồng thời, lĩnh vực khai khoáng cũng có mức tăng trưởng sản lượng lớn hơn các năm

Điều đáng chú ý là, theo VEPR, “việc Chính phủ phải dựa vào các đối tượng kinh tế để đạt chỉ tiêu tăng trưởng, có thể khiến Chính phủ phải thỏa hiệp với những điều kiện cải cách cứng rắn, qua đó trì hoãn những điều chỉnh mà một chính phủ kiến tạo cần thúc đẩy. Phương thức giao chỉ tiêu mà không tạo ra những cơ chế khuyến khích hay tạo động lực mới, sẽ không mang lại kết quả bền vững”.

Như vậy, theo VEPR, hoặc là Chính phủ sẽ luôn phải duy trì chế độ kế hoạch hóa (với hiệu quả giảm dần), hoặc nền kinh tế sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng thấp khi Chính phủ từ bỏ phương thức quản lý này.

VEPR cũng nhấn mạnh, việc theo đuổi tốc độ tăng trưởng cao trong ngắn hạn có thể phải đánh đổi bằng cơ hội phục hồi tăng trưởng bền vững trong trung hạn.

Về lạm phát, báo cáo cũng hạ dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2017, xuống mức thấp hơn 3,5%. Lý do điều chỉnh chủ yếu đến từ cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn diễn ra trong nửa đầu năm, góp phần khiến thực phẩm giảm mạnh.

Cụ thể hơn, trong kịch bản thứ nhất, khi tăng trưởng không bị gò ép nhiều, lạm phát cả năm có thể chỉ ở mức 2,35%. Đối với kịch bản hai, khi Chính phủ sử dụng nhiều biện pháp để kích thích kinh tế, mở rộng sản lượng, lạm phát có thể cao hơn một chút, nhưng cũng chỉ dừng ở mức 3,2%.

Theo VEPR, điều này cho thấy trong năm 2017, Chính phủ có nhiều không gian hơn để điều hành chính sách tiền tệ và các chính sách liên quan như điều chỉnh giá các dịch vụ công thiết yếu, cũng như nới rộng chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng nhằm kích thích kinh tế.

Do vậy, VEPR khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cởi trói cho doanh nghiệp, xây dựng một nhà nước kiến tạo thực sự. Đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại các nguồn lực cho tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô... có thể không mang lại kết quả mong muốn.

 

http://vneconomy.vn/thoi-su/theo-duoi-tang-truong-ngan-han-viet-nam-co-the-phai-danh-doi-20170618011832246.htm
Các tin tức khác

>   Tiếp tục chấm dứt hoạt động 2 công ty đa cấp (19/06/2017)

>   Thủ tướng yêu cầu TKV xử lý 9 triệu tấn than tồn kho (19/06/2017)

>   Trần ai mở thị trường mới! (19/06/2017)

>   Thuế nhập khẩu ô tô về 0%, gấp rút ứng phó (19/06/2017)

>   Quốc hội chuẩn bị biểu quyết hàng loạt vấn đề quan trọng (19/06/2017)

>   Ban hành nghị quyết riêng về tách dự án sân bay Long Thành (18/06/2017)

>   Xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm (18/06/2017)

>   Bộ Giao thông thúc thu phí tự động không dừng trên Quốc lộ 1 (18/06/2017)

>   “Cuộc chiến tiện lợi” vào giai đoạn khốc liệt hơn! (18/06/2017)

>   Australia chấp nhận tôm chế biến tại Việt Nam sau đó tái nhập khẩu (18/06/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật