[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ ACV: Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT
Ngày 28/06/2017, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhằm thông qua tổng doanh thu mục tiêu năm 2017 là 13,293 tỷ đồng (tăng 25%), lợi nhuận trước thuế 3,669 tỷ đồng (tăng 7%) và cổ tức dự kiến 9%.
Kết thúc đại hội, các cổ đông đã thông qua bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT là ông Lại Xuân Thanh (hiện là Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam) thay cho ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐQT ACV thôi làm thành viên HĐQT để nghỉ hưu theo chế độ.
Ông Lại Xuân Thanh chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020, là người đại diện phần vốn của Nhà nước tại Tổng công ty.
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của ACV
|
Tỷ lệ cổ tức sẽ chi trả cho năm 2016 là 6%, tương đương số tiền chi trả hơn 1,300 tỷ đồng. Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc ACV cho biết sau khi ĐHĐCĐ thông qua các nội dung đại hội Tổng công ty sẽ lên kế hoạch chia cổ tức, tuy nhiên thời gian chi trả chưa được xác định. Tổng công ty sẽ cố gắng thanh toán cho các cổ đông trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, theo phương án cổ phần hóa, Ban lãnh đạo ACV có chủ trương là thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty xuống dưới 75% tuy nhiên việc đàm phán với nhà đầu tư chiến lược là Aeróports de Paris (ADP - Pháp) hiện vẫn chưa đi đến kết quả do còn nhiều điểm chưa phù hợp với quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Theo quy định, ngày 31/3/2017 đã hết thời gian đàm phán chiến lược, nếu Chính phủ có ý kiến thì ACV sẽ đề xuất, báo cáo để thực hiện đúng lộ trình.
2019 khởi động xây dựng sân bay Long Thành
Đối với dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong năm 2016, ACV đã tổng hợp đầy đủ kết quả đánh giá của Hội đồng đánh giá xếp hạng phương án thi tuyển kiến trúc nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế Long Thành và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải. Trên cơ sở đó, ACV cũng đã hoàn thiện và sẽ phê duyệt đề cương, dự toán để chuẩn bị cho công tác đấu thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án để dự án có thể khởi công theo tiến độ.
Theo chia sẻ của ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, tối thiểu đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, đến năm 2019 sẽ khởi động và đến năm 2025 đi vào hoạt động.
Lãi trước thuế nửa đầu năm gần 2,300 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch
Tại đại hội, Ban lãnh đạo ACV cho biết ước tính nửa đầu năm doanh thu của Tổng công ty (đã loại trừ khu bay) đạt 7,286 tỷ, tương đương 55% kế hoạch cả năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2,298 tỷ, đạt 63% kế hoạch (so với mục tiêu lãi trước thuế 3,669 tỷ đồng cả năm).
Tính riêng quý 1/2017, tổng doanh thu của ACV đạt 4,082 tỷ đồng; trong đó doanh thu cung cấp dịch vụ đạt 3,566 tỷ đồng, chiếm 87%, còn 13% từ bán hàng và các hoạt động khác.
Lỗ chênh lệch tỷ giá đồng Yên Nhật “thổi bay” 647 tỷ đồng trong quý 1 do đánh giá lại các khoản mục tiền cuối kỳ. Ngoài ra, Tổng công ty phải trả chi phí lãi vay hơn 31 tỷ đồng. Cùng với các khoản chi phí khác, tổng chi phí tài chính cả kỳ của ACV là 683 tỷ đồng.
Kết quả quý 1/2017 ACV vẫn ghi nhận lãi trước thuế 941 tỷ đồng, tương đương 26.5% kế hoạch đề ra. Lãi ròng đạt 756 tỷ đồng.
Đầu tư 6,000 tỷ nâng cấp và sửa chữa các nhà ga
Theo ACV, năm 2017, ngành hàng không sẽ chịu tác động tiêu cực từ bất ổn chính trị và kinh tế, giá dầu tăng, an ninh, an toàn, khủng bố và các bệnh dịch toàn cầu ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại bằng đường hàng không.
Cùng với đó, Hội đồng quản trị ACV cho rằng, tăng trưởng của ngành được dự báo chậm hơn năm ngoái vì khi giá dầu thấp trong năm 2016, các hãng đã giảm đáng kể giá vé giúp sản lượng vận chuyển hành khách tăng trưởng rất mạnh, hệ số sử dụng ghế trung bình đạt tới 80%. Do đó, các hãng hàng không còn ít cơ hội để kích cầu.
Năm 2017, ACV đặt kế hoạch tổng hành khách quốc tế đạt 27 triệu khách, tăng 14% so năm 2016; khách nội địa 64 triệu khách, tăng 12%. Tổng lượng hàng hóa vận chuyển dự kiến 1,180 ngàn tấn, tăng 5% so với năm 2016.
Theo đó, tổng doanh thu mục tiêu là 13,293 tỷ đồng (tăng 25%), lợi nhuận trước thuế 3,669 tỷ đồng (tăng 7%) và cổ tức dự kiến 9%; các chỉ tiêu này không bao gồm hoạt động của khu bay. Ngoài ra, kế hoạch đặt ra chưa tính đến ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ mà chủ yếu là khoản nợ vay ODA bằng đồng Yên Nhật.
Tổng chi phí trong năm 2017 dự kiến gần 9,625 tỷ đồng chủ yếu tăng do chi phí sửa chữa tài sản. Tổng mức đầu tư thực hiện tại các cảng sân bay ước đạt hơn 6,000 tỷ đồng (tăng 33% so với năm 2016) với một số dự án tiêu biểu như đầu tư dự án mở rộng nhà ga hàng khách quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2 và mở rộng sân đỗ máy bay 21 ha ( 2,000 tỷ đồng); cải tạo sửa chữa nhà ga T1, mở rộng sân đỗ máy bay cảng hàng không Nội Bài (1,200 tỷ đồng); mở rộng nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay Cảng hàng không Phú Quốc để nâng công suất lên 5 triệu khách/năm (2,000 tỷ đồng),…
Ngoài ra, ACV cũng sẽ thực hiện các công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nâng cao năng lực khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Được biết, Tổng công ty cũng đã lên kế hoạch đầu tư 5 năm 2016-2020 tập trung đầu tư các dự án nâng cao năng lực khai thác hệ thống sân đường, hệ thống trang thiết bị khu bay tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài. Mở rộng sân đỗ máy bay tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài, Liên Khương, Buôn Mê Thuột, Cần Thơ, Côn Đảo…
Đồng thời mở rộng nhà ga hành khách, mở rộng sân đỗ máy bay, nâng cấp đường cất hạ cánh Phú Quốc. Sửa chữa cải tạo hệ thống sân đường khu bay tại Cảng hàng không Liên Khương, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo…
Theo đó, tổng mức đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không từ năm 2016-2020 lên tới hơn 31.6 ngàn tỷ đồng.
ACV dự kiến doanh thu thuần hợp nhất sẽ cán mốc 10,485 tỷ đồng vào năm 2020, tương đương với mức tăng trưởng bình quân 3%/năm. Lãi ròng ước đạt 1,216 tỷ vào năm 2017, 1,372 tỷ đồng năm 2018, chạm mức 1,626 tỷ năm 2019 và cán mốc 1,923 tỷ đồng năm 2020; tỷ lệ cổ tức dự kiến 5%.
Chưa đủ điều kiện lên HOSE
Trước đó, hồi nửa cuối tháng 11/2016, gần 2.2 tỷ cp ACV chào sàn UPCoM với giá tham chiếu 25,000 đồng/cp. Không ngoài dự đoán của giới đầu tư, ngày đầu tiên lên sàn, cổ phiếu ACV đã mau chóng tăng kịch trần lên 35,000 đồng/cp với dư mua gần 2 triệu đơn vị tại giá trần. Hiện cổ phiếu này đã tăng hơn 50% lên giao dịch quanh ngưỡng 52,000 đồng/cp phiên giao dịch 28/06/2017.
Với tổng giá trị đăng ký giao dịch là 21,771 tỷ đồng, ACV đã vượt Tài nguyên Masan (Masan Resources Corporation, UPCoM: MSR) và Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL, UPCoM: TVN) trở thành công ty có quy mô vốn lớn nhất giao dịch trên UPCoM.
Được biết, ACV cũng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn HOSE vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, chia sẻ tại hội, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết Công ty chính thức đi vào hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ tháng 4/2016 và lên UPCoM từ cuối năm 2016, đến nay đã tròn 9 tháng. Hiện nay trong cơ chế hoạt động và phương án cổ phần của Công ty thì khu bay vẫn đang thuộc cơ chế quản lý Nhà nước, kiểm toán cũng đang kiến nghị Nhà nước có quyết định nhanh chóng về quản lý khu bay. Vì vậy, điều kiện lên sàn HOSE chưa đủ.
ACV sẽ nhanh chóng thúc đẩy vấn đề này, khi hoàn thành và đáp ứng điều kiện thì sẽ báo cáo ĐHĐCĐ và lên sàn sớm nhất./.
|