Chủ tịch Hanoimilk lý giải vì sao phải kiêm chức Tổng giám đốc
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk, HNX: HNM) đã thông qua kế hoạch năm 2017 với sản lượng sản xuất và gia công đạt 11 triệu lít, tăng 18% so năm 2016. Doanh thu bán hàng 328 tỷ đồng, tăng 28%. Lợi nhuận trước thuế 3.67 tỷ đồng, tăng tới 50%.
Trong năm nay, Hanoimilk đẩy mạnh doanh số bán hàng các sản phẩm sữa chua ăn Hanoimilk, sữa tiệt trùng IZZI S+, sữa chua uống IZZI Yotuti, Dinomilk, thức uống dinh dưỡng IZZI Tiramisu, IZZI Choco Oats. Công ty cũng triển khai đầu tư dự án trồng cỏ chăn nuôi bò sữa tự nhiên tại Mê Linh, phấn đấu hoàn thành công tác hỗ trợ đền bù và giải phóng mặt bằng trong năm nay, sang năm 2018 triển khai xây dựng...
Năm 2016, Hanoimilk thực hiện được 221.6 tỷ đồng doanh thu thuần, đạt 71% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế 2.2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.7 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch.
Tại Đại hội, cổ đông thắc mắc, với kế hoạch năm 2017 sản lượng 11 triệu lít liệu có đảm bảo đạt kế hoạch về lợi nhuận hay không khi mà năm 2016 con số này là 9.9 triệu lít nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ 1.7 tỷ đồng. Ngoài ra, cổ đông cũng cho rằng Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc sẽ khó kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch Hà Quang Tuấn cho biết, từ ngày ông về làm Chủ tịch, đã có thỏa thuận với cổ đông lớn là chỉ làm mỗi vị trí này. Nhưng sau đó 2 tháng, Tổng giám đốc cũ cáo bệnh xin nghỉ, bán cổ phiếu. Vì vậy, tháng 7/2009, ông đã phải mời bà Nguyễn Thị Hồng về giữ chức Tổng giám đốc, "nhưng thực chất tôi vẫn phải điều hành và kết quả năm 2009 công ty có lãi hơn 12.9 tỷ đồng" - ông cho biết.
Đầu năm 2010, ông bị ốm nên buộc phải giao quyền quản lý Công ty cho bà Nguyễn Thị Hồng - Tổng giám đốc. Kết quả là năm 2010 lỗ hơn 20 tỷ đồng. "Sau đó tôi đã thử tuyển một vài Phó Tổng giám đốc để chuẩn bị cho vị trí Tổng giám đốc nhưng không thành công do các nhân sự cao cấp được tuyển dụng không thể hoàn thành công việc giao". Ông cho rằng, thực tế tại Việt Nam, hầu hết các công ty sữa lớn khác, Chủ tịch đã phải kiêm nhiệm Tổng giám đốc nhiều năm thì quản lý, điều hành tốt doanh nghiệp.
Với câu chất vấn của cổ đông về khoản lợi nhuận năm 2016 chỉ 1.7 tỷ đồng là quá bé so với chi phí tài chính hàng chục tỷ đồng, vậy tại sao không chia cổ tức cho cổ đông phấn khởi. Ông Tuấn cho biết, nếu không trả chi phí tài chính hơn 10 tỷ đồng thì sẽ bị ngân hàng siết nợ, thu hồi tài sản. Công ty đang phải tự đầu tư rất nhiều cho các dự án bằng nguồn vốn vay ngân hàng nên chi phí trả lãi cao, vì thế phải ưu tiền nguồn tiền trả gốc và lãi cho ngân hàng. Ban điều hành ghi nhận ý kiến về việc chia cổ tức bằng cách tăng vốn điều lệ, phát hành thêm cổ phiếu, và sẽ xem xét việc này vào năm 2017.
Ông phân tích, sản lượng và doanh thu theo kế hoạch năm 2017 tăng khoảng 28% so với năm 2016 nhưng giá vốn chỉ tăng 20%, nên lợi nhuận được tính ra vẫn có thể đạt 3.67 tỷ đồng. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp cao hơn kế hoạch khoảng 2.5 tỷ đồng là do Công ty đang triển khai các dự án đầu tư nên có nhiều chi phí tiếp khác, hội họp... vẫn phải hạch toán vào chi phí.
Hiện tại, ngoài siêu thị Lotte, tất cả các siêu thị khác đều có hàng của Hanoimilk. Tuy nhiên việc trưng bày sản phẩm chưa được tốt do Công ty chưa có đủ chi phí trả cho các siêu thị để duy trì liên tục việc trưng bày ở đầu các quầy kệ nên nhiều khi sản phẩm của Hanoimilk bị để vào chỗ khuất. "Hanoimilk cam kết là cổ đông nào muốn mua sản phẩm chỉ cần gọi điện là Công ty sẽ giao hàng tận nhà, cho dù chỉ gọi 1 thùng, giá bán bằng giá bán buôn cộng thêm chi phí vận chuyển." - ông khẳng định./.
|