Đề xuất phương án 'giải cứu' bất động sản trùm nền
Hiệp hội bất động sản TP.HCM tin rằng nếu cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế chuyển nhượng dự án bất động sản sẽ khai thông thị trường chuyển nhượng dự án, tái khởi động các dự án đang "trùm mền".
Đó là một trong những con số mà Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra trong văn bản gửi Ủy ban thường vụ quốc hội để góp ý một số nội dung với dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
HoREA dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: tính đến tính đến ngày 31/12/2016 nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng đã trên 160.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ.
Tính gộp tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu mà Công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được và nợ có nguy cơ cao trở thành nợ xấu trên cơ sở tính toán thận trọng của NHNN thì chiếm tỷ lệ khoảng 10,08% trên tổng dư nợ cho vay.
Trong khi đó, hàng năm nợ xấu vẫn phát sinh thêm 1,3 - 1,5% trên tổng dư nợ do các nguyên nhân khách quan, chủ quan. Đồng thời, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi năm khoảng 16% trong 05 năm tới NHNN dự kiến sẽ phát sinh thêm nợ xấu khoảng 350.000 tỷ đồng. Tổng nợ xấu sẽ lên đến khoảng 600.000 tỷ đồng.
Nhiều biệt thự, nhà phố tại một dự án ở quận 9, TPHCM xây dang dở rồi bỏ hoang từ nhiều năm nay-Ảnh: Thùy Linh
|
Theo HoREA Nợ xấu bao gồm cả hơn 90.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản trong nhiều năm qua. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến có nhiều dự án bất động sản "trùm mền", dở dang, riêng TP.HCM đã có khoảng 500 dự án ngừng triển khai.
HoREA cho biết Hiệp hội đã nhiều lần đề nghị sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để cho phép chuyển nhượng dự án theo cơ chế như nội dung được xác định tại điều 10 dự thảo "Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng", để giải quyết tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ngừng triển khai hiện nay.
Với việc ban hành cơ chế xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản trong dự thảo "Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng" được Quốc hội xem xét thông qua lần này, sẽ mở đường cho việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.
Hiệp hội đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế chuyển nhượng dự án bất động sản như nội dung trên đây sẽ giúp khai thông thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án, khai thông nguồn vốn, tái khởi động các dự án đang bị ngừng triển khai.
"Đây cũng là một giải pháp góp phần tích cực xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mà chủ thể thực hiện lại chính là các doanh nghiệp bất động sản, sử dụng nguồn vốn tư nhân, hoàn toàn không liên quan đến ngân sách nhà nước", HoREA nhấn mạnh.
http://plo.vn/kinh-te/de-xuat-phuong-an-giai-cuu-bat-dong-san-trum-nen-709275.html
|