Các hãng hàng không "mắc kẹt" vì hạ tầng sân bay
Hạ tầng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến các hãng hàng không đang hoạt động và dự định cất cánh bị "mắc ket". Vietnam Airlines đã tốn thêm khoảng 188 tỉ đồng năm 2016 do phải tăng giờ bay, còn Vietstar Airlines phải chờ được cấp phép cho các chuyến bay hành khách thương mại thường lệ cho đến khi việc mở rộng sân bay này hoàn tất.
Trong báo cáo về kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2016 mà Vietnam Airlines dự kiến sẽ trình Đại hội đồng cổ đông vào tuần tới, hãng hàng không quốc gia này cho biết năm ngoái, sự quá tải tại các sân bay, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất đã làm tăng giờ bay thực tế so với kế hoạch của hãng thêm 1.392 giờ, tăng chi phí 188 tỉ đồng.
Sự quá tải tại sân bay, nhất là các sân bay chính như Tân Sơn Nhất và Nội Bài, sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình sản xuất - kinh doanh của các hãng hàng không. Theo Vietnam Airlines, tổng tải cung ứng của toàn thị trường hàng không nội địa năm 2017 dự kiến là 40,6 triệu ghế, tăng 17% so với năm 2016. Tuy nhiên, tổng sức mua thị trường dự kiến chỉ tăng trưởng khoảng 9,5% dẫn tới thu suất bình quân toàn thị trường dự báo giảm 5% so với năm 2016 và chỉ bằng 78% so với năm 2015.
Sức mua giảm có thể sẽ bị tác động kép bởi tần suất số chuyến bay sẽ giảm do sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất dự kiến được đưa vào sửa chữa cuối năm 2017. Vietnam Airlines tính toán việc khai thác chuyến bay có thể bị giảm còn khoảng 70% so với hiện tại, với sân bay Nội Bài giảm từ 35 chuyến/giờ xuống còn 22-24 chuyến/giờ và Tân Sơn Nhất 40-42 chuyến/giờ xuống còn 28-30 chuyến/giờ. Các hãng dự kiến sẽ phải điều chỉnh giảm tối thiểu 15% tổng số chuyến bay đến TPHCM trong giờ bay ngày.
Dù Vietstar Airlines đã nộp đăng ký xin cấp phép kinh doanh vận tải hàng không từ tháng 5-2016 song bị Chính phủ yêu cầu phải đợi khi hạ tầng sân bay có thể đáp ứng. Thực tế Công ty hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt, tên đầy đủ của hãng này, đã thành lập từ năm 2010, đã khai thác vận chuyển hành khách thuê chuyến (charter), sửa chữa bảo dưỡng máy bay… nhưng chưa thể thực hiện các chuyến bay hành khách thương mại thường lệ trên các đường bay trong và ngoài nước.
Do trong hồ sơ cấp phép, Vietstar Airlines đã chọn Tân Sơn Nhất là sân bay căn cứ nên trong văn bản trả lời cách đây 2 tháng, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chỉ xem xét dự án đầu tư của hãng này sau khi hoàn thành mở rộng sân bay nhộn nhịp nhất Việt Nam này. Cũng trong văn bản đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT sau khi hoàn thành việc xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thì mới xem xét việc chấp thuận chủ trương đầu tư. Như vậy, trước mắt trong vòng 3 năm tới nếu phương án xây dựng nhà ga hay mở rộng sân bay chưa hoàn tất thì Vietstar Airlines vẫn sẽ còn phải đợi.
Một hãng khác cũng đang chờ đợi những động thái của nhà chức trách và điều kiện kinh doanh thực tế là liên doanh giữa Tập đoàn Thiên Minh với hãng hãng không giá rẻ AirAsia của Malaysia. Tuy AirAsia đã ký thỏa thuận cổ đông và hợp đồng mua bán 30% cổ phần với đối tác Việt Nam song chưa quyết định chính thức nộp hồ sơ đầy đủ và hoàn chỉnh phương án kinh doanh, sau khi Vietstar Airlines bị từ chối vì các khó khăn hạ tầng.
Trong một động thái khác, Tập đoàn FLC đang hoàn chỉnh hồ sơ nộp lên Cục Hàng không để xin cấp phép cho thành lập hãng hàng không có tên gọi mà họ dự kiến là Bamboo Air. Hướng kinh doanh ban đầu của hãng hàng không là đưa khách từ điểm du lịch này đến điểm du lịch khác, thay vì chỉ tập trung vào hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Chính phủ cũng vừa quyết định thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để giải tỏa ách tắc về hạ tầng dưới đất và trên không. Phương án mở rộng cụ thể thế nào sẽ phải chờ sau 6 tháng nữa và chắc chắn phương án theo hướng nào cũng sẽ tác động rất lớn đến kế hoạch kinh doanh của các hãng hàng không đang vận hành và các hãng đang có kế hoạch gia nhập thị trường hàng không nội địa.
http://www.thesaigontimes.vn/161438/Cac-hang-hang-khong-mac-ket-vi-ha-tang-san-bay.html
|