Dầu tụt dốc hơn 4.5% sau khi dự trữ dầu tại Mỹ bất ngờ tăng 3.3 triệu thùng
Giá dầu giảm mạnh trong ngày thứ Tư sau khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung dầu tại Mỹ bất ngờ tăng vọt, CNBC cho hay.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng thêm 3.3 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 26/05/2017, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 3.5 triệu thùng/ngày.
Tính tới lúc 10h (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI sụt 2.24 USD (tương đương 4.65%) xuống 45.95 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent lao dốc 1.66 USD (tương ứng 3.3%) xuống 48.46 USD/thùng.
Nguồn: CNBC
|
Nguồn cung xăng vọt 3.3 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với dự báo tăng 580,000 thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Còn dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu sưởi và dầu diesel, tiến 4.4 triệu thùng, cũng cao hơn so với dự báo tăng 281,000 thùng, dữ liệu EIA cho thấy.
Các hợp đồng xăng tương lai giao dịch trên sàn Nymex sụt 4% sau khi dữ liệu được công bố.
Cả dầu Brent lẫn dầu WWTI đều giảm 10% so với mức mở cửa trong ngày 25/05/2017, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất khác đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến tháng 3/2018.
Trong ngày thứ Ba, EIA cho biết nguồn cung dầu thô tại Mỹ có thể chạm mức kỷ lục 10 triệu thùng/ngày vào năm 2018, cao hơn so với mức 9.3 triệu thùng/ngày hiện nay, gần bằng với nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Ả-rập Xê-út.
Trước đó, giá dầu đã giảm sút do các mối lo ngại về tính hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng do OPEC dẫn dắt, khi tình trạng căng thẳng giữa OPEC và Qatar ngày càng leo thang và sản lượng dầu tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh.
Hồi cuối năm 2016, các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm 1.8 triệu thùng/ngày để xoa dịu tình trạng dư cung toàn cầu và kéo dự trữ toàn cầu về mức bình quân 5 năm.
“Thị trường chỉ cần phải kiên nhẫn”, Bjarne Schieldrop, Chuyên gia phân tích hàng hóa hàng đầu tại SEB Markets, cho biết. Ngoài ra, ông nói thêm việc cắt giảm dần nguồn cung dầu sẽ góp phần hỗ trợ giá.
Ông nói: “Chúng tôi nghĩ dự trữ dầu sẽ trở về gần mức bình thường vào cuối năm nay”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận thấy một rủi ro rằng sự cạnh tranh trong nội bộ OPEC có thể làm suy yếu tác động tích cực của thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Một số nước Ả-rập, bao gồm Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UEA), đã cắt đứt mối quan hệ ngoại giao và vận tải với Qatar – vốn là nhà sản xuất nhỏ.
Chính tình trạng căng thẳng trên đã gia tăng mối lo ngại về việc liệu thỏa thuận cắt giảm sản lượng có đủ để hỗ trợ giá dầu./.
|