Bông Bạch Tuyết - Khi ý kiến của cổ đông chỉ còn mang tính chất “tham khảo”
ĐHĐCĐ thường niên 2017 lần 3 của CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) đã thông qua phương án phát hành 2.96 triệu cp để tăng vốn lên 98 tỷ đồng, và đối tượng sẽ mua cổ phần phát hành là CTCP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên Huế (Unimex Huế) dù chỉ có 1 cổ đông duy nhất thuận ý.
* Thoát cảnh âm vốn, Bông Bạch Tuyết đang chuyển mình?
Ngoài ra, đề nghị đăng ký giao dịch cổ phiếu BBT lên UPCoM sau nhiều năm hủy niêm yết (từ 2009) cũng đang bỏ ngỏ. Cổ đông đã trích dẫn Thông tư 180/TT-BTC quy định về việc các công ty đại chúng hình thành trước 1/1/2016 bắt buộc giao dịch tại UPCoM trong thời hạn 1 năm, hạn chót tới 31/12/2016 và cho rằng đang làm sai luật và cố tình trì hoãn việc này.
Bất ngờ thay đổi tờ trình, toàn bộ cổ đông nhỏ lẻ phủ quyết bất thành
Tại Đại hội bất ngờ có thay đổi về tờ trình phát hành cho cổ đông chiến lược.
ĐHĐCĐ thường niên của BBT lần 3 được tiến hành ngày 09/06/2017 với tỷ lệ tham dự xấp xỉ 36% (26 cổ đông trên tổng số hơn 2,000 cổ đông) của tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Trong đó 1 cổ đông lớn nhất là CTCP Dệt may Gia Định (Giditex) đại diện cho 30% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, tương đương với 83% quyền biểu quyết tại Đại hội này.
|
Trước đó, theo tài liệu Đại hội lần thứ 3, BBT dự định phát hành cổ phần riêng lẻ tăng vốn điều lệ từ 68.4 tỷ lên 98 tỷ đồng. Danh sách cổ đông chiến lược gồm có 2 tổ chức là Giditex (đang là cổ đông lớn nhất của BBT) và Unimex Huế.
Tuy nhiên, Chủ tọa đoàn đã đề xuất thay đổi tờ trình ngay tại Đại hội với lý do là Giditex không tiếp tục tham gia và Unimex Huế sẽ mua toàn bộ số cổ phần trong lần phát hành riêng lẻ này. Như vậy, chỉ những ai tham dự Đại hội mới biết có sự thay đổi này, còn các cổ đông khác chiếm đến 64% số lượng cổ phiếu của Công ty hoàn toàn không biết trước về vấn đề này.
Một số cổ đông đã có ý kiến về phương án phát hành cũng như đối tượng tham gia mua cổ phần của BBT. Theo đó, cổ đông thắc mắc những năm Công ty bị lỗ thì im hơi lặng tiếng, đến nay BBT bắt đầu có lãi thì xuất hiện thêm đối tượng muốn trở thành cổ đông chiến lược và thâu tóm Công ty; tiêu chí chọn cổ đông chiến lược và nhu cầu vốn của Công ty như thế nào? Cổ đông khác đề nghị BBT cần xem xét lại mục đích tăng vốn là nhằm để phát triển sản phẩm chiến lược của Công ty hay vì bất động sản?
Đại diện BBT cho biết Công ty đang cần vốn, trước mắt để sửa chữa nâng cấp nhà xưởng, đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải… Hiện nay trên sổ sách BBT vẫn còn nợ hơn 56 tỷ đồng, do vậy HĐQT muốn xử lý nhanh các khoản nợ tồn đọng, lành mạnh hóa tài chính của Công ty nên đã đề xuất việc phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ và đã được ĐHĐCĐ thường niên ngày 26/10/2016 thông qua chủ trương này. Đối tượng chào bán trong phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ BBT với tiêu chí ngoài năng lực về tài chính…, đại diện BBT cho biết cổ đông chiến lược phải cùng đồng hành để phát triển Công ty bền vững.
Tuy nhiên, toàn bộ các cổ đông nhỏ lẻ tại Đại hội đã biểu quyết không tán thành phương án phát hành 30% vốn với tờ trình chọn đối tác chiến lược là Unimex Huế (tỷ lệ 17%), nhưng phương án này vẫn được thông qua dù chỉ có duy nhất một cổ đông đồng ý là Giditex với tỷ lệ biểu quyết chiếm đến 83%.
Tại Đại hội, đại diện của Giditex cho biết xin rút tên ra khỏi danh sách cổ đông chiến lược trong đợt phát hành này do giá bán 10,000 đồng/cp là cao.
Như vậy, dự kiến sau đợt phát hành thì Giditex và Unimex Huế sẽ nắm lần lượt 20.9% và 30% vốn của BBT.
Với tờ trình không được công bố trước này, các cổ đông nhỏ lẻ của BTT đã hoàn toàn mất tiếng nói trước 1 cổ đông. Việc thông qua vấn đề này tại Đại hội cũng giúp Unimex Huế thoát khỏi quy định chào mua công khai BBT.
Chưa kể, sau phát hành, với tỷ lệ sở hữu quá bán (trên 50% vốn) thì những cổ đông này nếu liên kết với nhau thì gần như hoàn toàn chi phối được Công ty.
Trên thực tế, hai cổ đông lớn này cũng tồn tại những mối liên hệ với nhau.
Sau Unimex Huế là ai?
Trong năm 2016, Unimex Huế đạt doanh thu 130 tỷ và lợi nhuận sau thuế 46 tỷ đồng. Công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm 2017 với doanh thu 132 tỷ và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng.
|
Unimex Huế được thành lập từ năm 1976, Công ty phát triển và tạo được thương hiệu riêng với các ngành hàng truyền thống như thêu tay, may hàng áo Kimono truyền thống Nhật Bản. Công ty cũng có nhà máy may công nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng cho các Tập đoàn của Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Trước 30/06/2016, Unimex Huế có mối quan hệ với Giditex thông qua ông Lê Hùng. Khi đó Tổng giám đốc Lê Hùng của Giditex đang có mặt trong danh sách HĐQT của Unimex Huế. Ông Lê Hùng đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của SXKD & XNK Bình Thạnh (HOSE: GIL), đơn vị sở hữu gián tiếp Unimex Huế với tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết là 64.8%.
Đến cuối năm 2016, danh sách công ty con được hợp nhất vào GIL không còn xuất hiện tên Unimex Huế. Cơ cấu cổ đông của Unimex Huế vào đầu năm 2017 thay đổi với sự có mặt của Tổng CTCP Phong Phú - chiếm 73.9% vốn. Unimex Huế có vốn điều lệ 95 tỷ đồng. Tuy đổi cổ đông lớn, tuy nhiên thành viên mới này cũng không mấy xa lạ với Giditex. Tổng CTCP Phong Phú đang cùng với Giditex sở hữu lần lượt 25% vốn và 38.6% vốn tại CTCP Dệt may Gia Định - Phong Phú./.
|