Bản chất vẫn là chuyện nhập khẩu song song
Còn nhớ mới năm ngoái nhiều báo đã đồng loạt lên tiếng thúc giục bãi bỏ Thông tư 20. Đại khái thông tư này yêu cầu thương nhân nào muốn nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy chỉ định hay giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu hay nhà phân phối của chính hãng sản xuất kinh doanh loại ô tô đó. Quy định này trong thực tế là một rào cản không thể vượt qua nên thị trường từ chỗ có hàng ngàn doanh nghiệp nhập khẩu ô tô về bán đến nay hầu như chỉ còn nhập khẩu chính hãng.
Lạ một điều, tuần này hàng loạt báo lại lên tiếng, lần này ngược lại, phản ứng dự thảo một nghị định kinh doanh ô tô chỉ vì dự thảo này không ràng buộc nhà nhập khẩu với nhà sản xuất; chẳng hạn chỉ yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cam kết về việc triệu hồi xe khi cần mà bỏ qua trách nhiệm của nhà sản xuất. Hay nói cách khác năm ngoái báo chí phản đối Thông tư 20 nay dự thảo nghị định bỏ cái “tinh thần Thông tư 20” ấy thì báo chí cũng lại phản đối!
Nói cho sòng phẳng thì không hẳn là báo chí phản đối hay ủng hộ mà sự phản đối hay ủng hộ đó có lẽ là do người viết tiếp cận thông tin, năm ngoái chủ yếu từ các doanh nghiệp nhập khẩu tự do, năm nay chủ yếu từ các doanh nghiệp nhập khẩu chính thức. Nhà sản xuất lúc nào cũng vậy, muốn kiểm soát hệ thống nhập khẩu và phân phối của mình để từ đó mới dễ dàng hoạch định chiến lược giá hay chiến thuật sản phẩm. Vì thế họ không muốn có ai chen ngang tự nhập xe từ thị trường khác về bán theo giá hay theo chính sách họ không kiểm soát được. Chính vì vậy các nhà sản xuất, các đại lý nhập khẩu chính hãng lúc nào cũng vận động hành lang sao cho các chính sách hạn chế nhập khẩu tự do theo kiểu Thông tư 20 được ban hành và áp dụng.
Các doanh nghiệp nhỏ lúc nào cũng tìm cơ hội làm ăn - thấy có chênh lệch giá thì nhảy ra tìm cách nhập xe về bán, kiếm lãi. Người làm ăn lâu dài ắt phải nghĩ đến việc hậu mãi như bảo trì, bảo dưỡng; người làm ăn cò con chỉ chăm chăm làm sao bán được nhiều xe càng tốt. Vì thế, nghe phía nào cũng sẽ thấy hợp tình hợp lý, tùy vào góc nhìn, kể cả các lý lẽ phản đối.
Trong bối cảnh đó, mối quan tâm hàng đầu của những nhà hoạch định chính sách là làm sao bảo đảm quyết sách họ đưa ra không chịu tác động của các nỗ lực vận động, có thể được khuếch đại lên bởi dư luận và báo chí. Còn giả dụ họ “tự nguyện” bị tác động thì đó đã là một dạng tham nhũng quyền lực, ở đây chúng ta chưa bàn tới.
Thứ hai là làm sao để xã hội có đầy đủ thông tin trong mọi tình huống, giả dụ để người tiêu dùng ham rẻ, mua hàng nhập khẩu không chính hãng, lường trước họ sẽ gặp khó khăn trong bảo hành, bảo dưỡng so với hàng chính hãng.
Thứ đến mới là sự cân nhắc chúng ta đang đặt ưu tiên hàng đầu cho cái gì, từ đó mới có chính sách tương ứng: ưu tiên giúp người tiêu dùng mua được ô tô giá rẻ, để thị trường không bị các nhà sản xuất áp đặt giá, hay ưu tiên vẫn là thu cho ngân sách càng nhiều càng tốt?
Nếu muốn tạo ra một áp lực buộc các nhà sản xuất phải định giá đúng trong tương quan với các thị trường lân cận thì nên tạo điều kiện cho nhập khẩu song song, tức là nới lỏng điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu tự do. Các mối lo khác như chuyện bảo hành, bảo dưỡng có chuyên nghiệp hay không nên để các mối quan hệ thị trường giải quyết. Các hãng xe lớn đều áp dụng chính sách bảo hành, bảo dưỡng toàn cầu chứ không thể phân biệt đối xử hàng nhập chính hãng hay không. Chuyện triệu hồi cũng vậy, vì uy tín và sự an toàn của người sử dụng, các hãng phải áp dụng chính sách triệu hồi cho mọi xe, vấn đề là xe nhập không chính hãng có thể phải chịu thêm một số chi phí.
Thật ra với các dòng xe phổ thông tỷ lệ nhập khẩu song song cũng sẽ chỉ chiếm một phần rất nhỏ bởi đa phần người mua đều muốn đến các đại lý chính thức giao dịch để hưởng các cam kết hậu mãi, muốn xe mình mua nằm trong hệ thống bảo trì, bảo dưỡng chuyên nghiệp, chính thống. Chênh lệch giá nếu có giữa các loại xe chính hãng và nhập song song cũng sẽ không đáng kể. Có chăng là ở các dòng xe sang, xe hiếm, giá cả chênh lệch rất lớn giữa các thị trường khác nhau nên mới là động lực cho các nhà nhập khẩu nhỏ lẻ nhảy vào kiếm lợi nhuận.
Dù sao, một thị trường có cạnh tranh với nhiều nhà nhập khẩu phân phối cùng một thương hiệu xe lúc nào cũng tốt hơn một thị trường khép kín, tạo ra thế độc quyền, dù vô tình hay hữu ý.
http://www.thesaigontimes.vn/161636/Ban-chat-van-la-chuyen-nhap-khau-song-song.html
|