Tăng phí ATM cần đi kèm tăng chất lượng dịch vụ
Một số ngân hàng (NH) thương mại vừa gửi kiến nghị lên NH Nhà nước về việc có lộ trình điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM nhằm bảo đảm bù đắp một phần chi phí cho các NH có đầu tư hệ thống ATM.
Các NHTM đang kiến nghị điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM. Ảnh: P.V
|
Hiện các NH thương mại đang tiến hành thu phí giao dịch qua ATM theo thông tư 35/2012 của NH Nhà nước quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (ATM), với mức thu tối đa phí rút tiền nội mạng và ngoại mạng là 3.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm thuế GTGT). Tuy nhiên, các ngân hàng than phiền mức phí này thu không đủ bù chi.
Cái lý mà các ngân hàng đưa ra đó là với mức phí hiện nay họ đang phải gồng mình chịu lỗ. Theo tìm hiểu thì hiện nay, đối với các giao dịch rút tiền mặt của thẻ ghi nợ nội địa từ máy ATM ngoài hệ thống, có 23 ngân hàng đang thu phí với mức phí phổ biến là 3.000 đồng/giao dịch. Những ngân hàng đang có chính sách miễn phí chủ yếu là các ngân hàng nhỏ có hệ thống ATM khiêm tốn, nên chi phí đầu tư, bảo trì hệ thống ATM của các ngân hàng này rất nhỏ, do đó không phải chịu áp lực lớn về việc thu phí cho các giao dịch qua ATM.
Với những ngân hàng có sự đầu tư bài bản thì với mức thu phí rút tiền như hiện nay NH đang bị lỗ. Bởi mức chi phí đầu tư cho một giao dịch rút tiền qua ATM khoảng 7.000 đồng (tùy theo mức đầu tư của mỗi ngân hàng) thì mức thu phí rút tiền như hiện nay ngân hàng đang bị lỗ. Với 3.300 đồng/lần phí rút tiền thu từ chủ thẻ ngoài hệ thống, NH chỉ nhận được 1.650 đồng, còn lại trả cho trung gian thanh toán nên đề nghị tăng phí nhằm bù đắp một phần chi phí cho NH đầu tư hệ thống ATM là dễ hiểu.
Theo các ngân hàng thì phải có lộ trình tiếp tục tăng phí để ngân hàng có thể bù đắp chi phí và tái đầu tư, bảo dưỡng, duy tu hệ thống ATM cũng như các chi phí vận hành, chi phí vốn cho lượng thanh khoản duy trì tại các máy ATM. Tăng phí cũng được cho là nhằm hạn chế khách hàng rút tiền mặt, theo định hướng tăng cường hoạt động thanh toán qua hệ thống ngân hàng, giảm lưu lượng tiền mặt trong nền kinh tế.
Trong khi đó, với người sử dụng thẻ hiện nay họ than phiền rằng có cảm giác dường như các ngân hàng đang bắt chẹt khách hàng với đủ các loại phí như nhắn tin tài khoản, in sao kê, rút tiền nội - ngoại mạng, mở thẻ, duy trì số dư trong tài khoản, SMS Banking... Mới đây nhất, mức phía sử dụng Internet Banking của các ngân hàng cũng đã được âm thầm tăng.
Nay tiếp tục đề xuất tăng phí giao dịch qua ATM là không hợp lý. Ngoài ra câu hỏi mà các khách hàng đặt ra đó là phí tăng nhưng chất lượng dịch vụ vẫn chưa thấy tăng xứng đáng. Vẫn còn không ít tình trạng nhiều ngân hàng nạp tiền mệnh giá nhỏ khiến khách sử dụng thẻ phải rút nhiều lần nên chịu phí nhiều lần. Hay như ngay trong những dịp tết, lễ thời gian vừa qua, dù NHNN liên tục chỉ đạo không để xảy ra tình trạng máy ATM ngừng phục vụ hay hết tiền, thế nhưng tình trạng xếp hàng và đi về tay không vẫn diễn ra, nhu cầu của người dân vẫn chưa được đáp ứng kịp thời, cảnh “ách tắc” vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Theo quan điểm của không ít chuyên gia tài chính thì trong thời điểm này các NH thương mại chưa nên tăng phí giao dịch qua ATM bởi vì phải thừa nhận thực tế hệ thống thanh toán hiện nay còn nhiều hạn chế và chỉ mới phổ biến tại một số đô thị lớn. Việc các ngân hàng phải thu phí dịch vụ liên quan thẻ ATM là hợp lý vì ngân hàng phải bỏ tiền ra để đầu tư máy móc thiết bị. Ngoài ra, ngân hàng cũng phải có chi phí lắp đặt, vận hành, bảo trì, an ninh… Tuy nhiên, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam chỉ mới có phần khởi sắc. Để giảm lượng giao dịch rút tiền mặt, các ngân hàng nên phát triển hệ thống thanh toán tốt hơn và trải rộng khắp, thay vì chỉ tập trung tại các thành phố lớn như hiện nay. Khi đó tức khắc người dân sẽ giảm dần thanh toán bằng tiền mặt và ngân hàng cũng giảm được chi phí duy trì hoạt động hệ thống ATM. Các ngân hàng cần cân nhắc kỹ mức phí hợp lý để hài hòa giữa lợi ích người sử dụng cũng như phía ngân hàng. Từ đó, các ngân hàng mới có thể đẩy mạnh các dịch vụ này để đi theo hướng ngân hàng hiện đại, tăng doanh thu dịch vụ và tiết giảm chi phí.
Ngay bản thân về phía NHNN cũng có quan điểm là chưa nên tăng phí ATM vào thời điểm này. Được biết, theo thống kê của NH Nhà nước cho thấy hiện có khoảng 13 NH áp dụng thu phí rút tiền nội mạng từ 500 đồng - 3.000 đồng/lần giao dịch, các NH áp dụng nhiều mức phí khác nhau và chưa sử dụng hết trần cho phép nên NH Nhà nước chưa nghiên cứu lộ trình tăng phí tiếp theo.
http://laodong.com.vn/tien-te-va-dau-tu/tang-phi-atm-can-di-kem-tang-chat-luong-dich-vu-663562.bld
|