Rủi ro đạo đức của 'quả đấm thép' trỗi dậy: Vì sao?
Cơ chế khuyến khích mặt tích cực, ngăn chặn động cơ trục lợi của cán bộ đại diện vốn, quản lý DNNN không thực sự phát huy hiệu quả, do đó rủi ro đạo đức trỗi dậy.
TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, là một trong những người tham gia nhiều đề án về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và kinh tế tư nhân được chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 5 vừa bế mạc.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Lê Xuân Sang nhận định: “Cho đến thời điểm này, có thể nói hầu hết các DNNN chưa hoàn thành sứ mệnh đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ, là công cụ để Nhà nước điều hành kinh tế vĩ mô và trở thành những quả đấm thép, ngoại trừ hiếm hoi một vài DN có đặc thù”.
Một sản phẩm của Vinashin. Ảnh: TL
“Củ cà rốt thì to, cây gậy thì bé”
. Phóng viên: Như vậy từ khi nào vấn đề DNNN không làm tròn sứ mệnh mà họ được giao cho?
+ TS Lê Xuân Sang: Thời điểm được coi là mốc mà DNNN bộc lộ những yếu kém dẫn đến sai phạm, gây ra các tác động tiêu cực là sự đổ vỡ của Vinashin, Vinalines.
Trước đó, vai trò chủ đạo của DNNN được gọi là cú đấm thép, đáng tiếc là không có nội hàm cụ thể. Sự đổ vỡ, làm ăn thất bát và nợ nần trỗi dậy rất mạnh mẽ. Từ những điều này mới khiến nội hàm cú đấm thép hay vai trò chủ đạo mới được xem xét.
. Nhưng thưa ông, ngoài sứ mệnh và vai trò được kỳ vọng thì DNNN được trao cho rất nhiều lợi thế từ đất đai, tài chính, cơ chế, chính sách, kể cả việc sắp xếp những nhân sự cấp cao. Vậy vì sao DNNN lại không hoàn thành sứ mệnh và tệ hơn, như ông nói, thua lỗ và đổ vỡ?
+ Thông thường mô hình DNNN ở phần lớn các nước không có hiệu quả lâu dài, ngoại trừ một vài nước, ví dụ như Singapore. Những DNNN ở Singapore hoạt động hiệu quả là nhờ quản trị và bộ máy nhân sự được tuyển chọn.
Trong khi chúng ta ưu đãi DNNN, kỳ vọng và trao cho nguồn lực nhưng quản trị mà ta thiết lập cho DNNN là không tốt. Nhiệm vụ, chế tài, khen thưởng không tương xứng với nguồn lực được trao. Có quá nhiều yếu tố chi phối điều này.
. Yếu tố chi phối lớn nhất là gì, thưa ông?
+ Đầu tiên là vấn đề tách bạch sở hữu, lợi ích nhóm, người đại diện DNNN không rõ ràng. Cơ chế khuyến khích mặt tích cực, ngăn chặn động cơ trục lợi của cán bộ đại diện vốn, quản lý DNNN không thực sự phát huy hiệu quả, do đó rủi ro đạo đức trỗi dậy. Hậu quả là nhiều DNNN, kể cả DN liên doanh hoạt động kém hiệu quả, với vốn nhà nước bị teo tóp, thất thoát.
Về đội ngũ quản trị thì rất tiếc, những tiêu chuẩn mà chúng ta đặt ra lại chưa nghiêng về những tiêu chí kinh tế phù hợp với tiêu chí tiên tiến của thế giới. Điều này cho đến nay vẫn chưa thay đổi trong khi việc đào tạo những người có tư duy quản lý kinh tế mới là yếu tố hàng đầu của quản trị DNNN.
Cách thưởng phạt, tuyển chọn, đề bạt (như vụ Sabeco), rồi thành viên độc lập trong hội đồng quản trị chưa chuyên nghiệp, chưa thuần túy kinh tế, chưa có chế tài đủ mạnh. Nói cách khác, “cây gậy và củ cà rốt” chưa rõ ràng và chưa có tác dụng. Củ cà rốt thì to mà cây gậy thì nhỏ. Ấy là chưa kể tới việc chưa ai dùng cây gậy, tức là các chế tài.
Điều thể hiện rõ nhất như anh thấy là những vụ việc lãnh đạo DNNN làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng gần đây dường như chưa bị làm sao cả.
Nên có nhiều trụ cột
. Nhưng dù sao thì vai trò chủ đạo của DNNN cũng đã được khẳng định và áp dụng nhiều thập niên, thưa ông?
+ Vấn đề là khi ta trao cho DNNN vai trò chủ đạo thì có những thế lực và nhóm lợi ích dựa vào đó để trục lợi và làm yếu đi những động lực khác. Những thành phần kinh tế khác yếu đi thì xu hướng độc quyền do vị thế chứ không phải do năng lực của DNNN lại trỗi dậy.
Không chỉ thế mà còn là chế độ tách bạch sở hữu, chế độ bổ nhiệm, bãi nhiệm đã không rõ ràng. Singapore không thế, mức độ độc lập của DNNN trong vận hành và ra quyết định kinh doanh rất cao. Việt Nam ta rất tiếc không có điều này.
. Nhưng những yếu kém của DNNN đã được nhận ra từ lâu, thế tại sao quá trình đổi mới hay cải tổ DNNN lại diễn ra chậm chạp như vậy?
+ Vấn đề là sức ép thay đổi rất ít. DNNN được ưu đãi quá nhiều, những lĩnh vực không cần sở hữu nhà nước quá lớn cũng không chịu sức ép từ thị trường.
Trong khi đó, Trung Quốc ép các DNNN lớn phải niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế. Còn các DNNN của ta, dù được đề xuất niêm yết ra quốc tế đã từng được đưa ra 15 năm trước nhưng nỗi sợ cố hữu về “công khai, minh bạch” đã ngăn cản biện pháp này.
Thể chế thúc đẩy cạnh tranh cũng không có khiến cho lãnh đạo DNNN không có động lực học hỏi.
. Vậy làm sao để khắc phục những khiếm khuyết như ông vừa đề cập?
+ Để giải quyết vấn đề này, chúng ta không nên xác định thành phần kinh tế nào là chủ đạo mà nên coi nền kinh tế có nhiều trụ cột, bao gồm cả kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân. Điều này sẽ giải quyết được những vấn đề về lý thuyết phát triển.
Phải xác lập được mô hình quản trị, cơ chế giám sát đối với DN theo các tiêu chuẩn của thế giới. Không vì những đặc thù mà không áp dụng những tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại này.
Đội ngũ làm lãnh đạo DNNN phải được đào tạo và tuyển lựa dựa trên những tiêu chí chuyên nghiệp, tư duy và chiến lược thuần túy kinh tế. Cơ chế thưởng phạt phải thật rõ ràng.
Những DNNN thuộc các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ tỉ lệ chi phối phải buộc niêm yết ở nước ngoài. Điều này nhằm cải tổ quản trị DNNN, thu hút vốn bên ngoài cho nền kinh tế, tạo nguồn thu mới cho ngân sách đang ngày càng cạn kiệt và tạo thông lệ tốt cho quản trị hiện đại.
Cuối cùng là tách bạch sở hữu và quản lý nhà nước đối với DNNN.
. Xin cám ơn ông.
Lợi ích quá lớn
. Các DNNN đã được yêu cầu, thậm chí là ép buộc phải cổ phần hóa nhưng vì sao tiến trình này vẫn rất chậm chạp?
+ TS Lê Xuân Sang: Vấn đề là quy chuẩn và hiệu lực của mệnh lệnh chưa rõ ràng. Hơn nữa, việc chậm cổ phần hóa đôi khi mang lại lợi ích lớn hơn cho ban lãnh đạo một DNNN cần phải cổ phần hóa.
Chậm cổ phần hóa cùng lắm là bị phạt. Nhưng chuyện phạt ấy chẳng là gì so với lợi ích mà chậm cổ phần hóa mang lại cho nhóm lợi ích. Trong khi “cây gậy và củ cà rốt” đã không được vận dụng.
|
http://plo.vn/kinh-te/rui-ro-dao-duc-cua-qua-dam-thep-troi-day-vi-sao-701073.html
|