Tổng bí thư: Nhà nước cần đột phá để kinh tế tư nhân phát triển
Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 5, ngày 10/5.
Sau 5 ngày làm việc, hội nghị Trung ương 5 bế mạc hôm nay (10/5) - Ảnh: VGP.
|
Trong phát biểu này, ông cũng làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan đến thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tài nguyên đất đai, doanh nghiệp Nhà nước và kinh tế tư nhân...
Gỡ vướng thể chế, minh bạch đất đai
Tổng bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận sôi nổi, quán triệt sâu sắc, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới, quan trọng của nghị quyết Trung ương 6 khoá 10 về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trung ương thống nhất cho rằng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản trong đường lối phát triển kinh tế ở nước ta, một sáng tạo mới của Đảng ta về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tổng bí thư nói, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo Tổng bí thư, có 5 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện tốt trong nhiệm kỳ khoá 12.
Trong đó có nhiệm vụ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, tinh giản bộ máy, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị.
Người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhấn mạnh, trước mắt, cần khẩn trương rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế kinh tế, để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn.
Nội dung tiếp theo được Tổng bí thư lưu ý, là hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên, khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này.
Tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất, nhằm hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn.
Công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công, tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ đất giao cho các cộng đồng và doanh nghiệp Nhà nước sử dụng.
Đồng thời, đổi mới căn bản và toàn diện công tác xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và phân bổ các nguồn lực của Nhà nước thực sự theo tín hiệu và cơ chế thị trường, khắc phục tình trạng “xin - cho”, chủ quan, duy ý chí.
Đẩy mạnh cải cách tiền lương, tiền công, gắn với xây dựng, thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo...
Kinh tế tư nhân, “động lực quan trọng”
Khái quát lại vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, Tổng bí thư nhận định: từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ, chúng ta đã thừa nhận kinh tế tư nhân “là một trong những động lực”, và đến nay “là một động lực quan trọng”, để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Theo Tổng bí thư, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể làm nòng cốt để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.
Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Tổng bí thư nhấn mạnh, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, cần có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xoá bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước, doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch; ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, đặc biệt là phòng chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, “thao túng chính sách”, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.
Thường xuyên chăm lo tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực…
Phòng ngừa “nhóm lợi ích”
Một số vấn đề về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước cũng được Tổng bí thư làm rõ thêm.
Tổng bí thư yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp mới có tính đột đột phá đã được Trung ương nhất trí cao thông qua.
Như, tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản.
Khẩn trương hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
http://vneconomy.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nha-nuoc-can-dot-pha-de-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-20170510061357228.htm
|