OPEC có cần dầu đạt giá 80 USD/thùng không?
Tuần trước, giới phân tích đã nói về tầm quan trọng của những lời nói đến từ hai quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong một cuộc họp hồi cuối tuần là Ả-rập Xê-út và Nga. Cả hai đều phát biểu rằng bằng “mọi giá” để cắt giảm nguồn cung (nghĩa là họ sẽ làm bất cứ chuyện gì để đẩy giá dầu lên cao hơn), Forbes cho hay.
“Khi bạn nghe những lời này được nói ra từ các nhà làm chính sách, những người mà có thể hoạch định kết quả, thì nó sẽ thu hút được sự chú ý của mọi người”, một chuyên gia phân tích cho hay. Điều đó đã có tác dụng từ ông Mario Draghi và đang có hiệu quả với chính quyền Nhật Bản. Và dường như cũng có tác dụng với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Lần đầu tiên trong 8 năm, OPEC đã cắt giảm sản lượng hồi tháng 11/2016. Tuy nhiên, giá dầu thô đã không thể dao động theo ý họ. Giá dầu vẫn bị “mắc kẹt” giữa khoảng 43-55 USD/thùng. Và sắp có một cuộc họp của OPEC vào ngày thứ 5, với những kỳ vọng rằng thỏa thuận cắt giảm sẽ được kéo dài đến hết tháng 3 năm sau.
Nên nhớ rằng, chính OPEC đã gây ra đợt lao dốc giá dầu bắt đầu vào đêm lễ Tạ ơn năm 2014 (khi ấy khoảng 70 USD/thùng) và kết thúc ở mức trên 26 USD/thùng trong 1.5 năm sau đó. Quyết định từ chối cắt giảm của họ vào cuối năm 2014 đã khơi mào cho cơn lao dốc, với mục đích là nhằm “nghiền nát” ngành dầu đá phiến của Mỹ. Điều đó suýt có tác dụng. Trước tháng 1 vừa qua, ai cũng nghĩ rằng phân nửa các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ bị phá sản trước khi cơn lao dốc giá dầu chấm dứt. Rốt cuộc, hơn 100 công ty nhỏ có liên quan đến dầu ở Mỹ đã đệ đơn xin phá sản.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, mọi người thấy rằng giá dầu rẻ không những đe dọa ngành dầu đá phiến của Mỹ (mà hóa ra là cũng đe dọa đến hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu), mà còn gây khó khăn cho cả các quốc gia thành viên trong OPEC.
Quốc gia đứng đầu tổ chức này là Ả-rập Xê-út đã bị mất doanh thu nghiêm trọng từ những đợt lao dốc giá dầu do mình tự gây ra, khiến họ đang phải “ôm” một quả bom hẹn giờ không mong muốn về mặt kinh tế. Vương quốc của những ông hoàng Ả-rập này hiện mất khoảng 80% nguồn thu từ dầu, khiến thâm hụt ngân sách lên đến hơn 15% GDP.
Để tiện so sánh, châu Âu cũng đã có một trường hợp tương tự, đó là Hy Lạp, thành viên “xác sống” nổi tiếng của khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (eurozone) suốt thời gian qua, cũng từng bị thâm hụt ngân sách 15%, mức tồi tệ nhất hồi năm 2009.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện cho rằng Ả-rập Xê-út cần dầu đạt mức 83 USD/thùng để cân bằng lại ngân sách của mình. Và dường như họ đang cố gắng giải quyết chuyện này./.
|