Thứ Tư, 24/05/2017 15:30

Đâu mới là lý do thực sự khiến Ả-rập Xê-út và Nga đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm?

Thoạt nhìn, các đợt cắt giảm của OPEC dường như không hiệu quả vì dự trữ dầu toàn cầu vẫn ở trên mức bình thường. Tuy nhiên, kế hoạch này đã mang lại một lượng tiền mặt đáng kể cho kho bạc của các quốc gia thành viên, Bloomberg cho hay.

 

Chính lượng tiền tăng vọt từ việc bán dầu (nhờ giá dầu tăng) là lý do giải thích tại sao Ả-rập Xê-út và Nga đang ra sức thuyết phục những quốc gia khác kéo dài thỏa thuận cắt giảm thêm 9 tháng nữa cho tới cuối tháng 3/2018.

“Không nghi ngờ gì nữa, đây đều là vì nguồn thu dầu”, Bhushan Bahree, Giám đốc cấp cao tại IHS Markit, cho biết.

Vào đầu tháng này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) – tổ chức cố vấn chính sách về dầu mỏ cho các quốc gia giàu có – cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có động cơ về tài chính để gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Theo ước tính của IEA, trong 3 tháng đầu tiên của năm 2017, số tiền OPEC kiếm được mỗi ngày cao hơn gần 75 triệu USD so với quý 4/2016, mặc dù họ phải cắt giảm sản lượng từ mức 33.3 triệu thùng xuống 31.9 triệu thùng/ngày. IHS Markit cho biết Nga – quốc gia sản xuất dầu ngoài OPEC – cũng kiếm được nhiều hơn khi tham gia vào thỏa thuận cắt giảm.

OPEC và các đồng minh tin rằng họ có thể tiếp tục có lợi nhuận nhiều hơn dù bơm dầu ít hơn. Thậm chí, dù tỏ ra nghi vấn về việc liệu gia hạn thỏa thuận có giúp tái cân bằng thị trường dầu và giảm bớt dự trữ dầu hay không, nhưng các quốc gia cũng không hề phản đối việc gia hạn thỏa thuận. Trong lúc các bộ trưởng dầu mỏ cảm thấy thất bại trong cuộc chiến xoa dịu tình trạng dư cung toàn cầu, thì các bộ trưởng năng lượng lại tỏ ra vui mừng khi thu về một lượng tiền khổng lồ, một đại biểu của OPEC cho hay.

Giá dầu Brent – dầu tiêu chuẩn toàn cầu – đã tăng từ 46 USD/thùng lên 54 USD/thùng kể từ khi thỏa thuận cắt giảm 1.8 triệu thùng /ngày được ký kết vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, giá dầu đã rớt mốc 50 USD/thùng một vài lần khi nhà đầu tư bán đổ bán tháo dầu khi có dấu hiệu tình trạng dư cung toàn cầu không hề được xoa dịu. Tính đến 13h42 ngày thứ Tư (giờ Singapore), giá dầu Brent tăng 0.3% lên 54.30 USD/thùng.

Các quốc gia sản xuất trong và ngoài OPEC sẽ họp mặt vào ngày thứ Năm ở Vienna để quyết định về việc có gia hạn thỏa thuận hay không.  

Được biết, việc gia hạn thỏa thuận là nỗ lực mới nhất của các nhà sản xuất dầu nhằm hỗ trợ giá và vực dậy nền kinh tế của họ. Các cuộc đàm phán ở Vienna sẽ được theo dõi sát sao vì chúng có thể ảnh hưởng đến mọi thứ từ giá cổ phiếu của tập đoàn Exxon Mobil, cho đến đồng real của Brazil và trái phiếu Chính phủ Nigeria.

“Xu hướng chung của các nước là gia hạn thỏa thuận thêm 9 tháng”, Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp Ả-rập Xê-út, Khalid Al-Falih, cho biết trong ngày thứ Hai. “Những người trong OPEC mà tôi thảo luận cùng đều ủng hộ gia hạn thỏa thuận thêm 9 tháng”.

Mới đây, Al-Falih đã giành được sự ủng hộ của Iraq đối với việc kéo dài các đợt cắt giảm, sau khi ông bay tới Baghdad để tiến hành đàm phán trực tiếp tại thủ đô của Iraq.

OPEC và 11 nhà sản xuất khác đã nhất trí cắt giảm 1.8 triệu thùng/ngày nhằm hỗ trợ giá và xoa dịu tình trạng dư cung toàn cầu. Lúc đầu, thỏa thuận này được dự kiến thực hiện trong vòng 6 tháng đầu năm 2017, nhưng do sự sụt giảm yếu hơn dự báo của nguồn cung dầu đã khiến OPEC xem xét đến việc gia hạn thỏa thuận.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy việc duy trì thỏa thuận đến hết quý 1/2018 sẽ mang dự trữ dầu trở về mức bình quân 5 năm – mục tiêu của OPEC.

Rủi ro ở đây là OPEC không phải là nhà sản xuất duy nhất hưởng lợi từ các đợt cắt giảm sản lượng. Ngành sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ đã gia tăng sản lượng thêm 500,000 thùng/ngày kể từ khi OPEC bắt đầu bàn luận về việc cắt giảm xuống mức 9.3 triệu thùng. Kết quả là các công ty dầu ở Mỹ đều ghi nhận doanh thu mạnh hơn.

“OPEC đang đối mặt với một công việc hết sức khó khăn: Tổ chức này cần phải biết được các nhà sản xuất tăng trưởng nhanh như thế nào”, Giovanni Serio, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Vitol Group BV, cho hay./.

Các tin tức khác

>   Dầu tăng 5 phiên liên tiếp sau dự báo gia hạn thỏa thuận cắt giảm của OPEC (24/05/2017)

>   Dầu lên đỉnh 1 tháng nhờ kỳ vọng gia hạn thỏa thuận cắt giảm đến năm 2018 (23/05/2017)

>   Mở cửa thị trường xăng dầu? (22/05/2017)

>   Giá xăng RON 92 giảm 211 đồng/lít (20/05/2017)

>   Dầu leo dốc hơn 5%/tuần và vượt mốc 50 USD/thùng (20/05/2017)

>   Đã qua rồi cái thời OPEC kiểm soát thị trường dầu mỏ (19/05/2017)

>   Dầu tăng phiên thứ 2 liên tiếp trước cuộc họp của OPEC (19/05/2017)

>   Ả-rập Xê-út có thể sống tốt với giá dầu 40 USD vào năm 2020? (18/05/2017)

>   Dầu lên cao nhất trong gần 3 tuần khi dự trữ dầu tại Mỹ sụt 6 tuần liên tiếp (18/05/2017)

>   Dầu quay đầu giảm nhẹ sau 4 phiên leo dốc liên tiếp (17/05/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật