Chuyển động dòng tiền tuần 24-28/04
Nổi sóng ở DCM và QCG
Trong tuần giao dịch trước kỳ nghỉ Lễ (24-28/04), có nhiều cổ phiếu lớn bị dòng tiền rút ra, thay vào đó là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có dòng tiền tăng đáng kể. Nổi bật trong số đó là QCG và DCM khi đua nhau tỏa sáng.
Cụ thể, trong tuần qua, hai chỉ số chính biến động giảm đầu và tăng trở lại vào những phiên cuối tuần. Thanh khoản trên cả hai sàn không thay đổi nhiều, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 144.2 triệu đơn vị/phiên chỉ tăng nhẹ 1.32% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 50.2 triệu cổ phiếu/phiên, giảm nhẹ 1.11%.
Xét trên nhóm cổ phiếu có giao dịch bình quân trên 100,000 cp/phiên thì tuần qua chỉ có 60 mã có thanh khoản tăng trưởng trong khi có đến 96 mã suy giảm dòng tiền. Nhiều ông lớn trên cả hai sàn như CTG, HSG, VIC, BVH, MSN, EIB, BID, VNM… có khối lượng giao dịch sụt giảm so với tuần trước đó.
Ngược lại, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trở thành “món ăn” được giới đầu tư chọn lựa. Trên HOSE, 3 cổ phiếu HAP, DAH và ATG dẫn đầu mức tăng trưởng về dòng tiền bất chấp kết quả kinh doanh quý 1 tiếp tục sụt giảm. Chẳng hạn HAP tuần qua có khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 1.6 triệu cp/phiên, tăng hơn 400% so tuần trước và giá cũng tăng gần 16%. Được biết, kết thúc quý 1/2017, HAP đạt doanh thu thuần 96.9 tỷ đồng, giảm hơn 7.5% và lợi nhuận sau thuế về mức 2 tỷ đồng, giảm hơn 65% so cùng kỳ.
Theo giải trình từ phía Tập đoàn, nguyên nhân chính là do nguồn cung về nguyên liệu khan hiếm ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất và doanh thu bán hàng. Mặt khác, giá thu mua của nguyên vật liệu đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng đến giá vốn và giá thành sản xuất sản phẩm.
Đóng góp vào những cổ phiếu có dòng tiền tăng trưởng trên 100% còn có DRC, MBB, TNT, DCM. Trong đó DCM gây ấn tượng khi đây tiếp tục là tuần thứ 2 liên tiếp có khối lượng giao dịch tăng trưởng và giá cũng ghi nhận mức tăng hơn 20%. Động lực để DCM hút mạnh dòng tiền là nhờ quý 1 chứng kiến sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Cụ thể, doanh thu của DCM tăng mạnh 30%, đạt 1,211 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 286 tỷ đồng, gấp 2.4 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Trước đó, DCM đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2017 để thông qua kế hoạch kinh doanh doanh thu hợp nhất 5,328 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 633 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong quý đầu năm thì DCM đã thực hiện hơn 45% kế hoạch lãi cả năm.
Mặc dù không đạt mức tăng trưởng dòng tiền trên 100% như những cổ phiếu trên như tuần qua có thể xem là tuần của QCG. Cổ phiếu này chẳng những được nhà đầu tư mạnh tay giải ngân mà còn hồi phục một cách ấn tượng từ vùng đáy. Cụ thể, tuần qua, QCG có khối lượng giao dịch bình quân tăng hơn 89%, đạt gần 540,000 cp/phiên và giá cp tăng hơn 17% (3 phiên cuối tuần dư mua giá trần đạt cả triệu đơn vị trong khi bên bán bằng 0).
Thực tế cổ phiếu QCG đã bắt đầu manh nha tăng nhiệt từ tuần trước đó nhưng chỉ thực sự bùng nổ trong tuần qua khi thông tin liên quan đến dự án Phước Kiển của Công ty được công bố. Đầu tiên, theo BCTC hợp nhất kiểm toán 2016, doanh thu QCG không chênh lệch nhiều so với trước kiểm toán, đạt mức 1,588 tỷ đồng nhưng lãi ròng lại giảm tới 36%, xuống mức hơn 44 tỷ.
Tuy nhiên, điều này không khiến QCG giảm đi sức hấp dẫn khi trong phần thuyết minh BCTC, một thông tin khác quan trọng hơn được tiết lộ đó là Công ty đang trong quá trình đàm phán chuyển nhượng toàn bộ dự án Phước Kiển cho Sunny Island, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2017. Tại ngày 31/03/2017, QCG cho biết đã nhận tạm ứng tổng cộng 50 triệu USD (hơn 1,100 tỷ đồng) từ Sunny để tất toán nợ vay với Ngân hàng BIDV (BID) và số tiền này sẽ được dùng để cấn trừ vào giá trị chuyển nhượng trong tương lai khi việc đàm phán hoàn tất.
Được biết, dự án Phước Kiển là một dự án lớn nhất mà QCG tâm huyết theo đuổi trong thời gian dài (từ năm 2008). Vì vậy việc đàm phán bán dự án này là một quyết định khá bất ngờ. Chưa bàn đến tính hiệu quả của động thái này nhưng rõ ràng trên thị trường đang phản ứng tích cực đối với cổ phiếu QCG.
Một cổ phiếu khác cũng được nhắc đến nhiều trong tuần đó là PVD khi khối lượng giao dịch tăng 76% nhưng giá lại giảm gần 6%, xuống mức 17,700 đồng/cp. Những hệ quả từ giá dầu thấp cuối cùng đã bộc lộ ở PVD khi quý 1/2017 Công ty báo lỗ 9.5 tỷ đồng. Điều này khiến cổ phiếu PVD bước vào giai đoạn suy giảm và nhiều khả năng dòng tiền bắt đáy đang bắt đầu xuất hiện ở mã này.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX
|